Viettel và ‘chiến lược người nghèo’ tại thị trường Haiti
Đầu tư vào một quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) sẽ có biện pháp gì? Tập đoàn kinh tế đầu ngành của Quân đội có được những điều gì khi kinh doanh tại một thị trường khó khăn như Haiti? Phóng viên báo Quân đội Nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải sang) |
Ngoài việc là một nước rất xa so với Việt Nam và vừa trải qua thảm họa động đất khiến hơn 300.000 người chết, Viettel còn gặp những khó khăn gì khi đầu tư vào Haiti?
Haiti là một quốc gia nghèo nhất khu vực Tây bán cầu với 80% dân số sống dưới mức nghèo trong đó 54% dân số cực nghèo. Quốc gia này đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, đầu tư còn ít vì tình hình an ninh, cơ sở hạ tầng hạn chế, và thâm hụt thương mại, nợ nước ngoài cao. Cũng như sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về văn hóa, điều kiện kinh tế- xã hội nêu trên đều là những khó khăn sẵn có.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đầu tư vào nơi nào trên thế giới thì cũng có khó khăn chứ không riêng gì Haiti. Thách thức lớn nhất của Viettel không phải đến từ Haiti mà xuất phát từ nội tại.
Chúng tôi chưa từng có kinh nghiệm điều hành, triển khai một mạng lưới cách quá xa trung tâm chỉ huy đầu não như vậy. Lào và Campuchia dù sao cũng rất gần, chỉ 2 giờ bay là có mặt. Còn đến Haiti thì phải mất 36h kể từ khi bước chân lên máy bay. Việc đảm bảo logictis cho một thị trường cách đến nửa vòng trái đất cũng là chuyện Viettel chưa từng có kinh nghiệm. Việc những người chỉ huy tại chỗ phải tự ra các quyết định quan trọng trong những tình huống chưa từng được trải nghiệm là một thử thách rất lớn với những người Viettel.….
Thời gian đầu triển khai đầu tư, khi đường liên lạc còn rất khó khăn thì quả thật đã có những lúc chúng tôi rất lúng túng. Như việc người dân Haiti chủ yếu sống trên các sườn đồi núi, khiến cho những kinh nghiệm quy hoạch và xây dựng mạng lưới kỹ thuật đã tích lũy ở Việt Nam, hay Lào, Campuchia không sử dụng được.
Hầu hết các lãnh đạo cao nhất của Viettel đều phải lần lượt thay nhau sang tận nơi nghĩ cùng, làm cùng để tháo gỡ. Rất may là mọi chuyện cũng dần đi vào đúng hướng.
Đứng trước những điều kiện khó khăn như vậy, đặc biệt là việc người dân còn rất nghèo, kinh tế quốc gia lại khó khăn, đâu là cơ sở để Viettel tin tưởng vào hiệu quả mà dự án đầu tư ở Haiti sẽ mang lại?
Mới bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam, Viettel chọn nông thôn làm bàn đạp tiến vào thị trường, ở Lào, Campuchia, chúng tôi cũng được hỏi một câu tương tự. Thế nhưng, ở cả 3 thị trường nói trên, chính những người nghèo đã làm nên thành công của Viettel.
Ở Haiti, người dân còn nghèo hơn, điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển hơn, nhưng chúng tôi luôn có niềm tin rằng: người nghèo cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông. Nếu doanh nghiệp hiểu và có thể thiết kế những dịch vụ, và có cách thức cung cấp phù hợp với từng đối tượng thì đó sẽ là cơ hội để mọi người- kể cả người nghèo được sử dụng.
Mặt khác, chúng tôi cũng tin rằng, người nghèo cũng không nghèo mãi và viễn thông một khi được phổ cập sẽ là một tác nhân giúp họ thoát nghèo và phát triển kinh tế. Ở những nước Viettel đã đầu tư đều ghi nhận được quy luật: kinh tế xã hội khởi sắc ngay sau khi viễn thông được bình dân hóa. Tất nhiên, ở Haiti quá trình này có lẽ sẽ lâu hơn và chúng tôi cũng còn rất nhiều việc phải làm để việc đầu tư tại đây mang lại kết quả và hiệu quả tốt. Việc khai trương cung cấp dịch vụ mới chỉ là kết thúc những bước đi đầu tiên mà thôi.
Đi đầu tư viễn thông nước ngoài chủ yếu là các thị trường nghèo, khó khăn, Viettel có được thành quả gì lớn nhất?
Đến nay Viettel đã chính thức khai trương ở 3 thị trường, đang tiến hành khảo sát và triển khai xây dựng hạ tầng ở 2 thị trường khác là Peru và Mozambic. Như vậy, Viettel đã có mặt ở khắp các châu lục đang phát triển là Á- Phi và Mỹ Latinh. Đến nay, ngoài việc tăng trực tiếp tăng doanh thu cho tập đoàn (năm 2010 là khoảng 200 triệu USD) thì chiến lược đầu tư nước ngoài đã cho Viettel nhiều giá trị vô hình, lớn hơn cả những con số lợi nhuận cụ thể.
Đó là những kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường thế giới với những nhà đầu tư quốc tế hùng mạnh. Đây là bước chuẩn bị quý giá cho Viettel tại chính thị trường Việt Nam khi hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Đó là việc hoàn thiện công nghệ điều hành quản lý, xây dựng, vận hành và khai thác mạng lưới kỹ thuật và kinh doanh trong điều kiện cách xa bộ chỉ huy trung tâm.
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất mà đầu tư nước ngoài mang lại cho Viettel chính là con người. Đến nay đã có khoảng 1.000 người Viettel đang công tác với tư cách là chuyên gia tại 5 thị trường và sắp tới sẽ còn tăng lên rất nhanh. Các thị trường đó là nơi chúng tôi được trau dồi và phát triển kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý và kinh nghiệm điều hành.
Những cán bộ - hầu hết còn rất trẻ này là nguồn bổ sung quý giá cho đội ngũ lãnh đạo quản lý ở mọi cấp trong tương lai. Thị trường nước ngoài chính là trường đào tạo lãnh đạo cho Viettel. Những khó khăn thử thách nơi đầu sóng ngọn gió là cách mà Viettel phát hiện ra người tài và bồi dưỡng người tài.
Mỗi thị trường sẽ có một đặc thù riêng và những hành động cụ thể để tiến hành đầu tư cũng sẽ khác nhau. Vậy, những gì là không thay đổi khi Viettel đầu tư ở thị trường nước ngoài?
Đó là triết lý 4Any: viễn thông là mọi lúc, mọi nơi, cho mọi người và giá rẻ. Đó là cách làm đầu tư hạ tầng mạng lưới hiện đại, rộng khắp trước, kinh doanh theo sau. Đó là triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội. Đó là cam kết mang những gì tốt nhất Viettel có sang những nơi mà Viettel đầu tư. Dù có đi đâu thì Viettel - nhà đầu tư viễn thông quốc tế trẻ nhất, nghèo nhất- cũng mang theo những giá trị khác biệt riêng có như vậy để làm sức mạnh cho mình.
Xin cảm ơn ông!
Quân đội Nhân dân
|