Thứ Tư, 23/11/2011 09:31

Đến lượt vàng SJC “đại hạ giá”!

Mức tăng hơn 1,3% đêm qua của giá vàng quốc tế đã đưa giá vàng của một số thương hiệu trong nước đầu giờ sáng nay tăng lên gần ngưỡng 45 triệu đồng/lượng. Tình trạng “loạn giá” vàng xuất hiện trở lại, nhưng lần này vàng SJC lại chính là thương hiệu “đại hạ giá” so với mặt bằng chung của thị trường.

Lúc 8h55 sáng nay, Công ty Sacombank-SBJ niêm yết giá vàng miếng SBJ ở mức 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 350.000 đồng mỗi lượng so với mức giá cuối giờ chiều qua.

Trong khi đó, “phớt lờ” mức tăng khá mạnh của giá vàng quốc tế, Công ty SJC lại hạ giá vàng SJC bán ra tại Tp.HCM thêm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua, còn 44,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thu mua được doanh nghiệp này nâng 50.000 đồng/lượng, lên 44,2 triệu đồng/lượng.

Như vậy, từ chỗ đứng ngang bằng trong nhiều ngày trước, giá vàng SBJ và SJC sáng nay lại chênh nhau 300.000 đồng/lượng ở chiều thu mua và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, với giá vàng SBJ cao hơn.

Thậm chí, cũng là vàng SJC nhưng giá lại mỗi nơi một khác. Công ty Phú Quý lúc 8h50 niêm yết giá vàng loại này ở mức 44,4 triệu đồng/lượng và 44,95 triệu đồng/lượng (giá mua vào và bán ra), cao hơn giá do Công ty SJC niêm yết tương ứng 200.000 đồng/lượng và 450.000 đồng/lượng.

Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đầu giờ giao dịch ở 43,95 triệu đồng/lượng và 44,4 triệu đồng/lượng, ngang với báo giá của SJC. Sau đó, đến gần 9h, giá vàng của công ty này được nâng mạnh lên 44,4 triệu đồng/lượng và 44,95 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với lúc mở cửa.

Sáng qua, vàng Rồng Thăng Long còn rẻ hơn vàng SJC gần 1 triệu đồng mỗi lượng, nhưng đến sáng nay, vàng loại này có giá cao hơn giá vàng SJC do chính SJC niêm yết.

Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng đang được các doanh nghiệp nới rộng lên mức 300.000-550.000 đồng/lượng để phòng ngừa rủi ro.

Tuy tình trạng vàng “mỗi nơi một giá” tái diễn sáng nay, mức chênh lệch không còn lớn như mấy ngày trước. Trong thời gian “vàng hai giá” kéo dài gần 2 tuần kết thúc vào ngày hôm qua, vàng Rồng Thăng Long và AAA được yết giá thấp hơn vàng SJC cả triệu đồng mỗi lượng.

Sự bình ổn trở lại của thị trường vàng trong nước sau thời gian “vàng hai giá” được xem là kết quả tích cực của việc Ngân hàng Nhà nước công bố chính thức nội dung bản dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng. Theo nội dung của dự thảo, sau khi nghị định được ban hành, vàng miếng các thương hiệu đã được cấp phép không phải SJC vẫn được lưu hành bình thường, thay vì bị cấm như lo ngại gần đây của nhiều người dân.

Tỷ giá USD/VND tự do tại Hà Nội đầu giờ sáng nay là 21.270 đồng (mua vào) và 21.330 đồng (bán ra), giảm 10 đồng so với hôm qua. Với tỷ giá này, giá vàng quốc tế lúc 8h50 giờ Việt Nam tương đương khoảng 43,9 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ 600.000 đồng/lượng, từ chỗ thấp hơn 2 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Nối tiếp đà tăng phiên đêm qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng trong phiên sáng nay tại châu Á. Lúc 8h50 giờ Việt Nam, giá vàng đứng ở 1.707,2 USD/oz, tăng 6,8 USD/oz so với giá chốt New York.

Đêm qua, vàng giao ngay đóng cửa ở mức giá 1.700,4 USD/oz, tăng 22,1 USD/oz, tương đương tăng 1,3% so với giá chốt phiên liền trước.

Giá vàng đang lấy lại một phần mất mát sau phiên sụt giảm 2,8% vào ngày thứ Hai. Vàng lại đang có diễn biến giá cùng chiều với các tài sản rủi ro như chứng khoán và hàng hóa cơ bản.

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày hôm qua đã giải tỏa những áp lực bán tháo vàng để bù lỗ trong ngày trước đó. Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực châu Âu đến hôm qua vẫn chưa có một chuyển biến tích cực nào mới, nhưng sự phục hồi của thị trường vẫn diễn ra khi giới đầu tư mạnh dạn gom mua cổ phiếu ở mức giá thấp.

Thêm vào đó, việc giá vàng giảm sâu dưới ngưỡng 1.700 USD/oz cũng được nhiều nhà đầu tư xem là một cơ hội hợp lý để mua vào. Tuy vậy, đồng USD mạnh và nỗi lo về những diễn biến xấu có thể xảy ra ở châu Âu đang là những yếu tố hạn chế đà tăng giá của vàng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Thống kê về GDP của Mỹ công bố hôm qua càng khiến các nhà đầu tư thêm thận trọng. Theo số liệu điều chỉnh, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 3 chỉ tăng 2%, thấp hơn nhiều so với mức 2,5% mà số liệu sơ bộ đưa ra.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn hiện nay, giới đầu tư đang đẩy mạnh gom mua USD. Vàng cũng là một tài sản an toàn, nhưng vị thế này dường như đang bị sức mạnh của USD lấn át. Kim loại quý này đang phản ứng giống như một tài sản rủi ro hơn là một “hầm trú ẩn”.

“Tôi không tin chắc là giá vàng sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn vì tâm lý ngại rủi ro đang ở mức rất cao. Và khi tâm lý ngại rủi ro rất cao thì giá vàng thường có xu hướng giảm”, chiến lược gia cao cấp thị trường hàng hóa cơ bản Jesper Dannesboe thuộc ngân hàng Pháp Societe Generale nhận xét trên Reuters.

Tỷ giá Euro/USD đầu giờ sáng tại Tokyo là hơn 1,35 USD/Euro, ít thay đổi so với sáng qua. Mức tỷ giá 1,35 USD/Euro đã được duy trì trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

Kiều Oanh

tbktvn

Các tin tức khác

>   Vàng miếng: Một "người" sản xuất, cả "họ" kinh doanh? (23/11/2011)

>   Vàng trở lại trên mốc 1,700 USD/oz, bạc nhảy vọt gần 6% (23/11/2011)

>   Vàng giao ngay bứt lên trên thị trường châu Á (22/11/2011)

>   Vàng - Nơi trú ẩn an toàn hay tài sản nhiều rủi ro? (22/11/2011)

>   Vàng trong nước giảm thêm 1 triệu đồng/lượng (22/11/2011)

>   Bớt lo với vàng miếng không phải của SJC (22/11/2011)

>   Vàng lao dốc tiệm cận 45 triệu đồng (22/11/2011)

>   Rớt mốc 1,700 USD/oz, vàng xuống thấp nhất 4 tuần (22/11/2011)

>   Quốc gia nào là "trùm" dự trữ vàng thế giới? (22/11/2011)

>   Vàng loạn giá vì sợ độc quyền (21/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật