Bao nhiêu ngân hàng là đủ? (Kỳ 1)
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án tái cấu trúc toàn diện cho ngành ngân hàng, đồng thời khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Nhưng tái cấu trúc theo hướng nào để hệ thống ngày càng lớn mạnh đang là vấn đề nan giải.
Kỳ 1: Ra ngõ gặp ngân hàng
Có quá nhiều ngân hàng nên tình trạng giẫm đạp, chồng chéo lên nhau là chuyện bình thường. Điều này dẫn đến kinh doanh không hiệu quả và gây rủi ro cho toàn hệ thống.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến cuối tháng 10, Việt Nam có trên 90 ngân hàng, trong đó có 39 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 40 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 5 ngân hàng liên doanh. Đó là chưa kể đến các công ty tài chính và tổ chức tín dụng khác.
Nhiều nhưng yếu
Tổng vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam không hề nhỏ, ước khoảng 10.000 tỷ đồng/mỗi ngân hàng. Dù số lượng nhiều và đa dạng về loại hình nhưng thực tế vốn cung cấp cho nền kinh tế lại chỉ có ở một số ít đơn vị (như tập trung tín dụng cho vùng nông thôn thì chỉ có Agribank, MHB…). Tuy nhiên, những ngân hàng này đang cố gắng giành thị phần ở thành thị, cạnh tranh với các ngân hàng ở những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội.
Thực tế này càng thể hiện rõ qua việc cho vay từ đầu tháng 9 đến nay, khi hàng loạt ngân hàng dành nhiều nghìn tỷ đồng cho chương trình “ưu đãi vốn giá rẻ” như BIDV, Eximbank (EIB), ACB, Vietcombank (VCB), Agribank… với lãi suất 17 – 19%/năm, nhưng số lượng doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ được vay từ chương trình này là rất hạn chế. Không chỉ ngân hàng lớn bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ mà những đơn vị bé hơn như HDbank, Nam Á (NamABank)… cũng chỉ hướng đến các khách hàng lớn. Vì thế, theo tính toán chưa đầy đủ của một chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt hiện chỉ đáp ứng nhu cầu vốn của khoảng 10% người dân và nền kinh tế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ nợ tín dụng đen là do khó vay vốn từ ngân hàng. “Khi không vay được ở ngân hàng thì người ta chỉ còn cách tìm đến tín dụng đen. Ở các nước, muốn vay 4USD cá nhân cũng có thể tìm đến ngân hàng, còn ở ta thì phải vay nóng hoặc mượn bạn bè. Dường như dòng chảy tín dụng từ ngân hàng chỉ dành cho người giàu”, một chuyên gia ngành ngân hàng bức xúc.
Thời gian qua, điểm yếu của các ngân hàng thể hiện rõ nhất ở công tác huy động vốn. Khi NHNN đưa ra trần lãi suất 14%/năm thì dòng tiền xuôi về các ngân hàng có thương hiệu. Khi đó, để tự cứu mình, các ngân hàng nhỏ lách trần lãi suất bằng cách trả lãi suất lên đến 19 - 20%/năm (tiền lãi sai quy định có thể được chuyển thẳng vào tài khoản khách hàng mà không có hóa đơn hoặc thông qua các giải thưởng, quà tặng…). Hậu quả là có đến 2 ngân hàng bị tuýt còi, bị cấm mở chi nhánh trong 1 năm và hàng loạt cán bộ bị cảnh báo, buộc thôi việc. Ngay tại thời điểm này, khi đã có 2 bài học xương máu trên nhưng vẫn có ngân hàng “vuốt râu hùm” lách trần lãi suất, chỉ có điều họ tinh vi hơn nên khó phát hiện hơn.
Lớn không lớn, nhỏ không nhỏ
Khảo sát gần 40 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy không đơn vị nào bỏ qua mảng cho vay bất động sản, mua xe hơi… Chưa hết, trong hàng loạt các sản phẩm tín dụng thì phần lớn giống nhau đến 90% và ngay cả khoảng trống tín dụng các ngân hàng này cũng không khác nhau. Một thống kê về dư nợ tín dụng của NHNN cũng nói lên điều này. Hàng loạt ngân hàng tập trung vào cho vay các ngành như dầu khí, cao su, than khoáng sản, dệt may, công nghiệp tàu thủy, điện lực, bưu chính viễn thông nên từ năm 2008 đến nay, có thời điểm dư nợ tín dụng của những ngành này chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế. Có năm dư nợ tín dụng của những ngành này tăng gần 21% (năm 2008) với khoảng 128.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lúc đã nợ hơn 51% trong tổng dư nợ của 7 tập đoàn kinh tế lớn (khoảng 66.000 tỷ đồng).
Việc chồng chéo trong hoạt động, phân khúc khách hàng cũng dẫn đến hệ quả là chồng chéo trong huy động vốn. Bao nhiêu lần NHNN đưa ra trần lãi suất huy động là bấy nhiêu lần các ngân hàng đua nhau vượt rào vì “tranh vốn”. “Các ngân hàng nhỏ xé rào lãi suất để giành khách hàng với ngân hàng lớn mà quên mất việc “mèo nhỏ chỉ nên bắt chuột con và bắt chuột con mới vừa sức”, TS Lê Thẩm Dương, ĐH ngân hàng TP HCM, nhận xét.
Một bất cập nữa của hệ thống ngân hàng Việt Nam là “lớn chưa đủ lớn và nhỏ không ra nhỏ”. Nếu so với các nước tiên tiến, những ngân hàng lớn của Việt Nam như BIDV, Vietcombank (VCB), Agribank, Viettinbank (CTG) thì vốn tự có vẫn còn quá nhỏ (vốn điều lệ trung bình chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng). Như vậy, “những cây đại thụ” của ngân hàng Việt Nam không thể đảm nhận vai trò chống đỡ khi nền kinh tế vi mô cần bởi vốn ít, quản trị chưa chuyên nghiệp… Ngược lại, những ngân hàng loại nhỏ so với thế giới lại… to. “Nếu so với các ngân hàng nhỏ, siêu nhỏ của Mỹ thì những ngân hàng Việt Nam có vốn 3.000 tỷ đồng vẫn là lớn”, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, nói.
Phân tích của ông Nghĩa cho thấy, không chỉ “to” về vốn mà mô hình kinh doanh của các ngân hàng nhỏ của Việt Nam cũng không phù hợp với quy mô. “Thế nên, ngân hàng Việt dù nhiều nhưng nếu không tái cơ cấu thì “sức khỏe” của hệ thống sẽ giảm sút”, ông Nghĩa cảnh báo.
Kỳ 2: Tái cơ cấu là… ghép đôi?
P.Nhi - N.Hồ
đất việt
|