Quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Coi chừng tác dụng ngược
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố nội dung dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng dự kiến trình Chính phủ ban hành. Mục đích của nghị định này nhằm chống “vàng hóa”, ngăn chặn đầu cơ, hạn chế kinh doanh vàng miếng. Đây được xem là một biện pháp rất cần thiết, tuy nhiên những quy định khắt khe của nghị định này lại có nguy cơ dẫn đến tác dụng ngược.
Vẫn tiếp tục giữ độc quyền?
Theo dự thảo, một trong những điều kiện để được sản xuất vàng miếng là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 500 tỉ đồng trở lên, tăng 10 lần so với quy định hiện hành (Nghị định 174/1999/NĐ-CP). Ngoài ra, đáng chú ý hơn, NHNN còn yêu cầu doanh nghiệp phải “chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm liên tiếp gần nhất”. Nếu như vậy, về lý thuyết, chỉ có tối đa bốn doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ SJC đáp ứng được tiêu chuẩn này vì hiện SJC đã chiếm khoảng 90% thị phần sản xuất vàng miếng. Ngoài ra, quy định này cũng ngăn cản tất cả các doanh nghiệp mới tham gia sản xuất vàng miếng vì đơn giản là không thể có bất kỳ một doanh nghiệp nào tự nhiên chiếm 25% thị phần. Chưa dừng lại ở đó, dự thảo còn quy định “việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần”.
Theo lý giải của NHNN, “các quy định này nhằm đảm bảo cho NHNN quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường, đồng thời ngăn chặn việc sản xuất vàng miếng từ nguồn nguyên liệu nhập lậu”.
Như vậy, so với những quy định hiện hành, dự thảo đưa ra những quy định chi tiết và khắt khe hơn. Điều mà nhiều người quan tâm là liệu những giải pháp này có giải quyết được thực trạng của thị trường vàng hiện nay?
Trong phần phân tích thực trạng và nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng dự thảo này, NHNN đã thừa nhận “việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (trên 90%) cũng tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn”. Ngoài ra, NHNN còn chỉ rõ “có hiện tượng liên kết để làm giá, đầu cơ trên thị trường” .
Thực trạng là vậy, trong khi với các điều kiện trên, số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng sẽ giảm từ tám doanh nghiệp xuống còn duy nhất một doanh nghiệp thì liệu có giải quyết được tình trạng độc quyền và làm giá trên thị trường vàng hay không?
Hơn thế nữa, việc NHNN đưa ra quy định về hạn mức sản xuất vàng miếng cũng làm giảm tính linh hoạt của thị trường. Dưới góc nhìn kinh tế học thì biện pháp cấp hạn mức luôn gây tổn thất vô ích cho nền kinh tế. Ngoài ra, cơ chế “xin-cho” này cũng tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh.
NHNN có ưu ái cho tổ chức tín dụng?
Dự thảo nghị định này cũng nhằm thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng và không khuyến khích hoạt động này. Theo dự thảo, mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó đáng chú ý là quy định doanh nghiệp phải có vốn trên 100 tỉ đồng, có kinh nghiệm kinh doanh vàng hai năm trở lên và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Quy định như vậy có thật sự cần thiết và hợp lý chưa?
Thực tế, những điều kiện quy định trên chỉ là rào cản để hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia chứ không có ý nghĩa về mặt bảo vệ cho người tiêu dùng, cho xã hội trước rủi ro của một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó. Những quy định này dường như chỉ nhằm đến mục đích “dễ quản lý”.
Nếu biện pháp này được thông qua sẽ đẩy hàng chục ngàn doanh nghiệp đang mua bán vàng miếng “ra rìa”. Trong khi đó, NHNN lại cho phép các tổ chức tín dụng được kinh doanh vàng miếng tại các mạng lưới trên cả nước. Một câu hỏi không thể không đặt ra là phải chăng NHNN quá ưu ái cho “con đẻ” của mình. Không những vậy, với những quy định này thì tình trạng độc quyền, làm giá có nguy cơ tăng mạnh trở lại.
Những biện pháp nặng về hành chính, thiếu cơ sở khoa học như trong dự thảo nghị định đưa ra sẽ không hiệu quả và không giải quyết được các hiện tượng như độc quyền, làm giá, buôn lậu vàng…
Hồ Bá Tình
TBKTSG Online
|