Thứ Hai, 28/11/2011 09:32

Lương 'bèo' của ngành điện gần bằng lương Bộ trưởng

Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi thì chỉ nên được hưởng mức lương cơ bản, không hưởng lương tính từ lợi nhuận, bởi có lợi nhuận đâu mà tính.

Câu chuyện lương bình quân ngành điện đạt 7,3 triệu đồng/tháng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Đất Việt ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề này.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Khó chấp nhận

Điều chúng tôi băn khoăn là tại sao doanh nghiệp lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng mà lương bình quân toàn ngành tới 7,3 triệu đồng/tháng. Đó là mức lương cấp bộ trưởng (lương bộ trưởng hệ số 10 là  8,3 triệu đồng). Trong khi đó, những cán bộ công chức, học 4 năm đại học hay bác sĩ học đến 6 năm, nhưng lương khởi điểm chỉ hệ số 2,34,  khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Đáng ra, khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi thì chỉ nên được hưởng lương cơ bản, không hưởng lương lợi nhuận vì có lợi nhuận đâu mà tính? Bộ Công thương nói có 3 căn cứ để ngành điện hưởng mức lương cao, nhưng một căn cứ hết sức quan trọng không được đề cập là hiệu quả sản xuất kinh doanh như thế nào thì hưởng mức lương như thế.

ĐB Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI): Không nên trả lương thoải mái khi doanh nghiệp thua lỗ

Theo tôi, ở lĩnh vực nào cũng vậy, khi có khó khăn, kể cả khi bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đều phải cơ cấu lại mức lương cho hợp lý để cân bằng trong mặt bằng xã hội, động viên cán bộ công nhân viên. Và những người đầu tiên phải làm gương là cán bộ cao cấp. Thậm chí lãnh đạo phải ngừng lĩnh lương, tự nhiên cán bộ, nhân viên sẽ chia sẻ. Doanh nghiệp cần cân đối, tính toán, không nên trả lương một cách thoải mái quá, đặc biệt trong lúc đang thua lỗ.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước): Không được tính số thua lỗ vào giá điện

Tôi thống nhất với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH là cần xem xét lương của ngành điện. Đặc biệt, kinh doanh thua lỗ thì phải chia sẻ, không thể anh thua lỗ, nhưng vẫn giữ quyền lợi của mình, để nhà nước và người dân gánh chịu.

Trong trường hợp ngành điện hiện lỗ tới trên 10.000 tỷ đồng, lãnh đạo ngành điện phải chịu trách nhiệm, bởi số thua lỗ có 2 phần, lỗ do sản xuất điện và lỗ do đầu tư ngoài ngành. Lỗ do sản xuất điện, phần nào do bất khả kháng, chẳng hạn như thiên tai, thiếu nước thì có thể chấp nhận, nhưng do thất thoát, do quản lý thì phải chịu trách nhiệm. Nếu đầu tư ngoài ngành, dẫn đến thua lỗ, rồi đưa vào số lỗ của doanh nghiệp, tính vào giá thành để bắt người dân chịu là không được.

TS Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh: “Nói 7,3 triệu đồng không đủ sống là vô lý”

Lương tối thiểu vùng cao nhất hiện nay mới là 2 triệu đồng/tháng thì mức lương 7,3 triệu đồng/người/tháng (năm 2009) của EVN là quá cao. Nói mức lương này không đủ sống là “nói lấy được”.

TS Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho biết như trên, khi trao đổi với Đất Việt xung quanh chuyện lương bình quân của ngành điện.

- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng mức lương 7,3 triệu đồng của EVN là chưa hợp lý và cần phải kiểm tra lại, còn Bộ trưởng Bộ Công thương lại một mực khẳng định EVN đã trả lương đúng quy định. Quan điểm của ông thế nào?

- Lãnh đạo cả 2 Bộ đều có lý của họ, duy chỉ có điều họ chưa gặp nhau về cơ sở lý luận. Nếu như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhìn vấn đề theo quy định về lương tối thiểu, thì Bộ trưởng Bộ Công thương lại dựa trên mức lương bình quân theo mặt bằng của khu vực sản xuất kinh doanh. Nếu EVN quản lý hiệu quả, làm ăn tốt thì họ đương nhiên có quyền trả lương cao, hơn 7 triệu cũng không là vấn đề gì. Tuy là trong khu vực nhà nước nhưng đối với khu vực sản xuất kinh doanh thì ngoài việc tuân thủ theo thang, bảng lương, mức lương của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh.

- Nhưng trên thực tế, EVN đang thua lỗ lớn?

- Cần phải làm rõ rằng EVN kêu lỗ ở đây là giá bán điện lỗ. Điện lâu nay vẫn được coi là sản phẩm đặc biệt do nhà nước quản lý về giá. Hiện Chính phủ cũng phải thừa nhận giá điện nước ta thấp so với các nước trong khu vực. Chính vì thế EVN hoàn toàn có thể đưa ra cái lí rằng họ quản lý tốt, làm ăn tốt nên vẫn có quyền trả lương nhân viên cao. Song sẽ là có vấn đề khi hiệu quả làm ăn thực chất của EVN không tốt như đã báo cáo. Theo tôi, kiểm toán nhà nước cần phải vào cuộc nhằm đánh giá lại các chi phí về tiền lương đã hợp lý hay chưa. Mặt khác, việc công khai tiền lương của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là hết sức cần thiết. DNNN cần phải coi việc công khai này là trách nhiệm trước xã hội bởi họ đang kinh doanh bằng nguồn vốn của nhà nước, bằng tiền thuế của dân.

- Theo ông, liệu việc công khai tiền lương của lãnh đạo, cán bộ quản lý DNNN có dễ thực hiện?

- Tôi cho là khó, bởi đây là thói quen lâu đời của các nhà quản lý DNNN. Từ trước tới nay, mức lương của nhân viên và đặc biệt là lương của cán bộ quản lý khu vực này thường bị ém nhẹm nên mới có nhiều vấn đề xảy ra. Theo tôi, vấn đề này cần phải được quy định bắt buộc trong văn bản pháp luật.

- Cám ơn ông!     

Tuyết Trịnh (thực hiện)

Mạnh Đồng (thực hiện)

đất việt

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp xi măng: Phá sản gần kề (28/11/2011)

>   Kinh doanh năm 2012: Trọng tâm là sản phẩm xoay vòng vốn nhanh (28/11/2011)

>   Hàng thủ công mỹ nghệ: Quay về “ao nhà” (28/11/2011)

>   Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều (28/11/2011)

>   Nhập khẩu ôtô tiếp tục “nằm đáy” (27/11/2011)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước 31/12/2015 (26/11/2011)

>   TP.HCM: Sẽ không tăng giá hàng bình ổn vào dịp tết (26/11/2011)

>   Xuất khẩu nông sản đạt trên 22 tỉ USD (26/11/2011)

>   Dệt may có nhiều đơn hàng cho năm 2012 (26/11/2011)

>   Tận dụng cơ hội đưa hàng sang Nhật (26/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật