Ngành tài chính thế giới co cụm mạnh
Mấy tháng gần đây, hàng loạt tập đoàn tài chính lớn từ Nhật Bản tới Thụy Sỹ công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và nhân sự sau vụ phá sản của hãng môi giới hàng hóa MF Global Holdings, theo tờ Wall Street Journal. Sau khi đạt tới quy mô “vô tiền khoáng hậu” trước cuộc khủng hoảng tài chính và chỉ thu hẹp chút ít sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, ngành tài chính của thế giới đang trải qua một đợt co cụm lớn.
Tập đoàn Nomura Holdings của Nhật vừa cho hay sẽ tăng gấp ba lần mục tiêu cắt giảm chi phí của năm nay lên 1,2 tỷ USD, chủ yếu tập trung ở thị trường châu Âu. Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ tuyên bố cắt giảm thêm 1.500 vị trí, đánh dấu đợt cắt giảm nhân viên thứ hai chỉ trong vòng 4 tháng.
Trước đó, vào tháng 8, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS công bố kế hoạch giảm 3.500 việc làm. Giới phân tích dự báo, các nhà lãnh đạo của UBS sẽ chưa dừng việc cắt giảm việc làm ở đây.
Tháng 7, “đại gia” Mỹ Goldman Sachs cho hay sẽ cắt giảm 1.000 vị trí, nhưng trên thực tế đã cắt giảm quá mức này. Nguồn tin thân cận tiết lộ, sắp tới, sẽ còn có thêm nhiều nhân viên của Goldman Sachs phải đóng gói đồ đạc. Tháng trước, ngân hàng này báo thua lỗ trong quý lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Từ lâu, nhân sự là mảng gây tốn kém chi phí nhất ở Phố Wall. Bởi vậy, việc cắt giảm nhân viên là chuyện thường xảy ra trong những thời kỳ lợi nhuận đi xuống. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lập luận rằng, hoạt động cắt giảm nhân sự gần đây có thể sẽ kéo dài hơn khi mà các ngân hàng sẽ phải chịu sự giám sát của các quy định chặt chẽ hơn trong một thời gian dài, đồng thời thị trường cũng bất ổn mà tăng trưởng kinh tế lại èo uột.
Số nhân sự làm trong lĩnh vực chứng khoán ở Mỹ đã giảm 9% trong thời kỳ 2007-2009, trước khi phục hồi một phần lên mức 811.700 công việc gần đây – theo số liệu của Chính phủ nước này.
Cắt giảm nhân sự không phải là áp lực duy nhất mà các tập đoàn tài chính đang đối mặt. Năm nay là năm thứ hai liên tiếp các công ty tài chính làm ăn khó khăn, nên nhân viên trong ngành này chắc chắn sẽ không có nhiều tiền thưởng cuối năm như thường lệ.
Việc đột nhiên bị sa thải có thể là một cú sốc đối với nhiều nhân viên tài chính vốn đã tìm thấy cơ hội sau cuộc khủng hoảng 2008. Những tập đoàn như Nomura và UBS đã tuyển một lực lượng lớn những nhân viên tài chính mất việc trong cuộc khủng hoảng 2008, đưa ra những gói lương thưởng hấp dẫn với hy vọng lực lượng này có thể giúp họ phát triển mạnh một khi nền kinh tế phục hồi.
Năm 2009, Nomura tuyển 1.000 nhân viên mới, hứa hẹn mở rộng mảng ngân hàng đầu tư tại thị trường Mỹ một năm sau khi mua lại bộ phận tại châu Âu và châu Á của ngân hàng “quá cố” Lehman Brothers. Credit Suisse cũng mạnh tay tuyển dụng nhân sự cho nhiều mảng, UBS thì đã tuyển thêm ít nhất 300 nhân viên cho lĩnh vực trái phiếu vào năm 2010.
Những đợt tuyển người sau khủng hoảng này đơn giản chỉ là phản ứng của các ngân hàng trước chu kỳ lên xuống của thị trường. Khi khủng hoảng thì họ sa thải, và khi suy thoái chấm dứt, thị trường tốt lên thì họ tuyển người. Cách làm này đã phát huy tác dụng nhất thời, với năm 2009 là một trong những năm tốt đẹp nhất trong lịch sử gần đây của ngành tài chính thế giới, khi mức lợi nhuận tăng bùng nổ.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra mãi như những gì Phố Wall mong muốn. Năm nay, hoạt động môi giới trở nên im ắng trong bối cảnh thị trường nhiều bất ổn do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và triển vọng suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Trong thời gian từ tháng 1-10/2011, doanh thu từ các loại trái phiếu hạng đầu tư đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2009. Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên toàn thế giới chỉ bằng 60% so với mức cùng kỳ năm 2007 – năm đỉnh cao của hoạt động này theo số liệu của hãng Dealogic. Doanh thu từ thị trường cổ phiếu và các chứng khoán khác năm nay cũng chỉ bằng 70% mức của năm 2007.
Thị trường yếu và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế càng gây áp lực cho những công ty tài chính vốn dĩ đã buộc phải cắt giảm nhân sự do những dịch chuyển lớn về công nghệ và cơ chế giám sát tài chính mới. Mô hình ngân hàng đầu tư ở nhiều công ty tài chính đã bị tổn thương khi mà những quy chế mới được tung ra, như quy chế không chế các ngân hàng sử dụng nguồn quỹ riêng cho các vụ đầu tư, hay các quy định ngặt nghèo hơn về mức vốn khiến các công ty khó kiếm tiền hơn từ giao dịch và đầu tư.
Cho tới tháng 7 năm sau, các quy định mới mới được thực thi, nhưng ảnh hưởng của những quy định này tới giờ đã có thể được cảm nhận rõ nét.
Tại ngân hàng Credit Suisse, nhiều nhân viên ngạc nhiên khi biết rằng, mảng chứng khoán bảo lãnh bằng nợ địa ốc thương mại ở Mỹ sắp phải giảm bớt số nhân viên. Bộ phận gồm khoảng 50 người này từ tháng trước đã được cảnh báo về khả năng mất việc, dù mới chỉ được tuyển cách đây chưa lâu và thậm chí chưa thực sự bắt đầu công việc.
Ngoài mảng trên, Credit Suisse còn chuẩn bị rút lui khỏi các mảng giao dịch lãi suất phái sinh, nợ thị trường mới nổi và hàng hóa ở một số thị trường, vì đây là các lĩnh vực đòi hỏi phải giữ nhiều vốn dự phòng theo quy định Basel. Bên cạnh đó, Credit Suisse cũng có kế hoạch cắt giảm nhân sự ở mảng ngân hàng đầu tư tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Kiều Oanh
TBKTVN
|