Thứ Sáu, 04/11/2011 14:41

Điểm mặt 10 quốc gia khó kinh doanh nhất

Hãng tin CNBC đã liệt kê danh sách 10 quốc gia có môi trường kinh doanh khó khăn nhất trong số 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, dựa trên kết quả nghiên cứu về mức độ dễ dàng kinh doanh ở 183 quốc gia do Ngân hàng Thế giới tiến hành.

Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang vật lộn với tăng trưởng chậm, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các thị trường mới nổi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhiều nước mới nổi đã tăng lên các mức cao kỷ lục, mang lại một nguồn lợi lớn cho kinh tế ở các quốc gia này.

Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài lớn không đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh ở nước đó thực sự đã hấp dẫn được nhà đầu tư. Bằng chứng là trong danh sách dưới đây có cả tên của những nước thuộc khối BRICS như Nga, Ấn Độ, Brazil.

Việc xếp hạng được dựa trên 10 tiêu chí, bao gồm mức độ dễ dàng khi khởi động một doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, đóng thuế, luật bảo vệ nhà đầu tư hay xin được cấp nguồn điện lực…

10. Argentina

GDP năm 2010: 388 tỷ USD

FDI năm 2010: 6,3 tỷ USD

Argentina là một trong ba quốc gia ở khu vực Nam Mỹ lọt vào danh sách các nước khó kinh doanh nhất thế giới.

Để được cấp phép xây dựng ở Argentina, người đề nghị phải mất khoảng 1 năm, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7 tháng ở các nước Mỹ Latin và Caribbean. Khởi động một doanh nghiệp ở Argentina mất 26 ngày, gấp đôi mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

9. Nga

GDP năm 2010: 1,5 nghìn tỷ USD 

FDI năm 2010: 41,2 tỷ USD

Nga có lẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng cũng là một trong những nơi khó kinh doanh nhất.

Một trong những điểm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp ở nước này là việc cấp điện, phải mất tới gần 9 tháng rưỡi, cao gần gấp đôi so với phần còn lại ở Đông Âu và Trung Á. Nga cũng xếp thứ hạng thấp trong vấn đề xuất khẩu hàng hóa. Để xuất hàng khỏi Nga, các thương nhân phải tốn thời gian gấp 3 lần so với mức trung bình ở các nước OECD.

8. Brazil

GDP năm 2010: 2,1 nghìn tỷ USD

FDI năm 2010: 48,4 tỷ USD

Brazil là nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới, với tăng trưởng GDP năm 2010 đạt khoảng 7,5%, nên quốc gia này thu hút được khá nhiều đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Brazil là một trong số các nền kinh tế lớn có gánh nặng thuế cao nhất, chiếm tới 37% GDP. Các doanh nghiệp phải chi khoảng 2.600 giờ làm việc mỗi năm, tương đương 3,5 tháng, để đóng thuế ở Brazil. Tổng mức thuế mà các doanh nghiệp phải trả là hơn 67%. Một vấn đề khác là việc cấp phép xây dựng ở đây cũng quá dài, có khi lên tới gần 470 ngày để hoàn thành 17 thủ tục, gấp 3 lần mức trung bình của OECD.

7. Indonesia

GDP năm 2010: 706,6 tỷ USD

FDI năm 2010: 13,3 tỷ USD

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba quốc gia châu Á có mặt trong danh sách này của hãng tin CNBC.

Việc khởi động một doanh nghiệp ở đây rất khó khăn, cần tới một tháng rưỡi, gấp khoảng 3,5 lần so với mức trung bình của tất cả các nước OECD. Việc cấp điện ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này cũng lâu hơn phần còn lại ở Đông Á và Thái Bình Dương. Các vấn đề hạ tầng cơ sở của Indonesia thì từ lâu đã cản trở tăng trưởng của nước này. 4/5 sân bay quốc gia đông đúc nhất ở Indonesia hiện đang được khai thác vượt quá công suất.

6. Ấn Độ

GDP năm 2010: 1,73 nghìn tỷ USD

FDI năm 2010: 24,6 tỷ USD

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới với tăng trưởng GDP hàng quý vào khoảng 7,5% trong suốt thập kỷ trước, nhưng đây cũng là một trong những nước khó làm ăn nhất.

Vấn nạn tham nhũng lan tràn ở Ấn Độ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với giới kinh doanh ở nước này. Việc cấp phép xây dựng ở Ấn Độ cũng rất tốn thời gian, trung bình khoảng 7 tháng rưỡi. Mặc dù môi trường kinh doanh của Ấn Độ như vậy, nhưng tổ chức UNCTAD mới đây đã dự đoán Ấn Độ sẽ nằm trong số 5 điểm đến hấp dẫn nhất với nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2010 – 2012.

5. Nigeria

GDP năm 2010: 194 tỷ USD

FDI năm 2010: 6,1 tỷ USD

Nigeria là quốc gia sản xuất dầu lửa lớn nhất châu Phi, nên nơi đây đã thu hút được một số công ty năng lượng và tài nguyên lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những bất ổn chính trị, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo đã khiến quốc gia này bị liệt vào nhóm khó kinh doanh nhất thế giới. Nigeria cũng bị đánh giá thấp về thời gian cấp điện và đăng ký bất động sản phục vụ kinh doanh. Để xin cấp đăng ký sử dụng một khu bất động sản, các doanh nghiệp ở Nigeria cần tới 3 tháng và 15 thủ tục, so với mức trung bình 1 tháng ở các nước OECD.

4. Philippines

GDP năm 2010: 199,6 tỷ USD

FDI năm 2010: 1,7 tỷ USD

Philippines là một quốc gia châu Á khác cũng nằm trong số các nước có môi trường kinh doanh bất tiện nhất. Nước này chỉ thu hút được có 2,5% trong tổng số 76,5 tỷ USD vốn FDI đổ vào 10 nước thành viên ASEAN trong năm 2010.

Vấn đề khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Philippines là hệ thống pháp luật không ổn định. Việc khởi động một doanh nghiệp cũng như giải quyết thủ tục phá sản ở nước này cũng rất tốn thời giờ. Tháng trước, Tổng thống Philippine Benigno Aquino đã đi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy đầu tư và gửi một thông điệp về những thay đổi đang diễn ra ở nước này.

3. Algeria

GDP năm 2010: 159,4 tỷ USD

FDI năm 2010: 2,3 tỷ USD

Algeria là một trong năm nước nhiều dầu mở lọt vào danh sách đề cử “mâm xôi vàng” về môi trường kinh doanh này. Nền kinh tế này chủ yếu dựa vào việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu.

Việc khởi động kinh doanh ở Algeria rất khó khăn. Không chỉ như vậy, việc cấp điện, đăng ký sử dụng đất và đóng thuế cũng rất tốn thời giờ. Đơn cử để đăng ký sử dụng đất ở Algeria tốn tới 48 ngày, so với mức trung bình khoảng 1 tháng ở các nước OECD. Việc cấp điện thì mất hơn 5 tháng, so với mức 2,5 tháng ở các nước khác thuộc Bắc Phi và Trung Đông. Những căng thẳng chính trị gần đây ở thế giới Arab cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề xã hội và chính trị của Algeria.

2. Ukraine

GDP năm 2010: 137,9 tỷ USD

FDI năm 2010: 6,5 tỷ USD

Ukraine là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu và là một trong hai quốc gia Đông Âu có mặt trong danh sách này. Kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, quốc gia này đã có nhiều cố gắng trong việc bắt tay với cả Tây Âu và nước Nga.

Một trong những điểm bất lợi cho các nhà kinh doanh ở Ukraine là việc đóng thuế, xin cấp phép xây dựng và cấp điện. Doanh nghiệp ở Ukraine mất 27 ngày cho việc thanh toán thuế, với tổng mức thuế chiếm khoảng 57% lợi nhuận doanh nghiệp. Việc xin cấp phép xây dựng cũng mất thời gian gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của OECD. Ngoài ra, những bất ổn về chính trị cũng khiến nước này mất điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

1. Venezuela

GDP năm 2010: 387,8 tỷ USD

FDI năm 2010: (âm) 1,4 tỷ USD

Trong số 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Venezuela đứng đầu bảng về môi trường kinh doanh khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Việc kinh doanh ở quốc gia Nam Mỹ này gặp rất nhiều trở ngại, như đóng thuế, vay tín dụng, luật bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới. Chẳng hạn, doanh nghiệp ở Venezuela mất 864 giờ mỗi năm để đóng thuế, cao hơn 2 lần so với mức thời gian ở các nước Mỹ Latin và Caribbean. Hoặc như việc rút tiền khỏi tài khoản ngân hàng phải cần tới không chỉ là chữ ký, mà còn là dấu tay và trong một số trường hợp cần tới cả ảnh chụp.

Vương Anh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Hàng chục doanh nghiệp lớn của Mỹ đang trốn thuế (04/11/2011)

>   Trung Quốc áp giá trần để hạ sốt bất động sản (03/11/2011)

>   Áp giá trần, cách hạ sốt bất động sản của Trung Quốc (02/11/2011)

>   Mỹ ủng hộ những nỗ lực giải quyết nợ tại châu Âu (01/11/2011)

>   3 thách thức đối với hệ thống thương mại toàn cầu (28/10/2011)

>   Trung Quốc có thể mất danh hiệu 'công xưởng giá rẻ' (28/10/2011)

>   Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan thiệt hại lớn vì lũ lụt (26/10/2011)

>   Nhìn lại nước cờ chia tách của Motorola (25/10/2011)

>   10 quốc gia thống lĩnh thương mại toàn cầu năm 2050 (23/10/2011)

>   Những công ty thành danh từ khủng khoảng (23/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật