Pháp đối mặt với “thắt lưng buộc bụng”
Hôm nay 7-11, Thủ tướng Pháp Francois Fillon dự kiến sẽ công bố kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới để thực hiện mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách, giữ mức tín dụng AAA trước nguy cơ bị đánh tụt.
Vì Pháp, vì châu Âu
Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, kế hoạch khắc khổ cho phép Chính phủ Pháp tiết kiệm thêm từ 6 - 8 tỷ EUR (khoảng 8,3 - 11 tỷ USD). Điều này sẽ giúp Pháp duy trì tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức 4,5 % GDP trong tài khóa 2012, trước khi đạt mức 3% theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013.
Tờ Le Journal Du Dimanche của Pháp cho biết, các biện pháp khắc khổ bao gồm cả phương án nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) vốn đã được giảm ở một số ngành nghề. Theo đó, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp đang nghiên cứu khả năng tăng thuế VAT lên 7%-9% thay vì 5% như hiện nay.
|
Tổng thống Pháp N.Sarkozy (phải) và Thủ tướng Pháp F.Fillon sẽ phải nỗ lực để đưa Pháp cùng châu Âu vượt qua khủng hoảng. |
Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng đang tính đến khả năng tăng thuế đối các công ty có doanh thu trên 150 triệu EUR/năm, từ mức 33% lên 36%. Cuối tháng 8-2011, ông F.Fillon đã từng thông báo một chương trình cắt giảm chi tiêu đầu tiên trị giá 12 tỷ EUR. Chính phủ Pháp cũng đã tăng thuế VAT đánh vào một số mặt hàng như nước ngọt, thuốc lá và một số các biện pháp tăng thuế thu nhập nhằm vào tầng lớp người giàu.
Thủ tướng F.Fillon cho biết 2012 sẽ là một trong những năm có ngân sách eo hẹp nhất kể từ năm 1945. Việc chính phủ Pháp phải thực hiện triệt để các biện pháp thắt lưng buộc bụng do các quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro (eurozone) sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Pháp, kéo tụt mức tín dụng của nước này như công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã cảnh báo trước đó.
Từ khi cuộc khủng hoảng nợ nổ ra 2 năm trước đến nay, Pháp và Đức luôn là 2 quốc gia đi đầu trong nỗ lực ngăn cản hiệu ứng domino lan rộng trong khối. Vì vậy, nếu nền kinh tế 2 nước có bất cứ dấu hiệu mệt mỏi nào cũng sẽ tác động lớn đến cuộc giải cứu các quốc gia thành viên EU.
Khó tránh được suy thoái?
Hiện không ít các nhà kinh tế nghĩ rằng châu Âu đang tiến gần đến một cuộc suy thoái và sẽ gây tổn hại các quốc gia khác có nền kinh tế phụ thuộc vào lục địa này. Điều đó được minh họa qua dữ liệu mới nhất của hệ thống theo dõi hàng quý của hãng tin AP trên 30 quốc gia.
Cụ thể, Italia, Tây Ban Nha, Anh và Na Uy có tăng trưởng dưới 1% trong quý 3 (trong khi các nền kinh tế nói chung phải tăng trưởng ít nhất 2,5%/năm để giữ tỷ lệ thất nghiệp không tăng). Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, với 21,2% trong tháng 8, tiếp theo là Ba Lan 9,4%. Hy Lạp và Italia đang chịu sức nặng của nợ chính phủ. Các khoản nợ của Hy Lạp tương đương với 161% GDP trong quý 1. Nợ chính phủ của Italia là 113% GDP. Thị trường tài chính ngày một lo lắng hơn về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp và thậm chí cả Italia.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế của 17 nước sử dụng đồng EUR sẽ giảm xuống 0,3% vào năm tới so với 1,6% năm nay. Một số nền kinh tế châu Âu có thể không tăng trưởng.
Một lý do cho sự bi quan đó là các nước nhỏ hơn, đặc biệt là Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, đang cắt giảm chi tiêu. Những nước lớn hơn đang tăng thuế và cũng có thể phải cắt giảm chi tiêu. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tháng 10 cho thấy trong quý 3 các ngân hàng đã cắt giảm 16% mạng lưới tín dụng đối với các doanh nghiệp. 124 ngân hàng được khảo sát dự kiến sẽ thắt chặt tín dụng cho đến cuối năm nay.
Tóm lại, giới chuyên gia kinh tế nhận định châu Âu có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng khó tránh được một cuộc suy thoái trong tương lai gần.
Đỗ Văn (tổng hợp)
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|