Châu Âu đang tiến tới một khủng hoảng hệ thống
Trong một khu vực có nhiều quốc gia chung một chính sách tiền tệ, các hệ lụy sẽ lây lan nhanh chóng.
“Châu Âu đang tiến tới một khủng hoảng hệ thống” là lời cảnh báo mà Cơ quan nghiên cứu kinh tế Pháp (OFCE) liên tục nhắc đến để khuyến nghị các chính phủ Pháp và Châu Âu. Mới đây cơ quan này đưa ra nhiều báo cáo đáng lo ngại về tình hình cũng như đẩy lùi thời gian dự báo kinh tế Pháp và Châu Âu có thể tăng trưởng trở lại.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn chuyên gia kinh tế Eric Heyer, Phó Giám đốc bộ phận phân tích và dự đoán thuộc Cơ quan nghiên cứu kinh tế Pháp về vấn đề này.
PV: Thưa ông, mới đây Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Pháp có đưa ra bản báo cáo có tựa đề rất đáng sợ-“Trở lại địa ngục”. Vậy thực sự theo ông, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở khu vực đồng Euro nói chung và nước Pháp nói riêng nguy cấp đến mức nào?
Ông Eric Heyer: Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Châu Âu là sự tiếp nối của cuộc khủng hoảng năm 2008, dù tình huống và những nguyên nhân đã có sự khác biệt.
Năm 2008, khủng hoảng bắt nguồn từ khu vực tư nhân, từ sự quản lý doanh nghiệp. Khu vực tư nhân nợ quá nhiều, nhà nước phải ra tay cứu giúp mua lại nợ tư nhân và chuyển thành nợ công, đã dẫn đến tình trạng nợ công quá cao, mất kiểm soát như hiện nay ở châu Âu. Năm 2008, các nhà nước đóng vai trò giải cứu lĩnh vực tư nhân còn bây giờ thì các tổ chức phải đi cứu các nhà nước.
Nếu như năm 2008, các ngân hàng còn có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý khủng hoảng thì hiện tại, họ không còn làm thế được nữa, thậm chí, có ngân hàng đã phá sản. Thách thức của các ngân hàng năm 2008 là đảm bảo các công ty tư nhân không phá sản, còn thách thức bây giờ là đảm bảo các nhà nước không phá sản. Đối phó với những rủi ro này là điều quá khó và nhiều ngân hàng buộc phải thắt chặt tín dụng, kéo theo sự đình trệ của nền kinh tế.
Về thời điểm và quy mô, Châu Âu đang tiến rất gần đến một cuộc khủng hoảng hệ thống. Trong khu vực đồng Euro, các quốc gia mạnh đã phải giải cứu các nước yếu kém, như Đức, Pháp đã làm với Hy Lạp nhưng thực sự đây là một cuộc giải cứu khó khăn vì cần một sự đồng thuận chính trị rất cao trong cả khu vực. Nếu không thỏa thuận được giữa các nước thành viên, khủng hoảng hệ thống về tài chính có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị trong toàn khu vực.
|
Chuyên gia kinh tế Eric Heyer: Châu Âu đang tiến tới một khủng hoảng hệ thống |
PV: Như ông nhận định và nhiều chuyên gia cũng dự báo trước một diễn tiến như vậy ngay khi khủng hoảng nổ ra năm 2008. Nhưng tại sao khu vực đồng Euro lại phản ứng chậm để dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay, thưa ông?
Ông Eric Heyer: Cái khó của châu Âu, đó là các quốc gia trong khu vực đồng Euro không còn giữ được chủ quyền tiền tệ như các nước Mỹ, Anh, Nhật… và chính cơ chế kiểm soát trong khu vực đồng Euro lại khiến nguy cơ phá sản của các quốc gia thành viên cao hơn ở các nơi khác. Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) không thể hành động quyết liệt như cách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Ngân hàng trung ương Nhật Bản hay Anh đã làm là nhanh chóng mua lại các khoản nợ xấu, hoặc in tiền để đối phó với khủng hoảng.
Điều nguy hiểm là trong một khu vực có nhiều quốc gia chung một chính sách tiền tệ, các hệ lụy sẽ lây lan nhanh chóng. Sau Hy Lạp có thể là Bồ Đào Nha, sau đó có thể là Tây Ban Nha rồi Italy. Đến khi đó, không một ngân hàng nào có thể gánh được số nợ khổng lồ của các nền kinh tế lớn hơn Hy Lạp rất nhiều này, nhất là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro là Italy với khoản nợ công lên tới 1.900 tỷ euro, chiếm tới 120% GDP nước này.
PV: Cuộc khủng hoảng này đã chỉ ra một lỗ hổng chết người trong khu vực đồng Euro, là mọi quyết sách đều cần phải có sự đồng thuận của tất cả 17 quốc gia thành viên. Châu Âu từng phải nín thở chờ đợi khi các quốc gia thành viên nhỏ như Phần Lan hay Slovakia khó khăn vượt qua cuộc trưng cầu ý dân. Liệu đã đến lúc khu vực đồng Euro phải nghĩ đến cải tổ, xem xét lại nguyên tắc đồng thuận đó?
Ông Eric Heyer: Đây quả thực là điều đáng nói. Nếu cho rằng đây chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu thì không hẳn, bởi nếu nhìn sang các nước như Mỹ, Nhật Bản hay Anh thì nợ công và thâm hụt ngân sách ở những nước này còn lớn hơn ở châu Âu.
Vấn đề là cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu còn là cuộc khủng hoảng chính trị khi các nước thành viên không đoàn kết, thậm chí bất đồng trong các vấn đề ngân sách và tiền tệ, còn Ngân hàng trung ương Châu Âu lại không thể đóng vai trò như một Ngân hàng Trung ương thực thụ.
Muốn thay đổi tất cả những điều này thì cần phải thay đổi Hiến pháp của Liên minh châu Âu mà đây lại là cái vòng luẩn quẩn vì lại cần sự đồng thuận của tất cả các thành viên thì mới thay đổi được. Đó sẽ là một tiến trình quá phức tạp, tốn quá nhiều thời gian trong khi thị trường lại cần những hành động nhanh chóng.
PV: Ông là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối việc thắt lưng buộc bụng quá khắt khe, bởi rõ ràng như thế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và dẫn đến thất nghiệp tăng. Vậy theo ông, làm thế nào để cân bằng được vấn đề đó?
Ông Eric Heyer: Tất cả các nước lớn trong khu vực đồng Euro, trừ Đức, đều đang phải đối mặt với nghịch lý này. Một khi tìm mọi cách để giảm nợ công thì bắt buộc phải giảm tăng trưởng, cắt giảm việc làm và khi đó, như ở Pháp chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ là 15%, 20% thậm chí là 25%, tức gần 1/4 dân số sẽ bị đẩy vào nguy cơ đói nghèo và nền dân chủ sẽ bị tàn phá.
Ở đây, các nước Châu Âu không có lựa chọn mà buộc phải tìm cách giải quyết cùng lúc 2 thách thức đó. Cách tốt nhất lúc này là không nên quá vội vàng với việc khủng hoảng nợ công mà quên đi khủng hoảng việc làm. Cần phải đặt mục tiêu vào các chính sách dài hạn để đảm bảo tăng trưởng nhất định và giảm nợ công một cách từ từ.
Theo tôi, việc đề ra thời điểm 2015 để giải quyết khủng hoảng nợ công là không hợp lý, có thể phải đến 2017 thậm chí là 2018 hay 2020. Ở đây, việc thực hiện các mục tiêu dài hạn lại cần có sự đoàn kết giữa các nước thành viên khu vực đồng euro, nói cách khác là cung cấp nguồn vốn cho nhau.
Các nước kiểm soát nợ công tốt như Đức, Hà Lan, Áo… có thể cho các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy vay tiền. Việc phát hành trái phiếu châu Âu thay cho trái phiếu quốc gia cũng là một ý tưởng cần tính đến.
** Xin cảm ơn ông./.
Thùy Vân- Quang Hưng
VOV
|