Hiệu ứng domino ở Eurozone: “Nguy hiểm, chết người”
Cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng euro đang ngày càng lan rộng, trong khi chính giới ở Châu Âu ngày càng bất lực hơn bao giờ hết.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang đánh giá thấp tác động của việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone và không học hỏi được gì từ “những sai lầm của người khác”.
Trái phiếu chính phủ của nhiều quốc gia Eurozone đang bị tấn công dữ dội. Làn sóng “trảm tướng” (thủ tướng) liên tiếp diễn ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi thảm này là cung cách xử lý khủng hoảng nợ ở Châu Âu. Cố Thủ tướng Đức “bàn tay sắt” Otto von Bismarck từng nói rằng kẻ ngu chỉ học hỏi từ những sai lầm của chính mình mà không chịu học hỏi từ những sai lầm của người khác. Tại thời điểm này, chính giới Châu Âu vừa không chịu học hỏi từ cuộc khủng hoảng nợ Argentina hoặc khủng hoảng tiền tệ Châu Á, vừa không chịu học hỏi từ những sai lầm của chính họ.
Việc công luận nhiều lần bàn tán về khả năng khai trừ Hy Lạp ra khỏi Eurozone là một trong những ví dụ về việc Châu Âu đang lặp đi lặp lại những sai lầm của mình. Hồi mùa Hè qua, người ta đã đánh giá thấp sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong việc tái cơ cấu nợ. Bây giờ, họ lại đang đánh giá thấp hậu quả của Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro.
Thất hứa
Hồi tháng 3/2011, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã hứa bảo lãnh cho tất cả các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Hy Lạp đến năm 2013. Tuy nhiên, trong tháng 7/2011, họ đã đàm phán về sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong việc tái cơ cấu nợ Hy Lạp. Tình hình kinh tế Hy Lạp đã trở nên tồi tệ hơn và bầu không khí chính trị ở Đức cũng đã thay đổi. Vào thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã kêu gọi thận trọng và lập luận rằng hành xử theo cách đó sẽ khiến cho các nhà đầu tư lo lắng. Các nhà lãnh đạo Eurozone đã thỏa hiệp về một công thức sau: Các điều khoản của sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong “xóa nợ” sẽ không được thương lượng lại và cũng không được áp dụng ở các nước thành viên khác.
Mấy tuần sau, những gì mà ECB đã lo sợ đã xảy ra. Lãi suất trái phiếu chính phủ Italy kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 5% và tiếp tục tăng vượt ngưỡng 7% trong tháng 11/2011. Tháng 7/2011, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã phá vỡ cam kết mà họ đã đưa ra hồi tháng Ba và trong tháng Mười, họ lại phá vỡ lời hứa hồi tháng Bảy. Họ quyết định rằng mức độ tham gia của các nhà đầu tư tư nhân sẽ cao hơn nhiều.
Sau Hội nghị thượng đỉnh EU và Eurozone vừa qua, giới đầu tư đã đi đến kết luận rằng về cơ bản, các chính trị gia đã nói dối tại các hội nghị thượng đỉnh Eurozone. Họ ngụ ý rằng nếu tình hình kinh tế ở Hy Lạp và bầu không khí chính trị ở Đức thay đổi, các chủ sở hữu trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha và Italy sẽ được yêu cầu đóng góp. Trong khi đó, ngay cả những người bình thường đua nhau rút tiền tiết kiệm từ các ngân hàng trên khắp miền nam Châu Âu.
Những kịch bản thoát hiểm
Trong những ngày gần đây, khủng hoảng nợ đã lan sang Pháp. Sự khác biệt về lãi suất giữa trái phiếu chính phủ giữa Đức và Pháp đã tăng lên mức kỷ lục. Rất có thể, Pháp sẽ sớm rơi vào hoàn cảnh tương tự như Italy hiện nay. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 1997. Thị trường trái phiếu Châu Âu đang hứng chịu hiệu ứng domino: nguy hiểm chết người.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone? Câu trả lời là rõ ràng: Châu Âu sẽ gánh chịu hậu quả “nguy hiểm chết người” của hiệu ứng domino. Đầu tuần qua, tạp chí Spiegel đã tiết lộ rằng Bộ Tài chính Đức đã đưa ra một số kịch bản về những gì có thể xảy ra. Những kịch bản này rõ ràng cho thấy chính phủ Đức vẫn không hiểu gì về cơ chế và động lực của cuộc khủng hoảng này.
Tác động chính của việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone không nhất thiết phải là tac động đến lĩnh vực ngân hàng. Vấn đề thực sự là hiệu ứng domino sau đó. Khủng hoảng sẽ lan sang Italy và không thể nào kiểm soát nổi. Nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone, các chủ sở hữu trái phiếu Hy Lạp sẽ mất toàn bộ khoản đầu tư của họ. Trong tình huống tốt nhất, người Hy Lạp sẽ thanh toán một phần nhỏ cho các nhà đầu tư... bằng những đồng drachma hầu như vô giá trị.
Cần giải quyết khủng hoảng nhanh chóng và dứt khoát
Lãi suất trái phiếu chính phủ 7% cũng không thể “giảm thiểu thiệt hại”, khi Italy mất khả năng thanh toán nợ nần. Tỷ lệ nợ trên GDP của Italy đã lên tới 120%, tăng trưởng gần như bằng không và đất nước này đang rơi vào một cuộc suy thoái sâu rộng. Theo tính toán, Italy sẽ không thể để thanh toán các khoản đi vay, nếu suất nợ có chủ quyền không giảm. Giả sử Italy nỗ lực tiến hành công cuộc cải cách, nhưng những biện pháp cải cách lại không ngay lập tức chữa trị được căn bệnh nợ cấp tính. Đây chính là bài học được rút ra từ các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác.
Trong tương lai, Eurozone sẽ buộc phải điều chỉnh các chương trình, với tiên liệu là tình hình Hy Lạp sẽ liên tục xấu đi. Chiến lược “tự lừa dối bản thân” sẽ dẫn đến thảm họa: Hy Lạp sẽ rời bỏ Eurozone. Hiện thời, Châu Âu chưa có một kế hoạch nào dự phòng cho tình huống như vậy. Không một ai biết làm thế nào để dựng lên một con đê chắn sóng bảo vệ phần còn lại của Eurozone. Nếu không chuẩn bị đầy đủ, Eurozone sẽ lại đột nhiên phát hiện ra rằng Bồ Đào Nha lại là con bài domino bị sụp đổ tiếp theo.
Trong khi những vấn đề này được tiếp tục tranh luận ở Đức, các con bài domino đang tiếp tục đổ sụp. Đến một thời điểm nào đó, người Đức không còn một sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận trái phiếu euro (Eurobond) mà họ vô cùng chán ghét và phải để cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu bảo lãnh về giá cả.
Một trong những bài học quan trọng nhất được rút ra từ cuộc khủng hoảng Argentina và khủng hoảng tiền tệ Châu Á là cần phải xử lý khủng hoảng một cách nhanh chóng và dứt khoát. Tuy nhiên, bài học này hầu như không được Liên minh Châu Âu, ECB và chính phủ Đức tiếp thu.
Trên thực tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các vị đồng cấp của bà chỉ chịu hành động khi thị trường đã bắt đầu hoảng sợ. Khi thị trường đã hoảng loạn, tất cả những lời cầu xin và cam kết sẽ không giúp được gì. Khi con bài domino cuối cùng sụp đổ, người Châu Âu chỉ còn mỗi một cách duy nhất là “đào sâu chôn chặt” và nói lời vĩnh biệt với đồng tiền chung euro.
Minh Bích (theo Spiegel Online)
Tầm Nhìn
|