Hai thủ tướng và những lời hứa
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi buộc phải từ chức trong khi đất nước của hai ông đang lâm vào tình cảnh dầu sôi lửa bỏng.
Hy Lạp cần có được 8 tỉ euro thanh toán nợ đáo hạn trước cuối tháng. Để giải ngân số tiền này trong khuôn khổ chương trình cứu nguy 110 tỉ euro đã được thông qua từ tháng 5.2010, một kế hoạch cắt giảm khắc khổ phải được thực hiện, và đặt dưới giám sát chặt chẽ của các chủ nợ là ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) và quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Sau khi thoát hiểm đường tơ kẽ tóc trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, người ta tưởng rằng ông Papandreou sẽ tiếp tục tranh đấu cho tương lai chính trị bản thân, khi phải đối mặt với chống đối tứ phương, thậm chí từ nội bộ đảng của mình. Nhưng ông đã chọn giải pháp rút lui để nhường cho một chính phủ đoàn kết quốc gia.
Không hứa với tư cách cá nhân, nhưng Papandreou ngồi trên cỗ bánh xe của “lời hứa tập thể” về một Hy Lạp thịnh vượng trong một EU thịnh vượng sánh vai cùng các cường quốc thế giới. Gia nhập khối EU và tham gia khối tiền tệ euro, gần 30 năm qua, những cải cách của nước này diễn ra chậm chạp. Các đời chính phủ đã không tận dụng được những cơ hội từ EU để làm các thay đổi mang tính cấu trúc thể chế, xây dựng một nền tảng vững chắc cho phát triển, trong khi vẫn tiếp tục vẽ nên thiên đường của một xã hội bao cấp cho mọi nhà, mọi người. Năng suất lao động Hy Lạp được đánh giá là thấp, tham nhũng và hiệu năng quản trị kém, thất thu thuế cao và xuất hiện việc tẩu tán tư bản của những người giàu có ra nước ngoài.
Nước Ý, nền kinh tế đứng thứ ba châu Âu, đứng trước hoàn cảnh tương tự. Tăng trưởng kém, nợ công có xu hướng tăng vọt trong thời gian gần đây, lợi tức trái phiếu mười năm của chính phủ Ý tăng từ 6,37% lên mức kỷ lục 6,53%. Tại G20, chính phủ phải “mở đường” cho các quan sát viên của IMF vào làm công tác đôn đốc. Gói luật về những chính sách kinh tế tài chính để đối phó với khủng hoảng cũng là một sản phẩm dưới sức ép trực tiếp của các định chế châu Âu.
Ở chính trường nước Ý, Berlusconi từng nổi danh với tên gọi “người sống sót sau cùng” trên mọi cuộc chạy đua quyền lực. Ông không những là thủ tướng đảm nhận chức vụ lâu nhất sau thế chiến thứ hai sau ba nhiệm kỳ, mà còn là một trong những người giàu nhất đất nước hình chiếc ủng này. Báo chí nói về thời vàng son cách đây hơn 17 năm trước, khi sân khấu chính trị Ý đang chán chường giữa hai nhánh cánh tả và bảo thủ, thì Berlusconi và đảng “Forza Italia” (Tiến lên Italia) của ông xuất hiện. Là một nhà truyền thông, nhà doanh nghiệp, ông được chờ đợi sẽ mang một hình ảnh mới, một cách thức quản lý mới, làm chính trị hiệu quả như những lãnh vực kinh doanh đã thành công. Nước Ý sẽ được lãnh đạo một cách hiệu năng và đem lại giàu có cho mọi người. Ba nhiệm kỳ cầm quyền, lời hứa được phơi bày trong cơn khủng hoảng nợ. Nước Ý từ hùng mạnh trở thành con bệnh của Âu châu.
Berlusconi đánh một trong những trận chiến cuối cùng tuần qua: thành công trong việc thông qua bản quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, nhưng không còn đa số tuyệt đối ở Quốc hội, ngay những người trong đảng của ông cũng đã chọn “ly khai“. Berlusconi tuyên bố từ chức.
Hai vị thủ tướng phải gánh trách nhiệm với những sai lầm trong điều hành chính sách. Những lời hứa không thực hiện được có thể xem là một sự trừng phạt, cũng có thể xem là một bài học cho những người đi sau. Đằng sau đó là một lời hứa to lớn hơn: lời hứa về một châu Âu nhất thể về địa lý, cơ chế, kinh tế, văn hoá và con người; một lời hứa mà đến nay giữa cái hiện thực và lý tưởng bắt đầu có khoảng cách. Hy Lạp và Ý (hay bất kỳ nước EU nào trong khối tiền tệ) cũng cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề chung này, lồng trong bối cảnh tự tìm cho mình lối đi riêng. Để hứa, giữ lời và không đưa ra thêm những gì mà không bao giờ có khả năng thực hiện…
Trương Minh (CHLB Đức)
sài gòn tiếp thị
|