Thứ Hai, 28/11/2011 15:53

Kinh doanh ngân hàng: Lập chi phí dự phòng ít thì sổ sách đẹp

Đến nay, mới có An Bình (ABBank) công khai việc lỗ trong quý 3. Lỗ do trích lập chi phí dự phòng rủi ro cao.

Những ngân hàng có kết quả kinh doanh ấn tượng, từ vài trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng trong quý 3 đều đã công bố thông tin ngay từ đầu tháng 10, và đều xếp trong nhóm những “ông lớn” trong lĩnh vực này, như: Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB), ACB, Eximbank (EIB), Sacombank (STB), MB (MBB)... Vài ngân hàng nữa đã công khai báo cáo tài chính quý 3, với mức lợi nhuận khiêm tốn hơn (dưới 100 tỉ đồng), như Phương Đông (Oricombank), Nam Việt (NVB), Đại Á (DaiABank)...

Xét về tổng thể, giữa ABBank và các ngân hàng Phương Đông, Nam Việt, Đại Á đều cùng nằm trong nhóm những ngân hàng có mức tương đồng về thương hiệu, quy mô vốn, mạng lưới... Xét về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ABBank trong quý 3 cao nhất: 262,5 tỉ đồng, gấp gần hai lần ngân hàng Đại Á là 132,6 tỉ đồng; gấp gần ba lần ngân hàng Phương Đông là 97,6 tỉ đồng và gấp hơn ba lần ngân hàng Nam Việt là 83,2 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính làm lợi nhuận trước thuế của ABBank rất thấp so với ba ngân hàng nói trên là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này rất cao: tới 240,6 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái chỉ là 34,9 tỉ đồng), nâng tổng số chi phí dự phòng của ngân hàng chín tháng đầu năm là 361,37 tỉ đồng. Sau khi trừ đi khoản chi phí dự phòng rủi ro, tổng lợi nhuận trước thuế của ABBank còn 21,88 tỉ đồng, và trừ tiếp cho khoản thuế thu nhập doanh nghiệp gần 40 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế quý 3 của ngân hàng âm 18,1 tỉ đồng. Cơ sở trích lập dự phòng cao (tương đương 91% lợi nhuận trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng), theo ngân hàng này là “diễn biến thị trường vẫn có nhiều dấu hiệu chưa ổn định và còn nhiều khó khăn, rủi ro”. Nhận định của ABBank phù hợp với đánh giá của hầu hết các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế cũng như thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, với những khoản nợ khách hàng chậm thanh toán, ngân hàng có thể không trích lập dự phòng đầy đủ bằng cách khai tăng giá trị tài sản đảm bảo. Giá trị tài sản đảm bảo được nâng lên thì khoản trích lập dự phòng tối đa giảm xuống, hoặc ngân hàng không phải trích lập, nếu tài sản được định giá quá cao. Mỗi ngân hàng có đến hàng vạn món vay. Trừ một số trường hợp quá vô lý, có thể phát hiện được, như một lượng vàng mà định giá tới 100 triệu đồng. Còn với tài sản là đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị… các cơ quan quản lý khó có cơ sở để đánh giá.

Trong khi đó, khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3 của các ngân hàng còn lại đều mỏng. Như ngân hàng Phương Đông (OCB), Nam Việt (NaviBank - NVB), Đại Á (DaiABank), mức chi phí này của mỗi ngân hàng lần lượt là 14,4 tỉ đồng, 14 tỉ đồng và 13,1 tỉ đồng (chi phí dự phòng rủi ro chín tháng đầu năm của ba ngân hàng lần lượt là 20,2 tỉ đồng, 31,7 tỉ đồng và 37 tỉ đồng). So với lợi nhuận thuần trước chi phí dự phòng rủi ro, mức trích lập của cả ba ngân hàng này đều thấp hơn hoặc tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, như ngân hàng Phương Đông, quý 3/2010, lợi nhuận thuần trước chi phí dự phòng là 91,9 tỉ đồng, chi phí dự phòng là 17,2 tỉ đồng; ngân hàng Nam Việt lần lượt là 88,8 tỉ đồng và 11,2 tỉ đồng; ngân hàng Đại Á là 28,6 tỉ đồng và 1,7 tỉ đồng…

Mức trích lập dự phòng phụ thuộc vào dư nợ tín dụng cũng như chất lượng tín dụng của mỗi ngân hàng, nhưng theo một phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội thì “chắc chắn phải cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, doanh nghiệp hẹp cơ hội trả nợ và nợ xấu trung bình của cả hệ thống ngân hàng đều tăng cao”.

Một nhà đầu tư đang mua cổ phần của một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM, cho biết, ngân hàng này vừa báo cáo lợi nhuận sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 3 là hơn 100 tỉ đồng, luỹ kế ba quý là hơn 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, với mức chi phí rủi ro tín dụng ngân hàng này thể hiện trong báo cáo tài chính chỉ hơn 10 tỉ đồng quý 3 và luỹ kế hơn 20 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, nhà đầu tư khá lo ngại. Bởi chỉ riêng một khoản vay liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê của ngân hàng này (chưa được trích lập dự phòng) trị giá hơn 500 tỉ đồng – có nguy cơ mất vốn – đã gấp gần hai lần lợi nhuận của cả ba quý cộng lại.

Thảo Nguyễn

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Nguồn gốc lợi nhuận của Top doanh nghiệp tăng trưởng nhất quý 3/2011 (28/11/2011)

>   IDI: Lãi ròng 9 tháng 78 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ  (28/11/2011)

>   Tổng Giám đốc SAM: Năm 2011 sẽ không lỗ  (28/11/2011)

>   PXS: 9 tháng lãi trước thuế 99 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ (28/11/2011)

>   LCM: 9 tháng lãi sau thuế 20 tỷ đồng (28/11/2011)

>   Quý II/2012, KSA khởi công dự án chế biến sâu Titan (28/11/2011)

>   TTF: Lãi 9 tháng 17 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch (27/11/2011)

>   Tỷ giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi (25/11/2011)

>   CCI: Phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Tây Bắc Củ Chi (25/11/2011)

>   V11, VCH: Lỗ ròng 9 tháng gần 11 tỷ đồng và 25 tỷ đồng (25/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật