Bớt lo với vàng miếng không phải của SJC
Nhiều người đang tự hỏi, trước tình trạng cung - cầu ngày càng lệch thì giá vàng các thương hiệu khác có giảm tiếp so với SJC hay không? Và nếu không có người mua thì người dân sẽ bán vàng cho ai?
Hàng trăm nghìn người đang giữ vàng miếng mang thương hiệu của các doanh nghiệp không phải SJC đang rất phân vân và lo sẽ bị thiệt hại. Đây là một thực tế diễn ra trong vài tuần qua và có thể còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Câu chuyện bắt đầu sau khi dự thảo Nghị định Quản lý hoạt động kinh doanh vàng được công bố với một điểm nổi bật là hoạt hoạt động sản xuất vàng miếng sẽ bị thu hẹp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp phép cho những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trong ba năm gần nhất...
Điều này vô hình trung sẽ chỉ cho phép một mình công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, hiện chiếm khoảng 90% thị phần, được phép sản xuất gia công sản xuất vàng. 7 đơn vị sản xuất vàng miếng khác sẽ không còn được tham gia vào lĩnh vực này.
Cho dù tất cả vẫn còn trên giấy và vẫn mới chỉ là dự thảo nhưng làn sóng bán rẻ vàng miếng các thương hiệu khác SJC đã diễn ra khá mạnh, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Điều đó khiến giá vàng của một số thương hiệu khác luôn thấp hơn SJC từ 400.000-600.000 đồng/lượng.
Theo tính toán của các chuyên gia, số lượng vàng mang các thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, AAA... là rất lớn. Con số tổng có thể lên tới hàng trăm tấn tính theo số lượng đã sản xuất và bán ra trong nhiều năm qua.
Với số lượng vàng lớn như vậy thì khả năng các doanh nghiệp mua lại được hết vàng đã bán ra là rất khó. Mà trên thực tế là trong vài ngày qua một số đơn vị kinh doanh vàng đã buộc phải thông báo ngừng mua vàng do chính họ sản xuất do số lượng người đem vàng miếng thương hiệu khác SJC đi bán quá lớn, trong khi mua vào gần như không có.
Nhiều người tự hỏi, tình trạng cung - cầu ngày càng lệch như thế thì giá vàng các thương hiệu khác có giảm tiếp so với SJC hay không? Và nếu không có người mua thì người dân sẽ bán vàng cho ai?
Câu trả lời này tất nhiên hiện tại chưa có bởi vì việc chuyển đổi này chưa được nêu ra trong dự thảo và các cơ quan quản lý vẫn còn đang bàn thảo về những điểm chung hơn của nghị định.
Trong khi đó, công tác thông tin của các cơ quan chức năng có vẻ như chưa theo kịp thị trường khiến khá nhiều người dân cảm giác hoang mang và lo lắng.
Hiện tại, nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa ngã ngũ. Điểm lợi điểm hại mới chỉ được đem ra mổ xẻ, phân tích. Điểm lợi có thể là sự ổn định của thị trường vàng, huy động một nguồn vốn khổng lồ từ trong dân... Tuy nhiên, cái lợi mới chỉ là mong muốn, còn cái hại là sự thiệt hại của người dân đã được kiểm chứng ngay trước khi nghị định đi vào cuộc sống.
Việc giải quyết hài hòa lợi ích của người dân trước khi một chính sách mới ra đời là một điều rất quan trọng.
Trong trường hợp quản lý kinh doanh vàng lần này chẳng hạn, dự thảo có thể đưa ra một số phương án chuyển đổi vàng với mức giá như thế nào đó trong trường hợp SJC được độc quyền sản xuất và SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia.
Điều này có thể khó bởi lượng vốn cần mua lại vàng miếng mang các thương hiệu khác SJC là rất lớn. Nhưng cũng có một cách khác là Nhà nước cho phép chuyển đổi sang vàng SJC với một mức phí cụ thể nào đó.
Đây là một điều hoàn toàn khả thi bởi Công ty SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Và nó có thể đã nằm trong tính toán của NHNN và Công ty SJC.
Theo thông tin mới nhất, vàng miếng vẫn được lưu thông bình thường. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vừa được NHNN công bố chiều 21/11 nhằm trấn an những người đang nắm giữ vàng miếng, tránh bán tháo với giá thấp và bị thiệt thòi. Theo đó, vàng miếng của tất cả các thương hiệu được NHNN cấp phép sản xuất trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục được lưu thông bình thường.
Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng; Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng. Sau thời gian này, hoạt động mua bán vàng miếng phải được thực hiện tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Trước đó, NHNN chỉ đưa ra những nội dung chính của dự thảo Nghị định trình Chính phủ thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngọc Thảo
Diễn đàn kinh tế VN
|