ĐHCĐ VSH: Né tránh các vấn đề gai góc
Chương trình ĐHCĐ của VSH dự kiến tổ chức vào ngày 2/12 sắp tới đã cố tình né tránh những điều gai góc - đều có liên quan đến EVN.
Theo thông báo của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH), ngày 2/12/2011 tới đây, công ty này sẽ tiến hành ĐHCĐ năm 2011.
Có thể nói, VSH là công ty niêm yết giữ kỷ lục về thời gian tổ chức ĐHCĐ muộn khi năm 2011 chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc mà mới họp bàn kế hoạch kinh doanh cho năm nay. Thế nhưng, câu chuyện không dừng ở đó.
Thông thường, tháng 4 hàng năm, sau khi có kết quả kiểm toán thì các công ty niêm yết sẽ tổ chức ĐHCĐ để đánh giá kết quả kinh doanh năm trước và phê duyệt kế hoạch năm đó. Nhưng cho đến giờ này, VSH vẫn chưa có kết quả kinh doanh chính thức năm 2010 và kế hoạch kinh doanh năm 2011 chỉ vì một lý do đơn giản: không thỏa thuận được giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cổ đông lớn nhất (sở hữu 30,4% vốn điều lệ tại VSH) và là người độc quyền mua điện của Công ty, bởi lề lối thương thảo rất dài dòng và chậm trễ của EVN.
Còn một vấn đề nữa gây bức xúc cho các cổ đông là khoản nợ 500 tỷ đồng mà EVN “bắt” VSH cho vay từ năm 2008. Mặc dù đã quá hạn trả nợ từ lâu, nhưng EVN vẫn chưa chịu trả và cũng không chịu thực hiện trả lãi phạt theo hợp đồng. Trong khi đó, nguồn vốn kinh doanh của VSH cũng không dư giả gì.
Đó là hai vấn đề gai góc trong năm 2011 mà cộng đồng nhà đầu tư, nhất là các cổ đông của VSH đặt lên hàng đầu. Nhưng không hiểu vì sao trong chương trình nghị sự tại ĐHCĐ được gửi đến trước cho cổ đông lại không nhắc đến.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010 và “kế hoạch” kinh doanh năm 2011 được Ban lãnh đạo Công ty soạn thảo trình ĐHCĐ cũng có những điều rất bất thường. Các cổ đông có thể chấp nhận báo cáo kinh doanh năm 2010 theo kết quả kiểm toán, khi nào Bộ Công thương quyết định được giá điện 2010 thì điều chỉnh sau.
Năm 2011, theo báo cáo tài chính quý III năm nay, mức lợi nhuận lũy kế của VSH đã là 286 tỷ đồng (trong đó, lợi nhuận tài chính bằng tiền gửi - là tiền của cổ đông, là 101 tỷ đồng). Tuy nhiên, “kế hoạch” lợi nhuận năm 2011 chỉ có 276 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2009 và năm 2010! Ban điều hành Công ty dự liệu rằng, VSH sẽ lỗ lớn trong quý IV/2011 hay là đặt kế hoạch thấp để chắc chắn vượt xa và sẽ có thêm các khoản thưởng?
Có thể thấy, cơ cấu tổ chức của VSH hiện nay không bình thường, vì các vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát đều là người do EVN giới thiệu, mà EVN là cổ đông duy nhất có xung đột lợi ích với Công ty.
Trong khi ngoài Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu 24% vốn điều lệ tại VSH thì Công ty không có cổ đông chiến lược nào khác tham gia quản lý.
Có phải vì cơ cấu cổ đông như vậy mà chương trình đại hội sắp tới đã cố tình né tránh những điều gai góc - đều có liên quan đến EVN? Nếu HĐQT Công ty không bổ sung vào chương trình đại hội những vấn đề nêu trên, để ĐHCĐ bàn bạc và quyết nghị thì hàng ngàn cổ đông thiểu số tại VSH cần lên tiếng để bảo vệ lợi ích thiết thân của Công ty và chính các cổ đông.
“Thỏa thuận giá điện mua bán giữa EVN và các DN đã cổ phần hóa không có gì thiên vị”
Về câu hỏi liệu thỏa thuận giá điện mua bán giữa EVN và các dự án đã cổ phần hóa có thiên vị gì không nếu như người đại diện vốn nhà nước EVN cử ra lại thương lượng giá điện với chính EVN, xin thưa là, tất cả hợp đồng mua bán điện của EVN đều có sự kiểm soát của Bộ Công thương. Nhà đầu tư kinh doanh trên cơ sở có lãi, nhưng cũng phải chấp nhận đặc thù của DN ngành điện.
Chẳng hạn như với Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, nhà máy thiết kế công suất 6.000 giờ nhưng do thiếu điện, Nhà máy chạy vượt công suất, lên 7.000 giờ, nhưng khấu hao, lương chỉ tính cho 6.000 giờ. Như vậy, 1.000 giờ cuối cùng chỉ phải trả chi phí nguyên liệu nên năm 2010, Phả Lại thực sự lãi. Nhưng vì biến động trên thị trường nên hiệu quả kinh doanh lại thấp.
Một là, lãi suất vay trước đây chỉ 7 - 8%/năm, giờ lên 20%/năm, gấp 3 lần. Hai là, tỷ giá trước đây là 16 - 17.000 đồng/USD, bây giờ lên 21.000 đồng/USD. Toàn bộ gánh nặng đó, lẽ ra, khi đàm phán phải tính toán nhưng đã không tính được rủi ro. Bây giờ, gánh nặng đó trút sang vai người đi mua điện là EVN, nhưng khả năng của chúng tôi không gánh nổi.
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
Một cổ đông của VSH
đầu tư chứng khoán
|