Vàng rớt 2% sau động thái can thiệp tiền tệ của Nhật
Các nhà quản lý quỹ tăng cường nắm giữ hợp đồng vàng lên mức cao nhất trong 4 tuần
(Vietstock) - Giá vàng rớt khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do đà phục hồi mạnh của đồng USD sau động thái can thiệp tiền tệ của Nhật Bản.
* Nhật Bản can thiệp tiền tệ, đồng JPY lao dốc 4%
* Các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ vàng
Sáng 31/10, Nhật Bản đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ sau khi đồng USD chạm mức thấp kỷ lục so với đồng JPY tại mức 75.31 JPY/USD. Ngay sau động thái trên, đồng USD tăng hơn 1% so với các đồng tiền còn lại và tăng vọt 4% so với đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York rớt tới 2.3% xuống 1,707.7 USD/oz trước khi phục hồi về mức 1,713.80 USD/oz vào lúc 09h54 (giờ Việt Nam). Từ đầu tháng đến nay, kim loại quý này tăng 5.6%.
Giá vàng giao ngay cũng giảm gần 2% xuống 1,705.89 USD/oz trước khi phục hồi dần về mức 1,711.79 USD/oz. Tính đến nay, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 5% trong tháng 10 sau khi lao dốc tới 11% trong tháng 9.
Theo nhà phân tích thị trường Wang Tao của Reuters, phân tích kỹ thuật cho thấy giá vàng có thể bị mắc kẹt trong phạm vi kháng cự từ 1,762-1,773 USD/oz.
Các kim loại khác cũng có chung xu hướng với giá vàng. Giá bạc giao ngay trượt tới 2.7% xuống 34.28 USD/oz và giá bạc tương lai sụt hơn 2% xuống 34.21 USD/oz.
Giá bạch kim giao ngay hạ sâu 2.7%, giá palađi giao ngay giảm 1.8% xuống 651.99 USD/oz.
Mối quan tâm vào vàng đã gia tăng trở lại trong các tuần gần đây sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt được tiến triển về thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực dù khá khó nhọc. Trong vòng một tuần qua, giá vàng tăng 6%.
Theo số liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai của Mỹ (CFTC) thì trong tuần trước, các nhà quản lý quỹ đã gia tăng nắm giữ các hợp đồng tương lai và quyền chọn vàng lên mức cao nhất trong tuần.
Trong khi đó, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đăng ký mua 16.04 tấn vàng trong tuần qua.
Trong các ngày tới, thị trường sẽ dõi theo cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như cuộc họp của G20 nhằm phối hợp các nỗ lực hoặc cam kết bình ổn các thị trường tài chính thế giới.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)
|