Mỹ đang theo vết xe đổ của Hy Lạp, Italy?
Nếu thiếu một hành động quyết đoán của Ủy ban Cao cấp cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia, tương lai của Mỹ có thể sẽ rất đen tối.
* Nợ công Mỹ chính thức vượt ngưỡng 15 ngàn tỷ USD
|
Hình minh họa "Đại suy thoái" |
Người nào đã chọn ngày 23/11 - một ngày trước Lễ Tạ ơn và một trong những ngày lễ được coi trọng nhất của Mỹ là hạn chót cho việc tiến cử lựa chọn nên Ủy ban Chọn lọc về Cắt giảm Thâm hụt ngân sách - hẳn phải là người hài hước quá mức.
Trừ khi có phép màu nhiệm vào phút cuối cho cả hai đảng, còn không sẽ chẳng có sự cứu rỗi nào cho các vấn đề nợ nần và thâm hụt ngân sách cho đất nước này.
Để có thể tiên liệu trước những gì phũ phàng mà tương lai có thể mang đến cho nước Mỹ nếu như không có một hành động quyết đoán như vậy, các thành viên của Ủy ban Cao cấp có thể nhìn xuyên qua bờ Đại Tây Dương và thấy các đối tác châu Âu, bởi vì chính trong tấm gương đó sẽ phản chiếu số mệnh của nước Mỹ.
Chỉ trong vòng hơn mười ngày qua, các chính phủ ở Hy Lạp và Italy đã thất bại trước những vấn đề tài chính trầm trọng trong nước.
Nhưng bất chấp việc các Thủ tướng George Papandreou và Silvio Berlusconi thoái lui, và những lời hứa hẹn về việc thắt chặt thêm nữa chính sách tài chính từ các chính phủ lâm thời tại hai quốc gia trên, khối nợ công khổng lồ và nền kinh tế còi cọc vẫn báo hiệu trước những ngày tháng đen tối hơn sẽ ập đến, nhưng không phải chỉ riêng cho Hy Lạp và Italy, mà cho cả 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Vấn đề là, nước Mỹ cũng chẳng khá khẩm hơn. Khối nợ công khổng lồ của Mỹ đã lên tới 14,9 nghìn tỉ USD trong một nền kinh tế chỉ tạo ra tổng sản phẩm quốc nội là 15,2 nghìn tỉ USD. Thực tế đó mang lại cho người dân Mỹ một tỉ lệ nợ tính trên GDP là 98%, không cách xa con số 118% của Italy là mấy. Và ngân sách liên bang của Italy thậm chí còn khả dĩ hơn so với Mỹ. Thâm hụt ngân sách của Italy là 108 tỉ USD, tương đương 9,8% của tổng chi tiêu chính phủ (1,1 nghìn tỉ USD).
Thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ là 1,3 nghìn tỉ USD, tương đương 36% tổng chi tiêu (3,6 nghìn tỉ). Hơn nữa, thâm hụt ngân sách của Italy chỉ chiếm 5,1% GDP, trong khi tại Mỹ, thâm hụt ngân sách đã lên tới 8,6% tổng sản lượng kinh tế.
Điều đã đẩy Hy Lạp và Italy xuống bờ vực và khiến chính phủ của họ sụp đổ chính là chi phí để trang trải cho các khoản nợ quốc gia. Khi các thị trường vốn đã mất niềm tin vào khả năng đáp ứng thanh toán bắt buộc, các khoản vay mượn sẽ tiêu tốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Như ở Italy, tỉ lệ lãi suất đã vượt 7%. Hy Lạp cần có các gói cứu trợ khổng lồ hơn nữa từ các bằng hữu ở khu vực đồng tiền chung, và ngược lại, những người này lại yêu cầu phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn nữa - và những yêu cầu đó sẽ lại sớm được đưa ra. Giờ đây, lại đến lượt Italy đốt tiền.
Tại Mỹ, chi phí trang trải cho các khoản nợ công khổng lồ đó tương đương 218 tỉ USD mỗi năm. Nhưng tỉ lệ lãi suất tại Mỹ đang phải trả lại khá ưu đãi, chỉ 2,9% trong tháng Chín vừa qua. Không ai phải mất thời gian để nghĩ lại xem đã bao giờ tỉ lệ lãi suất trả cho nợ công lại cao hơn so với bây giờ hay chưa.
Trong năm 2000, khi tổng nợ công của Mỹ mới "chỉ" có 5,7 nghìn tỉ USD, tỉ lệ lãi suất phải trả là 6,63%. Nếu tỉ lệ này lại tăng đến mức đó lần nữa, do lạm phát hay là do các quốc gia đang mua trái phiếu của Kho bạc Mỹ mất niềm tin vào khả năng kiểm soát nợ và chi tiêu của Mỹ, lúc đó Mỹ sẽ thấy mình trong tình cảnh thảm hại thế nào.
Các chi phí chi trả nợ công hàng năm sẽ tăng lên hơn 500 tỉ USD. Điều này sẽ buộc chi tiêu liên bang phải cắt giảm. Để đặt con số 500 tỉ USD đó vào đúng viễn cảnh, Mỹ sẽ phải tốn 723 tỉ USD hàng năm cho các chi trả An sinh xã hội, 824 tỉ USD cho Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế, và 701 tỉ USD cho an ninh và quốc phòng - đây là ba hạng mục lớn nhất trong ngân sách liên bang.
Người Mỹ sẽ thực là trì độn nếu như nghĩ rằng họ "ấm thân" hơn rất nhiều so với người Hy Lạp và người Italy, bởi vì đất nước này đang đi theo đúng con đường dẫn tới bờ vực tương tự.
Đây là những phác thảo cho những ngày cuối của Ủy ban Cấp cao, và hạn chót vào tuần sau để kiếm được 1,5 nghìn tỉ USD tiết kiệm ngân sách trong vòng 10 năm tới. Những khoản tiết kiệm đó có thể thu về từ việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc kết hợp cả hai. Những người tỉnh táo từng nhìn vào tình cảnh này đều có chung một kết luận: phải kết hợp cả hai biện pháp này. Nhưng nền chính trị như ở Washington hiện nay có vẻ như sẽ coi logic trên là thứ yếu trong khi lại đề cao các lợi ích hẹp hòi của hai đảng.
Những người suy nghĩ thấu đáo thuộc về các quan điểm chính trị khác đã đưa ra các giải pháp tương tự và rõ ràng; bao gồm một sự kết hợp cân bằng trong việc thận trọng giảm bớt các trợ cấp hưu trí có chọn lọc, các phí tổn y tế và các chương trình quốc phòng kết hợp với một sự cải tổ của hệ thống thuế có thể giúp bù lại con số vài nghìn tỉ USD thất thoát trong các chương trình cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Bush trong khoảng năm 2001-2003.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ cắt giảm và cứ đánh thuế là tương lai sẽ sáng lạn hơn. Người Mỹ cần phải thúc lại đà tăng trưởng kinh tế. Nhưng Mỹ sẽ không thể làm vậy cho tới chừng nào mà họ có thể giành lại được niềm tin của công chúng khắp nơi cũng như trong cộng đồng kinh tế. Điều này sẽ giúp chính phủ Mỹ có khả năng sắp xếp lại vấn đề tài chính của đất nước vào khuôn khổ.
Vào ngày 23/12, Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu về kế hoạch của Ủy ban Cấp cao đặt ra. Nếu như Quốc hội không hành động, thì vào ngày 15/1 năm sau, khoản tiền 1,2 nghìn tỉ USD sẽ tự động được áp dụng cho cả quốc phòng và các chương trình trong nước.
Kết cục đó có thể sẽ truyền đi tín hiệu xấu cho các thị trường toàn cầu và có thể đặt Mỹ vào lộ trình đen tối như con đường mà Hy Lạp và Italy đang phải trải qua.
Thu Lượng (theo GlobalPost)
VIETNAMNET
|