Cải cách ngân hàng làm giảm tăng trưởng tín dụng
Viện Tài chính quốc tế (IIF), một tổ chức tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng có trụ sở tại Washington, Mỹ, vừa kêu gọi ngừng đưa ra quy định mới về tăng vốn ngân hàng để ngăn chặn sự suy giảm mạnh về tín dụng ở châu Âu và các nền kinh tế lớn khác mà từ đó có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm.
IIF cho rằng, yêu cầu vốn cao đối với các ngân hàng có thể khiến tín dụng dành cho các doanh nghiệp ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm ít nhất 5%, và hối thúc các nhà chức trách coi đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Charles Dallara, Giám đốc quản lý IIF, đại diện cho hơn 450 cơ quan tài chính trên toàn thế giới nói: "Các nhà hoạch định chính sách cần kêu gọi dừng việc áp dụng quy định mới này trong khi những yếu tố cốt lõi của cải cách như tăng vốn cổ phần, khôi phục và dàn xếp các giải pháp, được thực hiện."
Theo ông Dallara, kế hoạch đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ thanh khoản "là rất cần thiết" còn các biện pháp khác như tăng thêm vốn (capital surcharge) đối với những ngân hàng lớn nhất thế giới "sẽ rất tốn kém và phản tác dụng."
Ông cho rằng, chắc chắn là nhiều ngân hàng châu Âu sẽ sụt giảm tài sản khi đối mặt với những quy định vốn chặt chẽ hơn và chi phí vốn cao hơn. Một số ngân hàng không thể huy động vốn mới trên thị trường, trong khi chi phí huy động vốn cao cũng ngăn cản những ngân hàng có thể huy động vốn.
Ông Dallara cho rằng, cả vốn ngân hàng và tài trợ dài hạn không thể huy động được về số lượng theo các yêu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đáng kể đến chi phí. Điều này nêu bật nguy cơ mất cân bằng khu vực tài chính sẽ tiếp tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí, khả năng cung cấp tín dụng, từ đó tác động đến hoạt động kinh tế và việc làm.
Theo tính toán của IIF, hoạt động cho vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp phi tài chính ở khu vực Eurozone chỉ tăng 1,4% trong chín tháng đầu năm nay. Và cho vay ngân hàng sẽ giảm 5% hoặc hơn nữa để đáp ứng tỷ lệ vốn theo yêu cầu của các nhà cho vay châu Âu tuần trước, buộc các ngân hàng phải tăng thêm 106 tỷ euro vốn vào giữa năm 2012.
BNP Paribas, Societe Generale and các ngân hàng khác ở châu Âu đã cắt giảm cho vay khi các nhà chức trách gây sức ép với họ nâng tỷ lệ vốn còn các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận cao hơn.
Ông Dallara cảnh báo về nguy cơ việc này có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế trong thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước hội nghị thượng đỉnh G20.
Ông Dallara nói rằng, các giải pháp hiệu quả hơn giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đang rất cần thiết và việc tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài để tăng Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu cần phải được xúc tiến.
Ông cảnh báo, giá trị thị trường trái phiếu của các nước gặp khó khăn có thể sẽ sụt giảm hơn nữa khi các ngân hàng bán trái phiếu công.
IIF nói rằng, các nhà lãnh đạo G20 cần làm việc với các ngân hàng để hồi phục tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trước bối cảnh khó khăn không chỉ đối với châu Âu mà còn cả Mỹ./.
Hải Yến
Vietnam+
|