Thứ Hai, 07/11/2011 16:58

Quản lý thị trường vàng: Độc quyền Nhà nước hay độc quyền DN?

Dự thảo Nghị định quản lý vàng được NHNN công bố cách đây hơn 10 ngày nhưng trên các diễn đàn vẫn "nóng"lên tranh luận về điều kiện kinh doanh vàng miếng bởi nếu chiểu theo quy định tại bản dự thảo này, chỉ có CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được sản xuất vàng miếng. Vậy, câu chuyện này nên nhìn nhận theo góc độ nào?

Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nêu quan điểm, Nhà nước cần có lộ trình cụ thể cho việc chấn chỉnh lại thị trường vàng. Các DN hiện nay được sản xuất vàng miếng trên thị trường theo giấy phép của NHNN cấp, lượng vàng miếng được sản xuất ra dựa trên nhu cầu của thị trường và theo hạn mức của NHNN cho phép. Do vậy, không thể quy tội cho DN sản xuất vàng miếng. Bên cạnh đó, để sản xuất được vàng miếng, các DN đã phải đầu tư máy móc thiết bị và quảng bá thương hiệu với chi phí không nhỏ và các khoản đầu tư này chưa kịp khấu hao, nếu theo quy định như tại Dự thảo Nghị định mới, khối tài sản và uy tín thương hiệu mà DN đã đầu tư coi như bị bỏ đi, rất lãng phí.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, thương hiệu vàng miếng Phượng hoàng PNJ đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ năm 1990 cùng lúc với vàng miếng của SJC. Từ năm 1993 -1995, PNJ cùng với SJC gia công vàng miếng cho NHNN để NHNN bán trên thị trường. Sở dĩ thị phần PNJ còn nhỏ vì trong những năm qua, NHNN chỉ cấp cho PNJ hạn mức sản xuất rất ít nên PNJ không có được thị phần chi phối thị trường. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, PNJ đã cung ứng ra thị trường một lượng vàng miếng không nhỏ và xây dựng được mạng lưới bán lẻ vàng trong cả nước rộng khắp và lớn nhất tại Việt Nam .

"Vậy, nếu ngưng sản xuất, vàng miếng thương hiệu PNJ vẫn đang tồn tại trên thị trường sẽ phải giải quyết ra sao?", bà Dung nói.

Ông Đinh Nho Bảng nhấn mạnh, kết luận số 02/KL - TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 cũng đã nêu rõ mục tiêu đảm bảo lợi ích hợp pháp của người nắm giữ vàng, quan tâm đúng mức đến nhu cầu của người dân và DN để ổn định tâm lý, tránh gây biến động cho thị trường.

"NHNN cần rà soát lại trong số 8 DN đang sản xuất vàng miếng, những DN nào đã có thương hiệu vẫn nên để lại, dần tiến tới chỉ một DN sản xuất vàng miếng. Như vậy, mục tiêu của chính sách được đảm bảo, mà DN có thời gian để thích ứng dần", ông Bảng nói.

Không đồng tình với quan điểm cho rằng dự thảo Nghị định quản lý vàng sẽ tạo độc quyền cho một DN, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc VietinBank bày tỏ, cần phải nhìn nhận câu chuyện ở góc độ NHNN sẽ giao cho một DN làm việc theo quy chế, pháp luật của Nhà nước. DN đó sẽ phải có cơ sở vật chất, mạng lưới và những điều kiện để có thể hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước giao. Có nghĩa là DN được giao sản xuất vàng miếng chứ không phải có toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến sản xuất vàng miếng. DN được lựa chọn sẽ giúp Nhà nước điều hành thị trường vàng tốt hơn, trong quá trình vận hành sẽ được hưởng mức phí hợp lý nhưng dựa trên cơ sở kiểm tra, giám sát gắt gao để tránh việc vận hành không được đúng như ý muốn.

"Các cơ quan chính sách cần tiếp tục nghiên cứu hình thành cơ chế tối ưu để kiểm soát thị trường. Có thể vừa làm vừa tổng kết để hoàn thiện chính sách nhưng trong bối cảnh này, chính sách cần phải được đưa ra để kiểm soát thị trường tốt hơn", ông Thọ nói

Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, NHNN phải thống nhất trong việc quản lý thị trường vàng. Tốt nhất, NHNN nên có một DN trực thuộc thực hiện việc sản xuất vàng miếng, hoặc quốc hữu hóa một DN nào đó hội đủ tiêu chí do NHNN đề ra, hoặc NHNN thuê một DN chuyên gia công sản xuất vàng miếng. "Không nên cho bất kỳ một DN nào độc quyền trong việc sản xuất vàng miếng", TS. Ánh nhấn mạnh.

Trong một tương quan khác, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, người dân cần hết sức bình tĩnh nhìn nhận quy định tại bản dự thảo này. Nhà nước dù có độc quyền chỉ là độc quyền bán vàng miếng chứ không phải là vàng trang sức. ông Kiên đặt câu hỏi: Liệu quyền lợi của người dân có bị ảnh hưởng khi một DN sản xuất vàng miếng? Và trong 6 tháng qua, khi nhiều DN tham gia kinh doanh vàng miếng, người dân vẫn có thể thiệt thòi nếu các DN bắt tay nhau làm giá, kích giá lên để kiếm lời?

Về bản dự thảo Nghị định quản lý vàng, ông Kiên nhấn mạnh đến các mục tiêu: Thứ nhất, khuyến khích DN liên kết lại với nhau hình thành một DN đủ lớn, nâng thị phần lên để có thể chủ động bán được vàng cho người dân với mức giá tiệm cận với giá vàng thế giới, bảo vệ quyền lợi của người dân; Thứ hai, không có đầu cơ và lũng đoạn giá làm ảnh hưởng đến nền kinh tế; Thứ ba, quan trọng nhất là nhà nước không khuyến khích người dân tích trữ, kinh doanh vàng miếng mà khuyến khích đưa nguồn vốn nhàn rỗi vào thị trường tài chính, thị trường vốn. Mục tiêu cuối cùng là để nguồn vốn này sẽ tham gia đầu tư sản xuất, tạo việc làm, tạo sản phẩm cho xã hội, như vậy, thị trường mới ổn định và người dân sẽ được lợi nhất.

"Kinh doanh vàng là một loại kinh doanh có điều kiện, DN nào hội đủ điều kiện thì tiếp tục tham gia, nếu không đủ điều kiện thì nên rút lui, chứ không thể yêu cầu Nhà nước phải hạ tiêu chí. Vì đó là lợi ích của cả nền kinh tế, của cả quốc gia chứ không thể vì một nhóm nào đó", TS. Kiên nói.

H.Dung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Giá vàng tăng thêm 100.000 đồng (07/11/2011)

>   Vàng phục hồi sau thỏa thuận lập Chính phủ Liên minh của Hy Lạp (07/11/2011)

>   Doanh nghiệp vàng lo lắng vì có thể bị ngừng kinh doanh (07/11/2011)

>   Thêm cơ hội cho vàng tiến tới ngưỡng 1.800 USD (06/11/2011)

>   Quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Coi chừng tác dụng ngược (06/11/2011)

>   Lễ hội vàng vắng khách tại Ấn Độ (05/11/2011)

>   Giá vàng suy yếu cuối tuần (05/11/2011)

>   Vàng nhích nhẹ 0.5%/tuần, bạc hạ 3.4%, đồng rớt 4% (05/11/2011)

>   Dự thảo Nghị định quản lý vàng: “Nuôi cá lớn, loại cá bé” (04/11/2011)

>   Zimbabwe sắp bán số kim cương trị giá 2 tỷ USD (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật