Thứ Hai, 28/11/2011 14:18

Nguồn gốc lợi nhuận của Top doanh nghiệp tăng trưởng nhất quý 3/2011

(Vietstock) – Quý 3/2011, những khó khăn về kinh tế, áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá được bộc lộ rõ nét thông qua kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, không ít doanh nghiệp đã đạt mức lợi nhuận “ngoài sức tưởng tượng”.

Thống kê báo cáo tài chính quý 3/2011 của gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán, có hơn 200 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm trước.

Bảng 1: Top 10 DN có lợi nhuận tăng trưởng mạnh quý 3/2011

Nguồn: VietstockFinance

Dẫn đầu về lợi nhuận quý 3/2011 là VCV của CTCP Vận tải Vinaconex với mức tăng hơn 62 lần so với cùng kỳ, mặc dù xét về mặt giá trị tuyệt đối chỉ có 1.63 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể trong vòng 2 năm trở lại đây. Có thể thấy, việc cắt giảm các khoản chi phí như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý đã giúp công ty đạt mức lợi nhuận này.

Xếp thứ hai, lợi nhuận sau thuế quý của CTCP XNK Lâm Thủy sản Bến Tre (HOSE: FBT) tăng gần 47 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 7.56 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía FBT, do tình hình nuôi tôm nguyên liệu khả quan trong vụ 1 (6 tháng đầu năm), nên công ty tiếp tục triển khai nuôi tiếp vụ 2 với gần 200 ao tôm sú và tôm thẻ. Lợi nhuận quý 3 chủ yếu đến từ thu hoạch của 80 ao tôm sú và 50 ao tôm thẻ. Hai năm liền trước FBT đều có lợi nhuận âm, tuy nhiên, kể từ quý 2/2011 đã kinh doanh có lãi.

Các doanh nghiệp cùng hoạt động trong ngành thủy sản với FBT như VTF, AGD, AAM, AGF, ANV, HVG, VHC, ABT, TS4… đều có mức tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ 2010. Điểm chung góp phần giúp các doanh nghiệp này có lợi nhuận tăng là do nhu cầu sử dụng các mặt hàng thủy sản tăng cao, dẫn đến giá cả cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành thủy sản luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguyên liệu, nên nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư các vùng nuôi giúp giảm chi phí.

CTCP Thép Bắc Việt (HNX: BVG) có lợi nhuận ròng quý 3 tăng 21 lần so với cùng kỳ khi đạt gần 11 tỷ đồng. Lợi nhuận này đến chủ yếu từ nguồn doanh thu tài chính đột biến lên đến 40 tỷ đồng do chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Kim khí Bắc Việt.

Với KMR, liên tục hai quý (2 và 3) công ty đều có lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, quý 2 lợi nhuận ròng đạt 8.5 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2010. Bước sang quý 3, dù lợi nhuận có giảm xuống còn 3.3 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng hơn 14 lần so với quý 3/2010. Công ty cho biết, sở dĩ lợi nhuận đột biến là do chính sách tăng giá bán ở tất cả các loại sản phẩm. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng tăng lên.

Trong khi đó, cả hai doanh nghiệp ngành khai thác và chế biến khoáng sản ở Bình Định là Khoáng sản Sài Gòn – Qui Nhơn (HNX: SQC) và Khoáng sản Bình Định (HOSE: BMC) đều có mức lãi ròng trong quý 3 đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, SQC đạt gần 31.66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (gấp gần 14 lần cùng kỳ), BMC cũng đạt trên 30 tỷ đồng lợi nhuận (gấp 9 lần). BMC giải thích, do điều kiện nguyên liệu thuận lợi, sản lượng khai thác của công ty ổn định, trong khi giá thành sản xuất không quá cao góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh. Việc thị trường tiêu thụ các sản phẩm của công ty thuận lợi hơn, bên cạnh đó giá cả và sản lượng các mặt hàng đều tăng dẫn đến kết quả kinh doanh đột biến. SQC cũng có giải thích tương tự khi cho biết, nhà máy sản xuất Titan của công ty đã hoạt động tương đối ổn định nên các chỉ tiêu như doanh thu, sản lượng và lợi nhuận cũng tăng mạnh.

Trường hợp của CTCP Sản xuất, thương mại và dịch vụ ô tô PTM (HNX: PTM) có mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 10 lần trong quý 3, dù con số tuyệt đối chỉ là 502 triệu đồng. Việc chuyển đổi từ hoạt động sản xuất cơ khí vốn gặp nhiều khó khăn sang lĩnh vực hoàn toàn mới là kinh doanh dịch vụ sửa chữa ô tô, bán buôn, bán lẻ xe ô tô con... đã giúp công ty phát sinh lợi nhuận ở quý 3 thay cho mức lỗ liên tục gần 900 triệu đồng ở hai quý trước. Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng Giám đốc PTM cho biết, công ty thực hiện thành công đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ nên giúp giảm áp lực vay vốn cũng như giảm chi phí lãi vay. Ngoài ra, số tiền thu về từ phát hành cổ phiếu được dùng theo tiến độ sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh. Khoản tiền tạm thời chưa sử dụng đến, công ty đã gửi ngân hàng, từ đó phát sinh lợi nhuận, góp phần đáng kể, đưa lợi nhuận trong quý tăng đột biến.

Một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý 3 như SDD với 170 triệu đồng, tăng trên 6 lần so với cùng kỳ; ACL đạt 29.64 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5.6 lần và TMP cũng tăng gần 5 lần với khoảng 33 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác như TDW, PVE, PXT, ALP, VE3, PAN và LHG đều có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2010. 

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, cũng có khoảng 200 doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, tuy nhiên số doanh nghiệp có mức tăng đột biến chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Tiêu biểu nhất là VTF với mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước khi đạt 127 tỷ đồng, EPS 9 tháng của VTF lên đến 7,047 đồng. Với lợi thế hoạt động trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá cả các sản phẩm này trên thị trường liên tục tăng cao đã nên sự trưởng trưởng lợi nhuận khá liên tục cho VTF từ đầu năm đến nay. Một số doanh nghiệp khác như PVG, TXM, AGD, BMC, MTG, PDC, KMR, VPL và VIC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận từ 2 đến hơn 4 lần so với 9 tháng của năm 2010.

Bảng 2: Top DN có lợi nhuận tăng trưởng mạnh 9 tháng 2011

Nguồn: VietstockFinance

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thì việc tạo và duy trì được sự tăng trưởng là nỗ lực đáng khích lệ của các doanh nghiệp và là “niềm an ủi” lớn cho các cổ đông thay vì phải gánh chịu sự thua lỗ hay lợi nhuận sụt giảm so với nhiều doanh nghiệp khác.

Tính đến 28/11, trong số hơn 660 doanh nghiệp niêm yết (chưa bao gồm chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm) trên hai sàn có tổng cộng 76 doanh nghiệp báo lỗ 9 tháng đầu năm. VSP có mức lỗ lớn nhất với gần 324 tỷ đồng, tiếp theo là SAM với trên 111 tỷ đồng và TCS đứng thứ ba với 84.5 tỷ đồng.

Viết Vinh

Các tin tức khác

>   IDI: Lãi ròng 9 tháng 78 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ  (28/11/2011)

>   Tổng Giám đốc SAM: Năm 2011 sẽ không lỗ  (28/11/2011)

>   PXS: 9 tháng lãi trước thuế 99 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ (28/11/2011)

>   LCM: 9 tháng lãi sau thuế 20 tỷ đồng (28/11/2011)

>   Quý II/2012, KSA khởi công dự án chế biến sâu Titan (28/11/2011)

>   TTF: Lãi 9 tháng 17 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch (27/11/2011)

>   Tỷ giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi (25/11/2011)

>   CCI: Phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Tây Bắc Củ Chi (25/11/2011)

>   V11, VCH: Lỗ ròng 9 tháng gần 11 tỷ đồng và 25 tỷ đồng (25/11/2011)

>   Từ lương EVN… ngẫm về doanh nghiệp niêm yết (26/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật