Kinh tế, tài chính 24h: Tâm bão nợ chuyển từ Hy Lạp sang Ý
(Vietstock) - Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone tiếp tục leo thang với các diễn biến mới nhất xung quanh cách thức gia tăng quy mô của quỹ giải cứu khu vực và việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý tăng lên mức cao kỷ lục gần 7%.
* Đảo chiều muộn, Dow Jones giành lại mốc 12,000 điểm
|
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bác bỏ tin đồn ông sắp từ chức |
Chi phí vay mượn của Chính phủ Ý chạm mức cao kỷ lục
Chi phí vay mượn của Chính phủ Ý tăng lên mức cao kỷ lục do nỗi lo ngày càng sâu sắc về sự bất ổn chính trị tại nước này. Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ý tăng từ 6.37% lên kỷ lục 6.64% trước khi lùi về mức 6.5%. Hiện mọi người đang lo sợ rằng nền kinh tế lớn thứ 3 của Eurozone có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ. Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu quan trọng về tình hình tài chính công trong ngày thứ Ba. Berlusconi phủ nhận thông tin cho rằng ông sẽ từ chức.
Đức: Cấm sử dụng vàng cho gói giải cứu Eurozone
Chính phủ Đức cho biết nước này cấm sử dụng lượng vàng dự trữ của mình để đưa vào các biện pháp giải cứu Eurozone đồng thời khẳng định lượng vàng dự trữ này vẫn nằm dưới sự giám sát độc lập của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank). Đức đưa ra lời khẳng định trên sau khi tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung đưa tin nước này đang cân nhắc một kế hoạch như vậy.
Người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định: “Không có lý do gì để bắt đầu hoài nghi về nguồn dự trữ vàng của Đức”. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Philipp Roesler, phát biểu trên kênh truyền hình ARD rằng không thể sử dụng dự trữ vàng của nước này.
Nga: BRICS sẵn sàng giúp Eurozone thông qua IMF
Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, cho biết các nền kinh tế mới nổi sẵn sàng giúp đỡ về mặt tài chính cho Eurozone thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đổi lại các cam kết cải cách IMF phải được thực hiện. Ông Lavrov nói: “BRICS sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung, bao gồm việc cung cấp tín dụng theo các nguyên tắc và các kênh có sẵn trong IMF.
Ông Lavrov phát biểu như trên trước khi Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhóm họp để thảo luận về cách thức mà các nền kinh tế giàu tiền mặt có thể hỗ trợ châu Âu giải quyết khủng hoảng.
Doanh số bán lẻ Eurozone lao dốc mạnh lần đầu tiên kể từ tháng 5
Doanh số bán lẻ tại 17 quốc gia Eurozone sụt giảm mạnh trong tháng 9, làm dấy lên nỗi lo về suy thoái. Trong lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 5, doanh số bán lẻ giảm 0.7% trong tháng 9 và 1.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong khi doanh số bán lẻ tại Tây Ban Nha và Pháp sụt giảm mạnh thì Đức lại đi ngược xu hướng với mức tăng 0.4%.
Đối với 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), doanh số bán lẻ tháng 9 giảm 0.3% so với tháng trước và 0.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán lẻ tại Tây Ban Nha giảm 1.7% trong lúc nước này nỗ lực hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong Eurozone.
Sản lượng công nghiệp Đức giảm mạnh nhất từ tháng 1/2009
Sản lượng công nghiệp của Đức chứng kiến đà sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009 trong tháng 9 vừa qua, dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ kéo dài ngày càng đe dọa đến các cường quốc kinh tế châu Âu. Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức thông báo sản lượng công nghiệp tháng 9 lao dốc 2.7% so với tháng trước, mạnh hơn so với mức giảm 0.4% trong tháng 8 và dự báo giảm chỉ 0.9% của các nhà phân tích. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng công nghiệp tăng 5.5%, thấp hơn đáng kể so với mức 11.3% trong tháng 8. Sản lượng công nghiệp quý 3 tăng 1.7% so với quý trước.
Pháp công bố kế hoạch tiết kiệm ngân sách
Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 Eurozone, vừa công bố kế hoạch tiếp tục tiết kiệm thêm 7 tỷ EUR (tương đương 9.6 tỷ USD) trong năm 2012 và 11.6 tỷ USD trong năm 2013 nhằm giảm thâm hụt ngân sách và bảo vệ mức xếp hạng tín nhiệm AAA. Mức tiết kiệm ước tính trong hai năm tới cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 8 là 12 tỷ EUR. Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã công bố một số biện pháp nhằm hoàn thành kế hoạch trên bao gồm việc đẩy mạnh cải cách lương hưu cũng như tăng thuế VAT và thuế doanh nghiệp. Theo ông Fillon, mục tiêu chung là tiết kiệm được 65 tỷ EUR vào năm 2016 để đưa nợ công về mức 0.
Kinh tế Indonesia tăng trưởng 6.5% trong quý 3 nhờ chi tiêu và đầu tư
Kinh tế Indonesia tăng trưởng trên 6% quý thứ 4 liên tiếp khi chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu vượt qua được đà phục hồi ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. GDP quý 3 tăng 6.54% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 6.52% trong quý 2 nhưng thấp hơn so với dự báo 6.6% của các nhà kinh tế.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 07/11:
|
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm từ 2.1% xuống 2% sau khi rớt xuống dưới ngưỡng này vào đầu phiên.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR nhưng giảm so với bảng Anh và đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng vọt 35 USD/oz (2%) lên 1,791.10 USD/oz, mức cao nhất kể từ ngày 21/09.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX tiến 1.26 USD/thùng (1.3%) lên 95.52 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 29/07.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 08/11:
Australia
- 07h30: Niềm tin kinh doanh
- 07h30: Cán cân thương mại
Đức
- 14h00: Cán cân thương mại
Anh
- 16h30: Sản lượng công nghiệp
- 16h30: Sản lượng sản xuất
Mỹ
- 01h00 (ngày 09/11): Thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) phát biểu
|
Phạm Thị Phước
|