M&A: Con đường ngắn tạo động lực tăng trưởng
Tại hội thảo về “Tái cấu trúc DNNN” vừa được Bộ Tài chính tổ chức, một số chuyên gia cho rằng để thực hiện việc tái cấu trúc DNNN, mua bán và sáp nhập (M&A) là một trong những phương pháp hiệu quả với mục tiêu tạo nên “thể trạng” tốt hơn cho DN.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Theo PGS.TS Đỗ Thị Phi Hoài, Học viện Tài chính, chọn M&A để hướng tới mục tiêu tạo nên cấu trúc ngành mạnh mẽ hơn. Bài học từ Nhật Bản cho thấy trong 60 năm qua, với các ngành công nghiệp của mình quốc gia này đã tạo dựng kết cấu ngành với sự hiện diện của rất nhiều DN nhỏ và vừa (DNNVV) làm nền tảng, trên đó là các DN lớn và trung bình.
Chính những DN này giữ vai trò trung tâm, là cỗ máy lớn nhất đưa Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế. Để đẩy mạnh việc tạo cơ cấu ngành công nghiệp như vậy, M&A chính là một biện pháp hữu hiệu. M&A giống như mua lại thời gian bằng việc kết nối các DN có công nghệ hiện đại để nhanh chóng tạo ra sự mở rộng về quy mô và chất lượng.
Bằng việc kết hợp các điểm mạnh của các DN với nhau thông qua M&A, DN mới có sức cạnh tranh mạnh mẽ, chất lượng cao hơn. Như vậy, mục tiêu của M&A cũng chính là mục tiêu đặt ra đối với tái cấu trúc DN.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho rằng M&A có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị DN hoạt động độc lập mang lại cho cho cổ đông.
Sau khi M&A, hiệu quả hoạt động của DN có thể cao hơn nhiều nhờ tăng quy mô, giảm nhân viên và các chi phí, tăng cường khả năng thanh khoản, thị phần, rút ngắn thời gian thâm nhập một thị trường mới...
Tuy nhiên, M&A là một quá trình phức tạp, kéo dài và các bên tham gia phải tự nhận thức được mức độ phức tạp của quá trình đó. Và để M&A thành công, tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn phải có đội ngũ chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực như luật pháp, tài chính DN, chứng khoán, định giá...
Cần khung pháp lý riêng
TS. Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI), nhận định trên thực tế M&A vẫn gặp một số cản trở khiến hoạt động này được mở rộng chậm hơn dự kiến. Chẳng hạn, nước ta chưa có khung pháp lý riêng cho hoạt động M&A.
Hiện tại, có nhiều quy định cho hoạt động M&A ở các văn bản pháp luật, như: Luật DN năm 2005, Luật Cạnh tranh năm 2004... Song một hành lang pháp lý riêng cho hoạt động M&A vẫn còn thiếu. Điều này đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý, các DN và các tổ chức tư vấn tài chính.
Bên cạnh đó là việc bên bán không có động cơ khi định giá thấp và giá trị của DN cũng thấp; các DN còn thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về M&A… dẫn đến những khó khăn trong định giá, chuẩn bị hồ sơ.
Theo dự báo của Cục Cạnh tranh (Bộ Công Thương), M&A tại nước ta trong những năm tới sẽ mở rộng từ 30-40%/năm. Một trong những đóng góp vào quá trình này là việc cổ phần hóa DNNN.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý: Tuy M&A là con đường ngắn nhất để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới và tái cấu trúc DN, nhưng không phải là cách DN Việt Nam phải thực hiện bằng mọi giá, bởi chỉ có 25% thương vụ M&A trên thế giới đạt được mục đích, 60% có kết quả không rõ ràng.
Từ thành công của Nhật Bản, PGS.TS Đỗ Thị Phi Hoài đúc kết 3 bài học lớn có thể áp dụng tại Việt Nam. Đó là phải có môi trường pháp lý tốt, trong đó bao gồm việc ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý, giúp việc thực hiện M&A diễn ra một cách tốt nhất.
Lựa chọn hình thức M&A phù hợp với nhu cầu, mục đích và môi trường của DN. Cuối cùng, để M&A đạt kết quả tốt cần có chuyên gia nhiều lĩnh vực tham gia quá trình này.
Quang Minh
Sài Gòn Đầu tư Tài Chính
|