Thứ Tư, 16/11/2011 10:26

Bức tranh kinh tế nhìn từ lăng kính nào?

Một kết quả điều tra thị trường lại cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đô thị Việt Nam vẫn tăng đều đặn trong 3 năm qua. Phải nhìn nhận thực trạng kinh tế Việt Nam từ góc độ nào?

Tuy tỏ ra lạc quan với chi tiêu của người dân, song ông Ralf Mattheas bày tỏ lo ngại về bức tranh kinh tế thực của Việt Nam

Khi công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres (TNS) tiến hành khảo sát lòng tin của người tiêu dùng đô thị Việt Nam, họ đã có những phát hiện thú vị: chỉ số lòng tin của người tiêu dùng đã đều đặn tăng lên 83 điểm vào tháng 9/2011, từ mức 78 của năm 2010 và 64 của năm 2009. Chỉ số đó, theo ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành TNS Việt Nam được chứng minh qua kết quả: một tỷ lệ áp đảo 96% người được khảo sát cho rằng, chất lượng cuộc sống cá nhân của họ tốt đẹp hơn và giống như trước, trong khi chỉ có vỏn vẹn 4% cho rằng, chất lượng cuộc sống cá nhân của họ đi xuống. Bên cạnh đó, hầu hết mọi người đều chi tiêu bằng hoặc nhiều hơn cho nhiều loại dịch vụ y tế, giáo dục, đồ gia dụng… Ông Ralf trích dẫn số liệu của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, chi tiêu bán lẻ đạt con số kỷ lục 68,9 tỷ đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay và dự kiến tăng tới 101 tỷ đô la Mỹ trong cả năm, tăng gần 30% so với mức 78 tỷ đô la Mỹ của năm ngoái.

Những con số nêu trên thật bất ngờ trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều bất ổn. Tuy nhiên, những phát hiện của TNS lại tương đồng với đánh giá của những cơ quan chức năng ở Hà Nội và TP.HCM. Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Tứ cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở Thủ đô vẫn "tiếp tục tăng cao" trong 10 tháng đầu năm nay. Để minh chứng cho nhận định này, ông cho biết, ở Hà Nội doanh thu bán xe máy tăng 21,5%, còn nhập siêu của thành phố này lên tới 12 tỷ đô la Mỹ chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm. Ông Tứ bình luận: "Điều đó cho thấy chi tiêu của người dân vẫn tăng rất cao. Suy giảm kinh tế không tạo ra suy giảm tiêu dùng tương ứng với người dân Hà Nội. Tiêu dùng của người dân đã kích thích kinh tế Hà Nội". Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, cũng đồng quan điểm với người đồng cấp ở Hà Nội khi cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm ở TP.HCM vẫn tăng gần 24%. "Điều này chứng tỏ người dân vẫn tăng tiêu dùng. Các quán ăn nhậu vẫn đông", ông nói.

Ở bình diện cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng cao tới hơn 23% trong 10 tháng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, trong cùng thời gian, chỉ số tiêu thụ công nghiệp vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, một mức tăng lạc quan theo ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Những chỉ số vĩ mô khác cũng có vẻ rất lạc quan: xuất khẩu tăng tới 34,6%, gần 64 ngàn doanh nghiệp thành lập mới. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư viết với tinh thần phấn chấn: "Tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh, thu ngân sách đạt kết quả tốt, tốc độ tăng giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng". Thứ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Văn Trung cũng tỏ ra lạc quan khi họp giao ban với các tỉnh, thành phố mới đây: "Tình hình kinh tế nói chung là tích cực". Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định: "Những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực".

Tương phản

Câu hỏi đặt ra là, bức tranh kinh tế như trên có quá lạc quan so với thực tế, khi lạm phát tiếp tục leo thang, niềm tin vào tiền đồng vẫn ở mức thấp và rủi ro bất ổn vĩ mô làm ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp vẫn còn? Liệu tình hình có thật sự khó khăn như nhiều chuyên gia lo ngại?

Tuy tỏ ra lạc quan với chi tiêu của người dân, song ông Ralf bày tỏ lo ngại về bức tranh kinh tế thực của Việt Nam. Thuyết trình với các thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) ở TP. HCM gần đây, ông Ralf nói: "Lạm phát đang giết chết bất kỳ loại lợi nhuận nào nếu xét về mặt kinh tế". Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Tứ cho biết thêm, chỉ số phát triển công nghiệp ở Thủ đô đã liên tục giảm từ đầu năm đến tháng 10. "Đây là điều chưa từng có, vì theo thông lệ chỉ số này phải tăng vào cuối năm," ông nói.

Số liệu của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho thấy, chi tiêu bán lẻ đạt mức 68,9 tỷ đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay và dự kiến tăng tới 101 tỷ đô la Mỹ trong cả năm, tăng gần 30% so với mức 78 tỷ đô la Mỹ của năm ngoái.

Trong khi đó, những quan chức cao cấp đã từng chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển kinh tế ở Việt Nam cũng có cái nhìn bi quan về hiện tại. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn nhận xét trong một hội thảo do Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây: "Tôi tán thành nhận định rằng, tình hình kinh tế hiện nay là xấu. Có nhiều lúc chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, có lúc chúng ta vẫn nói cơ bản là ổn định, tôi thấy không phải. Hiện nay, tình hình kinh tế của ta không tốt. Đây là hậu quả của quá trình quản lý kinh tế hàng chục năm qua, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Ổn định vĩ mô bị phá vỡ, làm chúng ta đứng trước nhiều bất ổn hơn lúc nào hết. Tôi chỉ nói tình hình lạm phát cũng thấy rõ". Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: "Tình hình kinh tế hiện nay khó hơn nhiều so với năm 2008. Bất ổn kinh tế đã trở thành chu kỳ khó thoát ra vì cơ cấu kinh tế lạc hậu. Ngay khi họp Đại hội Đảng, tôi đã cảnh báo là cần sự đồng thuận rất cao mới tháo gỡ được". Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên bình luận thêm: "Tình hình hiện tại rất nguy hiểm vì kinh tế đã đi vào vòng xoáy đình trệ đi liền với lạm phát tăng cao kéo dài nhiều năm". Ông Thiên nhận xét, trong cùng hoàn cảnh quốc tế, nhiều chỉ số kinh tế cơ bản của Việt Nam hiện đều kém hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Chỉ trong vòng 1 năm qua, chỉ số CPI của Việt Nam tăng hơn 20%. Hơn nữa, so sánh tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 3 năm qua với giai đoạn 10 năm trước đó, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ giảm mạnh nhất với mức trên 1%. Ông cho rằng, xu hướng giảm tốc tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nặng nề, tiền đồng yếu kém vẫn sẽ là "di sản" cho năm 2012.

Những thực tế và đánh giá trên đây cho thấy một bức tranh kinh tế đầy tương phản. Song có một điều rõ nét, nhu cầu tiêu dùng của người dân mà số đông là còn trẻ và còn nghèo sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế đi qua giai đoạn khó khăn, như năm 2008 đã từng chứng minh. Còn trong vai trò dẫn dắt nền kinh tế, Nhà nước sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể ổn định lại được nền kinh tế trước khi tính tới chuyện có được sự tăng trưởng ấn tượng.

 Minh Thu

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục “chết” vì lãi suất và lạm phát (16/11/2011)

>   Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông: Lời ăn, lỗ đòi trả lại (16/11/2011)

>   Quyết định đầu tư công phải từ thực lực (16/11/2011)

>   Tìm lại 'vai diễn' cho doanh nghiệp nhà nước (16/11/2011)

>   Nên cổ phần hóa ngay các “ông lớn” (15/11/2011)

>   Làm nhà đầu tư không được thì xin làm “môi giới” (15/11/2011)

>   Cắt giảm đầu tư công: Quyết “chịu đau”! (15/11/2011)

>   Quốc hội yêu cầu công khai dự toán ngân sách 2012 (14/11/2011)

>   Yêu cầu kiểm tra việc doanh nghiệp “ngoại” vay vốn “nội” (14/11/2011)

>   Chỉ tiêu lạm phát và “chỉ số niềm tin” (14/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật