Thứ Năm, 17/11/2011 09:14

Gian nan gọi vốn cổ đông

Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay là điều vô cùng khó khăn với các DN.

Hết thời hạn chào bán cổ phiếu, nhưng nhiều DN vẫn chưa thực hiện được kế hoạch phát hành thêm. Quá khát vốn, trong khi cánh cửa ngân hàng không dễ mở, nhiều DN tiếp tục nuôi hy vọng mong manh bằng cách xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) gia hạn giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu.

UBCK vừa chấp thuận gia hạn giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà (VHF) đến hết ngày 14/12/2011. Trong thời gian gia hạn, Công ty phải hoàn thành việc chào bán 17,2 triệu cổ phiếu ra công chúng. CTCP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (TNC) được gia hạn đến hết ngày 28/12/2011 để hoàn thành việc chào bán 5.120.150 cổ phiếu ra công chúng. Trước đó, CTCP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) được chấp thuận gia hạn giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu đến hết ngày 4/12/2011 để hoàn thành việc chào bán 50 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ với hơn 1 tháng được gia hạn, các DN nói trên khó có được "phép màu" để hoàn tất việc tăng vốn trong bối cảnh giá cổ phiếu trên sàn đã thấp hơn giá mà DN chào bán. Trên thực tế, để thực hiện kế hoạch tăng vốn, nhiều DN đã phải chuẩn bị ít nhất 6 tháng, có nhiều DN "rục rịch" đến cả năm. Như trường hợp của PVA, DN này đã có kế hoạch tăng vốn từ cuối năm 2010, song thị trường không thuận lợi, đồng thời một số thủ tục chưa hoàn tất nên đến thời điểm này, DN mới chính thức được cấp phép. Nói về tình hình tăng vốn, đại diện PVA cho biết, hiện tại, Công ty chắc chắn huy động được hơn 200 tỷ đồng từ một số đối tác chiến lược đã cam kết mua và chuyển tiền, số còn lại, DN vẫn đang chờ và đốc thúc. Tuy nhiên, lãnh đạo PVA cũng thừa nhận, việc tăng vốn trong bối cảnh này là rất khó khăn.

Trên thực tế, không chỉ phục vụ nhu cầu giải quyết khó khăn ngắn hạn, việc tăng vốn điều lệ được nhiều DN hoạch định như một chiến lược dài hạn nhằm tăng năng lực tài chính, tăng khả năng tiếp cận và khai thác các dự án có giá trị lớn. Tuy nhiên, thủ tục liên quan đến quá trình tăng vốn thường mất ít nhất 3 - 4 tháng, thậm chí đến nửa năm. Trong khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu có thể thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Thậm chí, có những đơn vị, đến thời điểm huy động vốn, giá phát hành của DN đã cao hơn so với thị giá. Vì vậy, đây cũng là một yếu tố khách quan dẫn đến việc huy động vốn của nhiều DN bất thành. Điển hình như trường hợp của CTCP Thép Đà Nẵng (DNS), DN này vừa thông báo chốt danh sách thực hiện mua cổ phiếu phát hành thêm với tổng số lượng phát hành là 6.750.000 cổ phiếu, tỷ lệ 2:1 với giá phát hành là 10.000 đồng/CP, thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu từ ngày 12/12/2011 đến ngày 3/1/2012. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu DNS đang giao dịch trên sàn UPCoM chỉ với giá 6.300 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 15/11), hay PVA đang giao dịch với giá 9.500 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 15/11)…

Trao đổi với ĐTCK, một DN đang chật vật với kế hoạch phát hành cho rằng, để thực hiện thành công việc tăng vốn trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc tìm được cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu, thì CBCNV cũng là đối tượng "bắt buộc" phải mua vì sự phát triển của công ty.

Trong khi đó, lường trước được khả năng khó huy động vốn trong thời điểm này, nhiều DN đã phải hoãn vô thời hạn dù phương án đã chuẩn bị xong. Có những đơn vị sau nhiều lần thay đổi phương án phát hành nhưng cuối cùng vẫn phải tạm ngừng, đơn cử như Công ty Công nghiệp Thương mại Sông Đà (STP). Công ty này đã thay đổi phương án tăng vốn từ 210 tỷ đồng thành 300 tỷ đồng trong năm 2010, sau đó lại xin ý kiến giữ nguyên phương án cũ, song vẫn không thực hiện được vì nhận được quá ít phản hồi từ phía cổ đông.

Việc tăng vốn đang là một bài toán quá khó với các DN. Giai đoạn có thể huy động vốn một cách tràn lan đã qua. Để có thể thành công, bên cạnh sự ủng hộ của xu hướng chung trên thị trường, các DN phải có chiến lược huy động vốn, cũng như kế hoạch sử dụng vốn một cách bài bản, minh bạch hơn thì mới có thể thuyết phục được các nhà đầu tư.

Hải Vân

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HAP chuyển nhượng 65% vốn góp tại Tài chính Hapaco (16/11/2011)

>   NVN dừng phát hành hơn 5 triệu cp do thị trường bất lợi (15/11/2011)

>   Saigonbank chào bán 50 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá (15/11/2011)

>   HDC nộp hồ sơ phát hành trái phiếu huy động 200 tỷ đồng (15/11/2011)

>   VCG được phép phát hành 200 triệu cổ phiếu (14/11/2011)

>   DXG đã phát hành thành công 16 triệu cp (14/11/2011)

>   TMD: Chốt quyền mua 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3:2 (14/11/2011)

>   JVC: 28/11 chốt danh sách lấy ý kiến phát hành cổ phiếu (14/11/2011)

>   SCIC tập trung vào công tác bán vốn (14/11/2011)

>   Kích hoạt M&A ngành thủy điện (14/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật