Sân golf: Cử tri “phê” tràn lan, Bộ trưởng bảo không nhiều
Hiện tại số lượng sân golf ở Việt Nam cũng tương ứng như các nước láng giềng đang ở trình độ phát triển như Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định tại văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Nêu thực tế “cử tri cả nước quá bức xúc trước nhiều dự án xây dựng sân golf và quy hoạch cấp phép xây dựng sân golf tràn lan khắp cả nước, trong khi đó nhu cầu thì rất ít, gây lãng phí đất đai”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp chất vấn, Bộ trưởng có đánh giá và kiến nghị gì với Chính phủ để hạn chế và cân đối phù hợp với yêu cầu thực ở Việt Nam?
Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, số lượng sân golf được quy hoạch đến 2020 là 90 sân nằm trên địa bàn 34/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó có 29 sân golf đang hoạt động, 21 sân đang xây dựng, 13 sân được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, 27 sân được chấp nhận chủ trương đầu tư. 3 sân đã được đưa ra khỏi quy hoạch do vi phạm các tiêu chí và điều kiện hình thành sân golf.
Cung cấp số liệu thống kê về số lượng sân golf của khu vực Đông Nam Á vào năm 2008, Bộ trưởng Vinh trả lời đại biểu Tiếp là “hiện tại số lượng sân golf ở Việt Nam cũng tương ứng như các nước láng giềng đang ở trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay”.
Theo số liệu này thì Philippin có 100 sân, Malaysia có 230 sân, tại Thái Lan là 256 và Singapore là 18. Indonexia có 152 sân, Lào 5 sân, Campuchia 4, Myanmar 17 và Brunei là 5.
Bộ trưởng cũng cho biết, phần lớn các sân golf đã hoạt động đều mang lại hiệu quả khá tốt, có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại chỗ và không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Nhiều sân golf còn là điểm nhấn quan trọng cho phát triển du lịch, quảng bá, dịch vụ và hình thành các điểm đô thị thị trấn và thị tứ…
Các sân golf này nộp ngân sách hàng năm nhiều chục tỷ đồng, giải quyết việc làm từ 400 - 500 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. “Nếu so với mức bình quân chung của một số nước trên thế giới thì các sân golf của Việt Nam sử dụng số lượng lao động được xếp vào loại cao của thế giới”, Bộ trưởng so sánh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những bất cập cần sớm được khắc phục như công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, chưa phát hiện kịp thời các điểm bất hợp lý trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống sân golf, còn lợi dụng đất xây dựng sân golf để xây dựng các công trình bất động sản khác… để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, ở một vài địa phương vẫn chưa tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm cho những lao động bị thu hồi đất.
Trao đổi với VnEconomy, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nói rằng, ông chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Vinh vì câu trả lời còn chung chung, chưa rõ.
“Bộ trưởng có so sánh số lượng sân golf ở Việt Nam với một số nước, song chưa làm rõ được cốt lõi vấn đề là có phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng phát triển du lịch của nước ta hay không”, ông Tiếp nói.
Nhắc lại độ nóng của các chất vấn về sân golf tại nghị trường Quốc hội khóa 12, đại biểu Tiếp cho rằng việc số lượng dân golf không những không giảm mà còn tăng lên khiến cả cử tri và đại biểu đều bức xúc.
“Vừa qua một doanh nghiệp cũng định đầu tư sân golf ở Cần Thơ, song chúng tôi không đồng ý vì sẽ lấy đất nông nghiệp, trong khi lượng người có nhu cầu sử dụng thì chưa nhiều”, ông Tiếp cho biết.
Nguyên Thảo
tbktvn
|