DN chọn thời điểm hợp lý lên sàn
Mặc dù đã nộp hồ sơ từ năm 2010 nhưng nhiều DN vẫn quyết định chưa vội lên sàn vì thị trường chưa thuận lợi.
DN mới niêm yết rớt giá mạnh
Tính từ đầu năm đến nay, trên sàn HOSE đón thêm 25 DN mới lên sàn và sàn HNX, số DN mới niêm yết là 26.
Hầu hết các cổ phiếu mới niêm yết này sau đó đã "rớt" giá rất mạnh. Tháng 7/2011, cổ phiếu CIG của CTCP Cơ khí xây dựng số 18 - Coma 18 chính thức niêm yết trên HOSE với giá khởi điểm 13.500 đồng/CP, sau hơn 3 tháng niêm yết, giá cổ phiếu này đang được giao dịch trên thị trường với giá 5.100 đồng/CP, giảm hơn 60% so với ngày chào sàn.
Đối với CTCP Đầu tư xây dựng HUD3 (HU3), Công ty này lên sàn ngày 18/3/2011 với giá đóng cửa phiên đầu tiên của cổ phiếu HU3 là 23.000 đồng/CP, sau gần 8 tháng niêm yết, cổ phiếu HU3 đang được giao dịch trên sàn với giá 10.800 đồng/CP (giá đóng cửa phiên ngày 10/11), giảm hơn 56% so với phiêu đầu tiên.
Ngay như cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội một thời "làm mưa làm gió" trên thị trường OTC cũng đã chính thức niêm yết trên HOSE từ ngày 1/11 với giá đóng cửa phiên đầu tiên đạt 13.800 đồng/CP, sau một tuần giao dịch, cổ phiếu MBB còn 11.800 đồng/CP (ngày 10/11).
Cuối năm 2010, CTCP Đầu tư Tài chính Quốc tế và Phát triển Doanh nghiệp IDJ đã niêm yết cổ phiếu IDJ trên HNX với giá 17.000 đồng/CP, sát với giá giao dịch cổ phiếu này trên thị trường OTC trước ngày niêm yết là 18.000 - 19.000 đồng/CP, nhưng đến ngày 10/11, giá cổ phiếu IDJ đóng cửa ở mức 4.600 đồng/CP, giảm hơn 70% so với ngày chào sàn.
Nhiều cổ đông của IDJ cho rằng, nếu Công ty này chưa niêm yết thì giá không bị giảm nhiều đến như vậy. Nhìn chung, các cổ phiếu mới lên sàn đều chung "số phận" giảm giá của thị trường. Trong số các cổ phiếu mới niêm yết từ đầu năm 2011, giảm giá nhẹ là 20%, nặng là 60% đến 70%.
Thị trường đánh giá "rẻ" cổ phiếu?
Ông Nguyễn Quang Mẫn, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Sông Hồng cho biết, do tình hình thị trường diễn biến không thuận lợi, nên Tổng công ty tạm hoãn việc niêm yết và chưa đưa ra thời điểm niêm yết cụ thể, dù đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở GDCK Hà Nội từ cuối năm 2010. Tổng công ty đang có nhu cầu đẩy mạnh việc thu xếp nguồn vốn cho một số công trình, dự án đầu tư lớn thông qua việc thực hiện phát hành tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng. Ông Mẫn cho rằng, việc lên sàn niêm yết là chủ trương của Tổng công ty, nhưng nếu chọn thời điểm sai có thể bị thị trường đánh giá rẻ cổ phiếu của chính mình. Do vậy, dù Nghị quyết ĐHCĐ Tổng công ty đã quyết, dù đã hoàn tất việc nộp hồ sơ, được chấp thuận nguyên tắc niêm yết, nhưng Tổng công ty đang tạm dừng việc lên sàn do lo ngại điều kiện thị trường không thuận lợi.
Lienvietpost Bank cũng đã "rục rịch" lên sàn từ năm 2010. Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên sàn "rớt giá" mạnh, LienvietBank đã hoãn kế hoạch này và cho rằng sẽ niêm yết vào thời điểm thị trường thuận lợi hơn.
Một "đại gia" lớn trong ngành thủy sản là CTCP Thủy sản Bình An đã chính thức nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE từ năm 2010, nhưng cũng vì những lý do khách quan từ thị trường nên DN này cũng chưa vội lên sàn.
Đối với ngành chứng khoán, CTCK Tân Việt (TVSI) và CTCK An Thành (ATSC) đều có kế hoạch niêm yết cổ phiếu từ năm 2010. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, nhiều cổ phiếu lên sàn đã gặp bất lợi vì giá giảm đáng kể. Vì lý do này, TVSI đã hoãn kế hoạch niêm yết sang năm 2012, đồng thời hoãn kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.
Có thể nói, việc lên sàn được doanh nghiệp và cổ đông kỳ vọng sẽ có được những lợi ích nhất định như tạo thanh khoản cho cổ phiếu, quảng bá doanh nghiệp và huy động vốn thuận lợi. Tuy nhiên, thị trường suy giảm cả về giá trị và thanh khoản như hiện nay rõ ràng là không thuận cho doanh nghiệp đạt được kỳ vọng kể trên, chưa kể việc doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực công bố thông tin trong điều kiện hoạt động kinh doanh khó khăn.
Hải Vân
Đầu tư chứng khoán
|