65% khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng vào cuối tháng 11
(Vietstock) – Có 65% khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng trong khoảng từ ngày 23-26/11 sau khi Hy Lạp vỡ nợ và do làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi hệ thống ngân hàng Ý. Đó là nhận định của các nhà phân tích tại Exclusive Analysis (EA), tổ chức chuyên nghiên cứu về các rủi ro toàn cầu.
Sau khi đã thử nghiệm một số giả định, EA cảnh báo ngày càng có ít khả năng rằng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ dễ dàng vượt qua được cuộc khủng hoảng này. Đồng thời Exclusive Analysis cũng mạnh dạn đưa ra dự báo với khung thời gian rõ ràng về thời điểm Eurozone sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Kịch bản tồi tệ nhất theo phân tích của EA là một cuộc khủng hoảng bất ngờ trong đó Mỹ, Anh và các quốc gia BRICS từ chối hỗ trợ tài chính cho Eurozone thông qua IMF. Trong một thế giới mà các dự báo được đưa ra không có thời gian cụ thể, báo cáo trên dã đưa ra được các dự báo chắc chắn và có thể được trả lời trong vòng 3 tuần tới.
Trong kịch bản này, EA dự báo Chính phủ Hy Lạp và Bồ Đào Nha sẽ sụp đổ do thiếu đồng thuận về cách giải quyết khủng hoảng nợ. Bên cạnh đó, Đảng đối lập của Đức sẽ đóng góp thêm vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), khiến Quốc hội nước này giảm lượng tiền có sẵn để đóng góp cho quỹ.
Báo cáo của EA có đoạn: “Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và các quốc gia khác thuộc BRICS sẽ phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ không hỗ trợ quỹ giải cứu. Khi đó, EFSF sẽ nhờ đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhưng ECB sẽ từ chối in thêm tiền để giải cứu các chú heo châu Âu (PIIGS)*. Khi EU không thể gia tăng quy mô cho EFSF, các ngân hàng khu vực sẽ từ chối chấp nhận giảm giá đối với 50% số trái phiếu Hy Lạp mà các tổ chức này đang nắm giữ. Cả IMF và ECB đều trì hoãn giải ngân tiền giải cứu cho Hy Lạp”.
Kịch bản đen tối nhất
Theo kịch bản đen tối nhất của EA thì trong giai đoạn từ ngày 18-22/11, Pháp sẽ bị hạ bậc tín nhiệm. Kéo theo đó, thị trường cho vay liên ngân hàng sẽ đóng băng trong bối cảnh Chính phủ mới tại Hy Lạp và Ý vấp phải sự phản đối từ những người biểu tình khi thực hiện thêm các biện pháp khắc nghiệt.
Tiếp đó, bất ổn xã hội sẽ lan sang Tây Ban Nha sau cuộc bầu cử Chính phủ mới của nước này với việc áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt hơn và Bồ Đào Nha tuyên bố không thể đáp ứng được các mục tiêu tài chính nên gói giải cứu mà IMF và ECB dành cho nước này rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Báo cáo cho biết: “Nỗi lo sợ ngày càng lớn chính là sự vỡ nợ của các nền kinh tế sẽ tạo ra làn sóng tháo chạy khỏi các ngân hàng tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Tiếp đó, Pháp sẽ bị hạ bậc tín nhiệm từ AAA xuống AA. EFSF cũng bị hạ bậc tín nhiệm xuống AA+”.
“Khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ của tất cả các quốc gia PIIGS sẽ chạm 7.3%. Những người gửi tiền tại Tây Ban Nha và Ý lo sợ về cuộc khủng hoảng tại hai quốc gia này và có thể dẫn đến sự tháo chạy khỏi các ngân hàng và dẫn đến sự sụp đổ của thị trường tín dụng liên ngân hàng khi các ngân hàng nhận thấy đa số các đối tác của mình đều trang trong tình trạng nguy hiểm. Hy Lạp vỡ nợ”, báo cáo cho biết.
Kịch bản này sẽ xảy ra từ ngày 23-26/11 khi Hy Lạp rời khu vực đồng EUR để in tiền mới và giải cứu hệ thống ngân hàng của mình. Đồng tiền mới sụt giá nhanh chóng và người gửi tiền thua lỗ nặng khi các khoản đầu tư được chuyển sang đồng tiền mới.
EA nhận định trong báo cáo: “Chính phủ vỡ nợ công còn ngân hàng vỡ nợ nước ngoài và điều này sẽ gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng trên khắp châu Âu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý vượt 7% và nước này phải đối mặt với làn sóng rút vốn khỏi các ngân hàng. Trước tình cảnh này, Chính phủ đóng băng tiền gửi và vỡ nợ công”.
Kịch bản “tươi sáng” hơn
Tuy nhiên, đối với những người tìm kiếm niềm hy vọng, EA dự báo có 25% khả năng EU sẽ vượt qua được khủng hoảng. Trong kịch bản này các nhà chính trị mới của Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha sẽ có thời giân tìm kiếm giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng cho đến cuối năm. Dù vậy, Bồ Đào Nha vẫn không thể đáp ứng được các mục tiêu ngân sách, do đó gói giải cứu của nước này cũng rơi vào bất ổn và Pháp vẫn bị hạ bậc tín nhiệm do khả năng vỡ nợ của Hy Lạp.
Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2012, Hy Lạp sẽ vỡ nợ nhưng tác động sẽ được ngăn chặn khi các chủ nợ đồng ý giảm giá đến 70% đối với lượng trái phiếu Chính phủ của nước này. Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha và Ý chạm 7%.
EA cảnh báo: “Bất ổn xã hội tiếp tục diễn ra tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, làm giảm khả năng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt. Tây Ban Nha và Ý sẽ bị hạ bậc tín nhiệm”.
Theo kích bản này, chúng ta sẽ có kết thúc khá ảm đạm đối với năm 2011 và đối với các năm xảy ra khủng hoảng nợ Eurozone. Tuy nhiên EA dự báo 10% khả năng cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết.
Các Chính phủ mới được xem là đáng tin cậy hơn và Mỹ, Anh, IMF và BRICS đồng ý cung cấp thêm tiền cho EFSF.
Trong hai tháng đầu của năm 2012, Pháp và Đức sẽ đạt được thỏa thuận về các quy tắc tài chính và cho vay của ECB. Và điều này có nghĩa là ECB sẽ trở thành nhà cho vay cuối cùng khi có mức giới hạn về lượng tiền mà các quốc gia PIIGS có thể vay mượn theo yêu cầu của Đức.
Phạm Thị Phước (Theo CNBC)
|