Thứ Ba, 08/11/2011 23:49

Thuế thu nhập chưa hợp lý

Mới có hiệu lực thi hành chưa đến 3 năm (từ ngày 1-1-2009) song Luật Thuế Thu nhập cá nhân nay đã bộc lộ rất nhiều điều bất hợp lý, cần cấp thiết sửa đổi

Hội thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-11 tại Hà Nội đã mổ xẻ hàng loạt thiếu sót trong Luật Thuế TNCN như mức khởi điểm chịu thuế, các bậc chịu thuế, khoảng cách giữa các bậc thuế…

Khởi điểm chịu thuế quá thấp

Bà Nguyễn Thị Thìn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, thẳng thắn: “Mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với thu nhập của người dân hiện nay. Nhà làm chính sách cần phải tính trước khi nộp được thuế, người dân phải chi trả những chi phí như ăn ở, đi lại, học hành… Trong bối cảnh giá cả lạm phát tăng cao như hiện nay, khởi điểm chịu thuế cần nâng lên 5 triệu đồng. Nói tóm lại là phải quy định mức như thế nào để người dân phải bảo đảm chi trả những nhu cầu thiết yếu trước đã rồi mới tính đến nộp thuế”.

Đồng tình, TS Vương Thị Thu Hiền, Học viện Tài chính, cho rằng không chỉ mức khởi điểm chịu thuế mà mức giảm trừ cho người phụ thuộc với 1,6 triệu đồng/tháng/người cũng quá thấp. Mức này hiện không còn phù hợp với thực tế đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Khi chính sách thuế TNCN còn chưa nhận được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp dân chúng sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời nhiều người sẽ tìm cách trốn thuế. Đặc biệt, mức thuế suất cao nhất của biểu thuế TNCN cao hơn 10% so với mức thuế suất phổ thông của thuế TNDN. Theo thông lệ ở các nước, hai mức thuế này bằng nhau nhằm giảm động cơ trốn thuế TNCN bằng cách lập ra DN tư nhân để hưởng mức thuế suất thấp hơn.

Bà Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính, nói rằng ở các nước, cứ 3 năm lại thay đổi mức khởi điểm chịu thuế một lần. Căn cứ để thay đổi là tình hình thực tế, tốc độ trượt giá tác động không thuận lợi đến thu nhập của người dân.

Tận thu

Theo ông Trương Thanh Đức, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nội dung bất hợp lý nhất trong Luật TNCN là việc quy định quá nhiều bậc chịu thuế và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày. Hay nói cách khác là có tình trạng thu nhầm còn hơn là bỏ sót, tức là tận thu.

Cụ thể, theo ông Đức, ở bậc 1, thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên đến 9 triệu đồng có mức thuế là 5%  tưởng là thấp và “nhân đạo” nhưng các mức thuế 20%, 25%, 35% được áp với những người có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng là quá cao. Như vậy, người có thu nhập 100 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp khoảng 25 triệu đồng/tháng. Từ đó, ông Đức đề xuất cần giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 4 bậc với các mức thuế 5%, 10%, 15% và 20%; mức thuế bậc 1 nên tính thuế từ thu nhập trên 4 triệu đồng đến 14 triệu đồng thay cho mức trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng như hiện nay.

Ông Trương Thanh Đức cũng cho biết hiện người có thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng là khá nhiều, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài. Với mức thuế như hiện nay, người có thu nhập cao sẽ tìm cách trốn thuế.

Chia sẻ ý kiến trên, TS Vương Thị Thu Hiền cảnh báo: “mức thuế cao sẽ khiến các công ty đa quốc gia có xu hướng trả tiền cả gói và trả lương cho công nhân của họ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, làm giảm số người nước ngoài tham gia đóng thuế thu nhập tại nước ta”.

Gút lại các đề xuất nêu trên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Hội thảo này là bước khởi động cho chương trình sửa đổi Luật TNCN. Theo chương trình, năm 2012 sẽ sửa đổi luật này. Hy vọng, những bất cập về mức khởi điểm chịu thuế, các bậc thuế… sẽ được cân nhắc, tính toán lại để sửa sao cho phù hợp, bắt kịp sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc sửa đổi sẽ hạn chế đưa ra các quy định cứng nhắc, góp phần đưa luật đi vào thực tế.

Giảm thuế để thu hút đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, thuế suất thuế TNDN hiện đang ở mức trung bình cao so với khu vực. Hiện mức thuế này của nước ta cao hơn một số nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông…

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chưa khuyến khích doanh nghiệp tích tụ vốn tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các nước luôn có xu hướng giảm mức thuế suất TNDN nhằm nâng cạnh tranh về thuế, thu hút vốn đầu tư.

Do vậy, Việt Nam cũng cần giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20%-22% thay vì mức 25% như hiện hành và có thể giảm ngay trong năm 2012 chứ không đợi theo lộ trình đến năm 2015 như quy định.

Tâm Uyên

người lao động

Các tin tức khác

>   Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra hàng nhập khẩu (08/11/2011)

>   Xin giảm sớm thuế thu nhập doanh nghiệp (08/11/2011)

>   Ngành thuế xây dựng chỉ số đánh giá hoạt động (08/11/2011)

>   Giảm thuế 30%, DN vẫn than trời! (07/11/2011)

>   Giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân (04/11/2011)

>   Bội chi ngân sách Nhà nước 10 tháng ước 48.420 tỉ đồng (03/11/2011)

>   Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân “càng sớm càng hay” (02/11/2011)

>   Doanh nghiệp 300 lao động được giãn thuế (02/11/2011)

>   Ba nguyên nhân khiến thu hải quan 10 tháng tăng mạnh (01/11/2011)

>   Tổng cục Hải quan: Thu thuế giá trị gia tăng vượt kế hoạch (01/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật