BT6: Nghi vấn 80 tỷ đồng nợ có nguy cơ mất vốn
Hạch toán một khoản cho vay dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư dài hạn trong danh mục đầu tư dài hạn với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một DN sắp… âm vốn chủ, nhưng CTCP Beton 6 (BT6 - sàn HOSE) vẫn không có một dòng trích dẫn nào trên BCTC về khả năng thu hồi số tiền nói trên.
Cho vay lắt léo
Cuối tuần qua, NĐT T, vừa là cổ đông của BT6, vừa là cổ đông của Công ty cổ phần 3D phản ánh với ĐTCK về việc BT6 đã cho vay một khoản tiền trên 80 tỷ đồng thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, tài sản cầm cố chính là cổ phiếu 3D, nhưng tài sản cầm cố này hiện đang có nguy cơ trở thành con số 0. Tuy nhiên, trên BCTC của BT6, Công ty không thể hiện rủi ro này.
Theo BCTC quý II/2011 có soát xét của BT6, tính đến hết quý II/2011, BT6 có khoản cho vay dài hạn 80,23 tỷ đồng được hạch toán ở dạng đầu tư dài hạn khác. Theo thuyết minh BCTC của Công ty, đây là khoản BT6 cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Tân Việt (cổ đông lớn đang sở hữu 10,2% vốn điều lệ của BT6) vay để mua cổ phần của Công ty cổ phần 3D.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Tân Việt đã dùng tất cả số cổ phiếu mua được của Công ty cổ phần 3D là 6,2 triệu đơn vị làm tài sản cầm cố cho khoản vay nói trên. Ngoài ra, BT6 được phép sử dụng toàn bộ công suất sản xuất tại nhà máy của CTCP 3D để đảm bảo nhu cầu sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Lần giở BCTC cuối năm 2010 có kiểm toán và BCTC soát xét bán niên năm 2010 của BT6, thì thấy, khoản cho vay trị giá hơn 80 tỷ đồng này chính là khoản cho vay theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với một cá nhân vào ngày 12/6/2010 có giá gốc tại thời điểm ký là 62,5 tỷ đồng. Sau đó, đến cuối năm 2010, khoản vay này mới được chuyển nhượng nghĩa vụ sang Tân Việt với giá trị cần thu hồi tăng lên mức 76,71 tỷ đồng.
Tài sản cầm cố sắp biến mất?
Quay trở lại khả năng thu hồi nợ của BT6, nhìn từ chất lượng tài sản cầm cố là cổ phiếu Công ty cổ phần 3D. Theo BCTC của Công ty cổ phần 3D mà NĐT T đã cung cấp cho ĐTCK, tính đến cuối năm 2010, vốn chủ sở hữu theo BCTC hợp nhất của 3D là gần 47,4 tỷ đồng, trên vốn điều lệ ban đầu hơn 112 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối của 3D là âm gần 72,9 tỷ đồng.
Theo NĐT T, 3D có thành lập Công ty TNHH một thành viên 3D Long Hậu, với vốn điều lệ ban đầu 91,85 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2010, vốn chủ sở hữu của 3D Long Hậu là 5,91 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/9/2011, theo BCTC của 3D Long Hậu, vốn chủ sở hữu của công ty con này là âm 31,83 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của 3D trên BCTC hợp nhất thời điểm 30/9/2011 cũng giảm mạnh về 14,17 tỷ đồng.
NĐT T cho hay, anh lo ngại rằng, với mức sụt giảm nhanh như trên, chẳng bao lâu, vốn chủ sở hữu của 3D trên BCTC hợp nhất sẽ trở về con số 0, bởi 3D đã dành gần như toàn bộ nguồn lực tài chính của mình để tập trung cho 3D Long Hậu.
Điều khiến NĐT này bức xúc hơn nữa là, từ năm 2010 đến nay, 3D không tổ chức họp ĐHCĐ, cũng không xin ý kiến cổ đông về kế hoạch kinh doanh và các thông tin khác, dù tình trạng tài chính liên tục bi bét.
Một khoản vay có nghĩa vụ trả nợ tăng từ mức 62,5 tỷ đồng lên hơn 80 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm của BT6 đối với cổ đông lớn là Tân Việt, lại có tài sản cầm cố là cổ phiếu của một DN có vốn chủ sở hữu đang gần tiến về 0 khiến NĐT cảm thấy lo ngại.
Chưa có nội dung chi tiết của hợp đồng hợp tác đầu tư nói trên để có thể xác định khả năng thu hồi vốn của BT6, nhưng lúc này, thị trường cần một câu trả lời rõ ràng của Ban lãnh đạo Công ty về tình trạng thực sự của khoản cho vay này. Bởi vì, 80 tỷ đồng là khoảng gần 20% vốn chủ sở hữu của BT6 - một con số không nhỏ.
Cuối quý III, BT6 có hơn 200 tỷ đồng đầu tư dài hạn khác và nếu người ta mất niềm tin vào sự minh bạch của một khoản mục, thì liệu các tài khoản khác có bị đặt câu hỏi nghi vấn?
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|