Hy Lạp mất chủ quyền vì nợ!
Chưa bao giờ một hội nghị thượng đỉnh G-20 lại đáng quan tâm như hội nghị tuần rồi ở Cannes! Hội nghị đó chính là một trang lịch sử được viết ở thì hiện tại. Đó là trang sử của một quốc gia có chủ quyền (Hy Lạp) chỉ trong 24 giờ đã bị tước chủ quyền một cách công khai, chính đáng và không thương tiếc!
Tất cả bắt đầu bằng cú “tố” của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou: sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu nợ đã ký với châu Âu. Tiếc rằng, các “tay chơi” khác trên bàn xì-phé thừa biết ông chẳng có một đôi nào trong tay, chớ đừng nói là ba con “ách” mà đem ra hù thiên hạ! Họ “lệnh” cho ông bay đến hội nghị G-20 để “quở” cho một trận trước cả thiên hạ: Muốn đi hay muốn ở (trong khối EU)? Muốn đi thì dễ lắm, cứ việc trưng cầu dân ý rồi nhảy xuống biển Adriatique hay biển Égée mà tự vận cùng với 10 triệu dân, khỏi nhận “phong bì” giải cứu tám tỉ euro!
Từ Athens, Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos “la làng”: Trời ơi, lấy đâu ra tiền để chi ngân sách từ đây đến cuối năm? Bộ muốn đóng cửa công sở, bắt đầu là dinh thủ tướng đến trụ sở quốc hội và bộ tài chính; muốn công chức, quân nhân, cảnh sát “rã ngũ” về nhà đợi chừng nào có lương mới đi làm sao?!
Thế là ông Papandreou giơ hai tay đầu hàng: Thôi, cho chúng tôi rút lại quyết định tổ chức trưng cầu ý dân! Đánh bài “tháu cáy” như vậy chẳng khác gì “tự vận”! Có điều nếu ở sòng bài, con bạc có thể bán nhà trả nợ, còn ở đây là chủ quyền đất nước! Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso ứ hừ: “Hy Lạp có muốn ra khỏi eurozone, cứ việc!”.
24 giờ lịch sử đó tính từ ngày 2-11 qua ngày 3-11-2011. Đó là một trang sử “sống” của hành trình đánh mất chủ quyền của một quốc gia khi nhà nước quốc gia đó nhân danh chủ quyền quốc gia đó đi vay nợ. Vấn đề không phải là tỷ lệ nợ vay/GDP là bao nhiêu mà là khả năng trả nợ, và điều đó được các hãng đánh giá (như Standard&Poor’s - S&P, Fitch...) đều đặn công bố. Khi quốc gia đó mất khả năng trả nợ, cũng là lúc quốc gia đó mất chủ quyền, phải chấp nhận mọi điều kiện các “chủ nợ” đặt ra.
Ngày 23-4-2010, khi nhà nước Hy Lạp lần đầu tiên yêu cầu EU và IMF giải cứu do bó tay không trả được số nợ và lãi đến hạn phải trả, trong đó, riêng số trái phiếu chính phủ đáo hạn đã trị giá 6,5 tỉ euro, đó cũng là trang thứ nhất của chương kết của lịch sử Hy Lạp hiện đại - chương “Đánh mất chủ quyền”. Lần đó, chỉ số khả tín của Hy Lạp bị S&P hạ xuống còn BB+. Sau gói “cứu trợ” lần đó, sẽ còn những “gói” khác mỗi khi đáo hạn một gói nợ và lãi khác! Mỗi lần được giải cứu là mỗi lần phải chịu sự dạy bảo phải làm cái này, cắt cái kia; phải sa thải chừng đó công chức..., như một nhà nước bù nhìn được mẫu quốc “bảo hộ”! Chuyện ông Papandreou về nước có thoát khỏi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, hay chuyện một chính phủ mới sẽ nắm quyền chuyển tiếp ở Hy Lạp..., chẳng qua là chuyện nội bộ của quốc gia.
Thực tế của một đất nước mất chủ quyền chính trị vì vỡ nợ nó tàn nhẫn như thế! Và Hy Lạp không phải là trường hợp đầu tiên! Nhân dịp SEA GAMES 26 ở Indonesia, cũng xin nhớ lại SEA GAMES 19 cũng ở Indonesia. Cựu Tổng thống Suharto vừa hoan hỉ khánh thành sân vận động “chảo lửa” 90.000 chỗ được vài tháng thì chỉ hơn hai tháng sau, ngày 15-1-1998 phải ký văn kiện “đầu hàng” IMF để được giải cứu!
Thiên Di
tbktsg
|