Hàng thủ công mỹ nghệ: Quay về “ao nhà”
Chi phí sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu gặp khó, các làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang bắt đầu quay về khai thác thị trường nội địa...
Những sản phẩm sử dụng vật liệu gần gũi với thiên nhiên, thân thiện môi trường đang được nhiều khách hàng trong nước lựa chọn, mở ra hướng đi mới cho các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...
Đơn hàng xuất khẩu giảm một nửa
Khác với không khí nhộn nhịp mọi năm, những ngày gần đây xưởng sản xuất guốc mộc xuất khẩu Hùng Thái (làng nghề guốc mộc Bình Nhâm, Bình Dương) luôn vắng vẻ với chỉ vài chục lao động làm việc.
Theo ông Thái Văn Anh Hùng - giám đốc doanh nghiệp Hùng Thái, số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp này được đặt hàng đã giảm hơn một nửa, nhiều khách hàng vẫn chưa thấy quay lại dù đã xem hàng mẫu.
“Chúng tôi chỉ mới nhận được đơn đặt hàng khoảng 150.000 đôi guốc của các đối tác châu Âu, còn các đối tác từ Nhật vẫn chưa có quyết định đặt hàng dù đã nhận hàng mẫu từ lâu...” - ông Hùng nói.
Thông thường vào thời điểm này mọi năm, cơ sở Hùng Thái đã có đơn hàng từ 300.000-500.000 đôi. Và để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, làm ngày làm đêm mới kịp đáp ứng được đơn hàng dồn dập từ các đối tác.
Thậm chí có nhiều năm vào mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phải liên kết lại với nhau để kịp giao hàng cho khách. Thế nhưng năm nay, ông Hùng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động như hiện nay.
Không riêng gì Hùng Thái, hàng loạt cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hiện đang rơi vào tình trạng đói đơn hàng, phải giảm bớt công nhân và thu hẹp hoạt động. Đại diện Công ty Kim Bôi, đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, cho biết không những đơn hàng giảm một nửa mà giá cả cũng đang bị ép xuống.
Mới đây, một đối tác tại Mỹ đặt đơn hàng 500.000 sản phẩm khỉ trái dừa nhưng với giá chỉ 13.000 đồng/sản phẩm. Theo tính toán, hiện nay giá một trái dừa nguyên liệu khoảng 8.000 đồng. Cùng với các chi phí chế tác, sơn phết, lương lao động... đơn vị không thể có lời, thậm chí lỗ.
Do đó để duy trì sản xuất, công ty chuyển qua đẩy mạnh xuất khẩu xơ dừa sang Trung Quốc. Điều nghịch lý là theo các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trong khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh song giá nguyên liệu trong nước như mây tre, cói, lục bình... vẫn tiếp tục tăng. Giá các nguyên liệu này tăng 20-30% so với giữa năm khiến các doanh nghiệp càng thêm khó.
"Ta về ta tắm ao ta"
Trong khi nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn loay hoay trước sự giảm sút của thị trường xuất khẩu, một số doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng khai thác thị trường nội địa và đã đạt nhiều thành công khi đưa các sản phẩm bàn ghế, khay giỏ, tranh treo tường... từ tre, lục bình, composite vào các dự án khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và hệ thống bán lẻ.
Ông Trần Việt Tiến, giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long, cho biết công ty đang phải tuyển thêm khoảng 30 nhân công thời vụ để sản xuất các sản phẩm lịch kết hợp tranh treo tường với số lượng hàng chục ngàn sản phẩm cho siêu thị Metro và các doanh nghiệp đặt hàng trong dịp tết 2012.
“Trong khi thị trường xuất khẩu cũng như trong nước chưa có những dấu hiệu khởi sắc, việc có hàng loạt đơn hàng cuối năm cho thấy chúng tôi có thể mở rộng quy mô để khai thác thị trường nội địa. Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để triển khai mở rộng nhà xưởng lên 5.000m2 trong năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Tiến cho biết.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm bàn ghế, giỏ, túi xách từ lục bình, nhựa giả mây, ông Lê Phúc Thịnh, giám đốc Công ty SGP, bày tỏ ngạc nhiên khi chỉ hơn một năm trở lại đây, lượng hàng sản xuất trong nước của công ty tăng trên 30% nhờ sản xuất hàng cho các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại Phan Thiết, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Theo tính toán, lượng hàng cho các dự án này không hề thua kém các đơn hàng xuất khẩu. Với khu nghỉ dưỡng quy mô khoảng 50 phòng sẽ có khoảng 600 sản phẩm các loại như bàn ghế salon, các sản phẩm ngoài trời...
Ông Nguyễn Hoàng Tân, giám đốc Công ty cổ phần Ánh Tân Cương (ATC), cho biết so với giá xuất khẩu, các sản phẩm cung cấp cho các dự án có giá trị cao hơn khoảng hai thậm chí ba lần. Tuy nhiên, bản thân công ty cũng phải bỏ ra khoản đầu tư khá lớn trong việc phát triển sản phẩm, mở showroom cũng như quảng bá, chăm sóc khách hàng... Hiện nay công ty đang liên kết với các công ty có thế mạnh về thiết kế, xây dựng như AA, TTT để đẩy mạnh sản xuất.
Một số doanh nghiệp cũng cho biết ngoài các sản phẩm tượng, tranh treo tường, lịch đang được công ty khai thác thì các sản phẩm khác như đồng hồ, khung gương ở dòng sản phẩm trang trí nội thất... vẫn còn bỏ ngỏ. Khi chuyển hướng từ việc chỉ gia công cho các nhà nhập khẩu, nếu doanh nghiệp đầu tư mạnh việc phát triển sản phẩm nhờ những thiết kế độc đáo hoàn toàn có thể đánh bật các sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan để chiếm lĩnh thị trường.
Lê Sơn
tuổi trẻ
|