Thứ Sáu, 04/11/2011 07:11

Chính phủ Hy Lạp có nguy cơ sụp đổ

Chính phủ Hy Lạp đang bấp bênh trên bờ vực bị sụp đổ xung quanh kế hoạch trưng cầu dân ý từ gói cứu trợ của EU, nội bộ đảng cầm quyền đã có sự chia rẽ, khiến người ta nghi ngờ khả năng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của thủ tướng George Papandreou.

Châu Âu: bảo vệ nội khối quan trọng hơn giải cứu Hy Lạp

Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Sarkozy: Bỏ rơi Hy Lạp? Ảnh: Reuters

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou rời khỏi cuộc họp bất thường ngày 2.11 ở Cannes (Pháp) với tối hậu thư của hai nguyên thủ Pháp và Đức là cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 4.12 và tập trung vào vấn đề rộng hơn là "liệu chúng ta có muốn ở lại khu vực đồng euro hay không". Cho đến khi có kết quả trưng cầu dân ý thì Hy Lạp sẽ không nhận được gói cứu trợ trị giá 8 tỉ euro. Nếu kết quả trưng cầu dân ý cho câu trả lời "không" thì những viện trợ của EU/IMF sẽ kết thúc. Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng rối loạn do vỡ nơ, lật đổ các ngân hàng châu Âu mong manh và có thể đẩy kinh tế toàn cầu quay trở về suy thoái, đe dọa nền tảng một châu Âu thống nhất trong nhiều thập kỉ cùng hợp tác hướng tới hội nhập.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định rõ lập trường rằng mặc dù bà muốn ổn định khu vực đồng euro với Hy Lạp là một thành viên, ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo vệ khu vực này chứ không phải giải cứu Hy Lạp. Thủ tướng công quốc Luxembourg, Jean-Claude Juncker, chủ tịch các nhóm bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung cho biết các nhà lập pháp đang xây dựng những kịch bản có thể xảy ra khi Hy Lạp rút khỏi đây. Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Âu của Pháp, Jean Leonetti tuyên bố: "Hy Lạp là vấn đề chúng ta có thể vượt qua và không nhất thiết phải chung sống".

Theo một thăm dò của tờ báo To Vima (Hy Lạp) thực hiện trên 1.009 người dân, kết quả cho thấy phần lớn người Hy Lạp phản đối các biện pháp khắc khổ để nhận được cứu trợ, tuy nhiên cứ 10 người thì 7 người muốn đất nước ở lại khu vực đồng euro. "Cơ hội để tổ chức trưng cầu ngày càng mong manh hơn. Việc một quốc gia rời khỏi khu vực đồng euro thực sự là cơn ác mộng vì nó sẽ đặt ra tiền lệ", Stuart Thomson, chuyên gia quản lý quỹ tại Ignis Asset Management ở Glasgow (Scotland) nói.

Nội bộ Hy Lạp chia rẽ

Ngay cả bộ trưởng tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos, ban đầu ủng hộ kế hoạch trưng cầu dân ý, nhưng sau đó chống lại kế hoạch này sau khi gặp gỡ hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp. "Việc Hy Lạp trở thành thành viên khu vực đồng euro là một thành tựu lịch sử và không thể phụ thuộc vào một cuộc trưng cầu", ông Venizelos nói. Ông Venizelos muốn gói cứu trợ thứ hai mà các lãnh đạo EU đã vạch ra cho Hy Lạp nên được bắt đầu vào cuối năm nay. Thứ trưởng tài chính Pantelis Oikonomou cũng tuyên bố "chống lại trưng cầu dân ý về tư cách thành viên khối đồng tiền chung của Hy Lạp. Đây là điều hoàn toàn không thích hợp".

Đảng cầm quyền PASOK đang trong tình trạng hỗn loạn, các nghị sĩ cao cấp bất đồng đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, thành lập một chính phủ đoàn kết mới, còn thủ tướng thì nên từ chức. Một nghị sĩ đảng này tuyên bố từ chức, trong khi một nghị sĩ khác tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ thủ tướng khiến thế của đảng này mất đi hai ghế và chỉ còn 150 trong tổng số 300 ghế tại quốc hội, không đủ để giúp thủ tướng Papandreou tiếp tục điều hành. "Tôi không nghĩ chính phủ sẽ tồn tại qua đêm nay", giám đốc trung tâm thăm dò ALCO Costas Panagopoulos. Sự chia rẽ này khiến ông Papandreou buộc phải triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp.

Một nhóm nghị sĩ kỳ cựu của đảng cầm quyền sẽ đề xuất kế hoạch cho chính phủ liên minh, đứng đầu là cựu phó chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Lucas Papademos. Nhóm này đang thuyết phục ông Papandreou từ chức và dọn đường cho ông Papademos, một nhân vật nổi bật ở Hy Lạp với hi vọng chính phủ thống nhất mới sẽ kéo Hy Lạp khỏi bờ vực sụp đổ tài chính. Chánh văn phòng thủ tướng, Regina Vartzeli phát biểu trên trang tin của báo Proto Thema rằng thủ tướng không có ý định và sẽ không từ chức.

Quyết định gây chấn động của Hy Lạp khiến cổ phiếu châu Âu rớt giá trong phiên giao dịch ngày 3.11. Chỉ số MSCI toàn cầu đầu ngày khá ổn định nhưng sau đó đã giảm mạnh. Chứng khoán của các thị trường mới nổi giảm 1%. Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 .FTEU3 giảm 1%. Trước đó, chỉ số Nikkei N225 của Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch giảm 2,2%.

Kịch bản cho tình hình Hy Lạp những ngày tới

Thủ tướng Papandreou không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Bầu cử sớm được tổ chức trong vòng sớm nhất là 30 ngày, nhưng các thăm dò hiện nay chưa chỉ ra người chiến thắng cụ thể. Kế hoạch trưng cầu chắc chắn bị hủy. Đảng đối lập bảo thủ Dân chủ mới có thể thắng lớn nhưng không đủ thế đa số 151 ghế để thành lập chính phủ mới.

Vẫn là dự đoán thủ tướng Papandreou mất chức, nhưng các đảng phái gồm đảng PASOK, đảng Dân chủ mới, đảng cộng sản KKE và LAOS cùng xây dựng chính phủ tạm thời và phê chuẩn thỏa thuận gói cứu trợ của EU, sau đó tiến hành bầu cử. Điều này sẽ giúp Hy Lạp nhận được đợt giải ngân thứ 6 từ gói viện trợ đầu tiên của EU và IMF.

Một kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất là thủ tướng vẫn tại vị, kế hoạch trưng cầu dân ý bị hoãn. Về lý thuyết, ông vẫn có sự ủng hộ thế đa số của 151 nghị sĩ còn lại, nhưng với những chia rẽ mới xuất hiện trong nội bộ đảng cầm quyền hiện nay thì ông Papandreou không thể nguyên chức mà vẫn có thể thực hiện kế hoạch này. Hy Lạp sẽ có được gói cứu trợ và đảm bảo đợt giải ngân tiếp theo, nhưng chính phủ hiện tại sẽ không tồn tại được lâu sau sóng gió do thủ tướng gây ra.

NAM LIÊN (REUTERS, WSJ, BLOOMBERG)

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Nhân tố Hy Lạp chi phối "hướng đi" của đồng euro (03/11/2011)

>   Cải cách ngân hàng làm giảm tăng trưởng tín dụng (03/11/2011)

>   Tập đoàn Ngân hàng ANZ công bố lợi nhuận "khủng" (03/11/2011)

>   Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp phản đối trưng cầu dân ý (03/11/2011)

>   MF Global: Hệ lụy khôn lường (03/11/2011)

>   Trung Quốc từ chối cam kết đầu tư vào EFSF (03/11/2011)

>   Châu Âu tạm ngừng cứu trợ Hy Lạp (03/11/2011)

>   Khủng hoảng Eurozone: Khi Hy Lạp vẫn là ngòi nổ (03/11/2011)

>   Kinh tế, tài chính 24h: Châu Âu đang rơi vào suy thoái (03/11/2011)

>   EFSF hoãn phát hành 3 tỷ EUR trái phiếu cho gói giải cứu Ireland (03/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật