'Bom tấn' tín dụng đen 'nổ' tại Trung Quốc
Hiện tượng vay nóng chợ đen đang lan tràn và ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đứng bên bờ vực phá sản vì không thể xoay sở tiền trả khoản nợ với lãi suất “trên trời”.
Một bài viết đăng trên tờ Financial News, cơ quan ngôn luận của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mô tả, "cơn điên" lãi suất tư nhân đang thổi phồng "bong bóng" kinh tế Trung Quốc.
Trong một cuộc họp kín của Chính phủ với các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Liu Mingkang của Ủy ban Điều phối Ngân hàng Trung Quốc cũng cho hay, chỉ các tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc hiện có khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ (470 tỷ USD) lưu thông trong hệ thống tín dụng ngoài ngân hàng.
Khách hàng quen thuộc của các “ngân hàng đen” này là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Vì không thể tiếp cận khoản vay của các ngân hàng trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện việc thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp phải quay sang thị trường “tín dụng đen” với lãi suất hàng năm lên tới 100%, cao gấp hơn 15 lần so với lãi suất cho vay chuẩn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng. Hậu quả là họ không thể trả nợ.
|
Các ngân hàng "đen" đang hoành hành tại Trung Quốc. Ảnh: Fiscal Times.
|
Theo ông Cai Hua, phát ngôn viên của Hiệp hội Nghiên cứu Zheshang, năm qua, Chiết Giang, nơi có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp tư nhân với doanh thu hơn 1,5 triệu nhân dân tệ, cùng một số tỉnh miền Đông khác đem lại 53% GDP của cả Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng 80% các doanh nghiệp ở tỉnh Chiết Giang phải vay vốn kinh doanh từ hệ thống tín dụng ngầm.
Những nhà cho vay nặng lãi đặc biệt tích cực ở thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Trong ba thập niên qua, thành phố này sản xuất hàng loạt mặt hàng tiêu dùng với giá hết sức rẻ – từ giày dép, bật lửa đến kính mắt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nói chung của Trung Quốc đang suy giảm do tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp và tiền lương trả cho công nhân đang tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Ôn Châu đã rơi vào cảnh khó thanh toán nợ nần và dẫn tới tình trạng phá sản hàng loạt.
Cụ thể, trong số 360.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, từ đầu năm đến nay có 30% giảm hoạt động hoặc đóng cửa. Một số doanh nghiệp phá sản đã phải vay ngoài với lãi suất mỗi năm lên đến 120%.
Ngoài ra, cả trăm chủ doanh nghiệp đã tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài hoặc ẩn nấp đâu đó, trong đó phải kể đến Chủ tịch Zhejiang Center Group Co. Ltd. Thêm vào đó, có tới ba người tự sát, để lại những món nợ kếch xù.
Li Jun, một chủ nhà máy sản xuất bật lửa ở Ôn Châu, cho biết: “Do suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008, chúng tôi không có đơn đặt hàng. Bây giờ có một vài đơn đặt hàng, nhưng chúng tôi không dám nhận vì vay ngân hàng không đủ. Một số nhà máy sản xuất bật lửa vừa đóng cửa và bắt đầu chuyển sang cho vay, chắc chắn lợi nhuận cao hơn. Chúng tôi cũng muốn làm như thế”.
Không riêng gì Ôn Châu, các quỹ tín dụng đen cũng phổ biến ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc như Quảng Đông hay khu vực Nội Mông. Với quy mô gần 2.400 tỷ USD như ước tính của chuyên gia kinh tế Diêu Vệ thuộc Ngân hàng Societe Generale, mảng tài chính ngầm của Trung Quốc chiếm gần 1/3 toàn bộ các khoản vay của nước này.
Theo giới phân tích, sở dĩ tín dụng đen ngày càng phát triển tại Trung Quốc là do khu vực ngân hàng quốc doanh đang tìm cách siết chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát các tín dụng đen cũng hết sức khó khăn bởi vấn đề nguồn vốn. Ông Gary Lưu thuộc Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải cho biết, một phần vốn của quỹ tín dụng đen đến từ các ngân hàng nhà nước. “Chẳng hạn, bạn là một nhân viên ngân hàng và giúp bạn mình thế chấp nhà để vay tiền. Số tiền này sau đó được cho các con nợ bên ngoài vay lại và cứ thế số tiền được chuyển tiếp trong thị trường ngầm”, ông Lưu giải thích.
Ngoài ra, những doanh nghiệp lớn, thường thuộc sở hữu nhà nước, có thể vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi khoảng 7,2%. Thông qua các doanh nghiệp bên thứ 3 như là các công ty tài chính, những doanh nghiệp lớn này có thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lại với lãi suất cao, có thể lên tới 36 – 60% mỗi năm.
Phức tạp hơn khi phần còn lại của số vốn đến từ chính các khoản tiền tiết kiệm của người dân. Với lãi suất tiết kiệm chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ lạm phát hiện ở mức 6%, nhiều người sẵn sàng góp vốn cho những tổ chức cho vay nặng lãi để hưởng lời. Một khảo sát ở Ôn Châu cho thấy, 90% gia đình tham gia hệ thống tài chính ngầm.
Trước tình trạng này, Chủ tịch Liu Mingkang Uỷ ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc khẳng định siết chặt kiểm soát đối với tín dụng đen. Theo ông, uỷ ban này đang tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo các hoạt động "tín dụng đen" sẽ không đẩy hệ thống tài chính vào nguy hiểm.
Bích Diệp (Tổng hợp)
ĐẤT VIỆT
|