Chống thâu tóm ngầm: DN cần giữ liên lạc với cổ đông
GS.TS Christopher B. Kummer, thuộc Viện Nghiên cứu Mua bán sáp nhập và liên kết cho biết, không riêng tại Việt Nam, xu hướng thâu tóm ngầm DN diễn ra tại tất cả các TTCK trên thế giới.
Điểm khác biệt lớn nhất là pháp luật nhiều nước có những quy định chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ DN trước nguy cơ bị thâu tóm ngầm, trong khi tại Việt Nam, hiện mới chỉ có quy định cổ đông sở hữu từ 5% vốn trở lên tại DN thì phải công bố thông tin.
Giá cổ phiếu của DN giảm quá mạnh khiến thị giá của trên 70% DN niêm yết đang ở mức rất thấp so với vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, HĐQT các DN sau khi niêm yết không còn quản lý (xác nhận) việc chuyển nhượng cổ phần, nên không thể nắm bắt được sự dịch chuyển cổ phiếu giữa các cổ đông. Hai nguyên nhân này khiến HĐQT nhiều DN lo lắng về khả năng bị thâu tóm ngầm sau khi niêm yết. Làm thế nào để HĐQT DN nắm được nguy cơ bị thâu tóm ngầm là một trong các chủ đề được tranh luận sôi nổi tại khóa đào tạo M&A cao cấp do Công ty AVM tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Theo ông Kummer, bên cạnh việc chủ động xây dựng một chiến lược phòng vệ cho riêng mình, biện pháp quan trọng nhất là DN phải giữ liên lạc thường xuyên với cổ đông, nhất là các cổ đông lớn. HĐQT cần nắm được xu hướng chuyển dịch sở hữu cổ phiếu của DN mình, nếu không muốn bất ngờ bị thâu tóm bởi một nhóm cổ đông lớn liên kết với nhau.
Pháp luật Việt Nam quy định cổ đông nắm từ 5% trở lên vốn cổ phần tại DN thì phải công bố, nên nếu nắm 4,99% thì không phải công bố. Quy định về việc công bố thông tin của người có liên quan cũng có điểm hở, như việc chỉ yêu cầu con trai của họ phải công bố thông tin khi giao dịch chứng khoán, nhưng con dâu giao dịch thì không phải công bố…
Phạm Oanh
đầu tư chứng khoán
|