Kiểm soát kinh tế toàn cầu : Phương Đông soán ngôi
Sự chuyển đổi quyền lực kinh tế từ phương Tây sang phương Đông đang được thực hiện với tốc độ nhanh và thế giới các quốc gia giàu có sẽ sớm mất ưu thế của mình.
|
Có dự báo cho rằng trong hơn một thập kỷ nữa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới |
Hai thế kỷ trước, với cuộc cách mạng máy hơi nước làm thay đổi thế giới, mà khởi đầu từ Châu Âu rồi lan sang nước Mỹ, phương Tây đã đi trước phương Đông nhằm tạo ra của cải, sự giàu có. Nhờ vào những ưu điểm của sự công nghiệp hóa sớm đó, các nước phương Tây và Nhật Bản đã dẫn đầu thế giới về công nghệ và mức sống cao.
Sự khác biệt đó đã kéo dài hơn 200 năm và giờ đây máy hơi nước đã được đưa vào viện bảo tàng còn các công nghệ mới, hiện đại đang được chuyển từ phương Tây ra nước ngoài nhằm tận dụng ưu điểm giá cả nhân công thấp. Và đây chính là sự thay đổi mang tính lịch sử có tác động mạnh đến hệ thống trật tự toàn cầu. Một cuộc cách mạng về nâng cao chất lượng mức sống đang diễn ra tại các nước nghèo hơn vì họ đang đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và thu hút được nhiều công nghệ mới hiện đại - bí quyết đã từng làm cho phương Tây giàu lên nhanh chóng. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất và tốc độ bắt kịp mạnh mẽ. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi khác tại Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi cũng có bước tiến nhanh. Mỹ đã phải tăng giới hạn nợ công nhằm tránh phá sản vì các khó khăn từ khủng hoảng tài chính 2008. Các nền kinh tế mới nổi, đã tránh được các cạm bẫy tài chính, đã chi tiêu nhiều hơn trong thời gian qua để kiểm tra tính bền vững của những sự bùng nổ kinh tế trong nước.
Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF cho rằng, các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng ở mức 4% cao hơn các nền kinh tế phát triển trong năm 2011 và năm tiếp theo. Nếu dự báo đó của IMF là chính xác, vào năm 2013 các nền kinh tế mới nổi sẽ sản xuất ra hơn một nửa tổng giá trị sản phẩm hàng hóa làm ra của thế giới. Một dấu hiệu của sự chuyển dịch quyền lực kinh tế là việc các nhà đầu tư dự báo về những khó khăn trong kinh doanh tại các nước đang phát triển nhưng lại tự tin rằng khủng hoảng sẽ không xảy đến với những nền kinh tế mới nổi. Nhiều người đang coi thế giới giàu có là những nước già nua, nợ nần, kém sáng tạo so với các nền kinh tế mới nổi trẻ trung, tiết kiệm và đầy sức sống. Sự sa lầy của Mỹ đã trở thành thảm họa kinh tế và làm chùn chân tất cả thế giới quốc gia phát triển, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Nhiều luồng vốn lớn đã chảy qua các ngân hàng phương Tây có quy định quản lý kém để tuồn vào tay những người đầu cơ bất động sản. Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha... chứng tỏ các nền kinh tế này đã vay để chi tiêu quá mức cho phép.
Những người sinh ra, lớn lên tại Mỹ và Tây Âu đã quen với ý nghĩ rằng phương Tây thống trị thế giới nhưng thực ra trong quá khứ vào năm 1700, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Ấn Độ (và dẫn đầu về sản xuất bông) với dân số là 165 triệu người, tiếp sau là Trung Quốc với 138 triệu người. Nước Anh với 8,6 triệu người sản xuất ra chưa đến 3% tổng sản phẩm làm ra của thế giới. Thậm chí đến năm 1802 khi cách mạng công nghiệp nổ ra rại Anh thì hai nước khổng lồ Châu Á vẫn chiếm tới một nửa tổng GDP thế giới. Nhờ vào máy móc, cuối cùng một quốc gia nhỏ bé vẫn có thể trở thành một quyền lực kinh tế khổng lồ. Tới năm 1870, thu nhập trung bình ở Anh cao gấp 6 lần ở Ấn Độ hay Trung Quốc nhưng tới sau thế chiến thứ nhất, Mỹ đã chiếm lĩnh vị trí cường quốc kinh tế số một thế giới và duy trì suốt thế kỷ thứ 20 cho đến nay.
Hiện tại, đứng đầu thế giới về kinh tế vẫn là Mỹ nhưng vị trí này đang bị đe dọa trước Trung Quốc đang trỗi dậy. Có dự báo cho rằng trong hơn một thập kỷ nữa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tất nhiên, tiêu chuẩn và mức sống trung bình ở Trung Quốc vào lúc này mới bằng 1/6 ở Mỹ và ở Ấn Độ bằng 1/14 ở Mỹ nhưng khoảng cách đó đang ngày càng được thu hẹp. Chính vì thế, nếu các nền kinh tế mới nổi tiếp tục giữ tốc độ phát triển nhanh hơn Mỹ khoảng 3% một năm thì tổng sản phẩm làm ra của họ vào năm 2030 sẽ chiếm 2/3 toàn thế giới. Vào lúc này, bốn nền kinh tế mới nổi lớn nhất Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Brazil đã chiếm tới 2/5 GDP toàn thế giới.
Lịch sử đã cho thấy không một quốc gia nào, một nhóm quốc gia nào có thể duy trì vị trí đứng đầu về kinh tế mãi mãi. Vì thê, nếu các nền kinh tế mới nổi và Trung Quốc giữ được phong độ của mình thì một ngày không xa họ sẽ là những nền kinh tế lãnh đạo toàn thế giới.
Hoa Chi
Diễn đàn Doanh nghiệp
|