Vẫn lo lắng về thị trường vàng
Việc đưa ra các quy định nhằm quản lý giá vàng trong nước là cần thiết. Tuy nhiên, để cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới thì điểm mấu chốt vẫn là phải tăng cung và tăng số lượng người bán, chứ không phải là hạn chế như dự thảo dự định thực hiện.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trong tuần qua đã được thu hẹp đáng kể. Nếu tính theo tỷ giá USD/VND tự do là 21.400/21.500 thì giá vàng trong nước đã tương đương với giá vàng thế giới quy đổi. Còn tính theo tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại (NHTM), mức chênh lệch này chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với mức 2,4 triệu vào đầu tuần trước. Điều này được giải thích là do những tác động từ việc ban hành nghị định 95 về sửa đổi, bổ sung việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo hướng tăng chế tài; và dự thảo nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được trình Chính phủ theo hướng siết lại việc kinh doanh vàng miếng.
Tuy nhiên, nếu như nghị định 95 tỏ ra khá hiệu quả trong tính chất hành chính của nó thì dự thảo nghị định này còn rất nhiều điều phải đề cập đến.
Những tín hiệu tích cực đang được phát đi…
|
Nếu tính theo tỷ giá USD/VND tự do là 21.400/21.500 thì giá vàng trong nước đã tương đương với giá vàng thế giới quy đổi. |
Trong ngày 28.10.2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.803, tăng 55 đồng so với đầu tuần, đẩy tỷ giá trần chính thức vượt mốc 21.000. Như vậy, thông điệp không tăng quá 1% của NHNN chỉ còn “room” 0,15% nữa. Tuy nhiên, nhờ mức tăng này của tỷ giá chính thức và nhờ việc ban hành nghị định 95 nhằm siết chặt thị trường chợ đen, tình trạng hai tỷ giá như hiện nay dần được thu hẹp trở lại.
Nghị định 95 cho phép mức phạt vi phạm tối đa tăng lên tới 500 triệu đồng, cùng với việc áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ các tang vật giao dịch trái phép. Hành động luật hoá này giúp công tác thanh tra của NHNN trở nên dễ dàng và có sức ảnh hưởng lớn hơn. Các giao dịch mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do vì thế đột ngột chững lại. Người dân hạn chế mua vào ngoại tệ do lo ngại rủi ro có thể bị tịch thu, cùng với đó là việc bán ra nhiều hơn. Tính đến ngày 27.10.2011, tỷ giá USD chợ đen chỉ còn ở mức 21.470 – 21.530.
Giá USD chợ đen giảm, các NHTM được mua bán vàng tài khoản cùng với việc công bố dần thông tin về dự thảo nghị định kinh doanh vàng khiến cho thị trường vàng, đến lượt nó, bị ảnh hưởng giảm. Dự thảo này phát tín hiệu NHNN không khuyến khích việc kinh doanh vàng miếng. Và hệ quả là người dân đem bán vàng nhiều hơn. Theo báo Thanh Niên, chỉ trong ngày 28.10.2011, ba đơn vị kinh doanh vàng lớn gồm SJC, PNJ và SBJ đã mua vào khoảng 7.700 lượng vàng và bán ra hơn 1.150 lượng vàng. Lượng mua ròng trong riêng ngày 28.10 có giá trị tương đương với khoảng 13,6 triệu USD, chưa bao gồm lượng vàng mua vào từ các ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác.
Lượng vàng vật chất bán ròng tăng lên, các ngân hàng thương mại có thể mua về bù lại trạng thái vàng vật chất đã bán ra. Đồng thời, các ngân hàng lại bán trạng thái vàng ở tài khoản quốc tế và thu về ngoại tệ. Nguồn ngoại tệ này lại có thể được các NHTM bán bớt ra trên thị trường liên ngân hàng, bán cho các khách hàng để đảm bảo cân bằng trạng thái. Nguyên nhân này khiến cho tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh trong những ngày cuối tuần. Thay vì có lúc giao dịch giữa một vài NHTM lên tới 21.900 thì trong ngày 27.10.2011 chỉ còn ở mức 21.370 – 21.420. Như vậy, các biện pháp điều hành tỷ giá linh động của NHNN gần đây đã góp phần kéo cả tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng về gần sát biên độ mà NHNN cho phép.
Việc đưa ra các quy định nhằm quản lý giá vàng trong nước là cần thiết. Tuy nhiên, để cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới thì điểm mấu chốt vẫn là phải tăng cung và tăng số lượng người bán, chứ không phải là hạn chế như dự thảo dự định thực hiện. |
Có thể thấy thành công lần này có sự đóng góp rất lớn của việc cả vàng và USD đều bị người dân bán ra do lo ngại những chính sách mới.
Nhưng vẫn còn đó những lo lắng về vàng…
Theo dự thảo mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải thoả mãn đầy đủ các điều kiện: (i) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (ii) Có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên; (iii) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; (iv) Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm liên tiếp gần nhất.
Trong các điều kiện này, khó hiểu nhất là điều kiện đòi hỏi doanh nghiệp phải chiếm 25% thị phần vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm liên tiếp mới được tiếp tục kinh doanh vàng miếng. Theo NHNN, vàng miếng của SJC hiện nay chiếm đến hơn 90% thị phần trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc bảy doanh nghiệp đang được cấp phép sản xuất vàng miếng sẽ không được phép tiếp tục sản xuất vàng miếng nữa. Các thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, AAA, vàng miếng của các NHTM khác… có thể sẽ không còn xuất hiện.
Việc thực hiện độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh vàng miếng và quản lý bằng hạn ngạch sản xuất vàng có thể khiến cho việc điều hành thị trường vàng có sự chậm trễ trong việc can thiệp, đồng thời, nếu hạn ngạch về vàng miếng chưa hợp lý sẽ khiến cho thị trường ở trong trạng thái dư thừa hoặc thiếu vàng. Trong bối cảnh hiện nay, khi Nhà nước đang cố gắng thực hiện việc tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, hạn chế bớt sự độc quyền thì việc thực hiện độc quyền trong lĩnh vực sản xuất vàng miếng có thể khiến cho giá vàng khó có thể bám sát thị trường thế giới như NHNN mong muốn. Tình trạng giá cả cứng nhắc tương tự như đối với giá hàng hoá độc quyền trong các lĩnh vực khác là điện và xăng dầu có thể sẽ lặp lại. Việc điều tiết thông qua hạn ngạch có thể sẽ khiến cho tỷ giá biến động đột ngột ngay khi doanh nghiệp kinh doanh vàng được cấp hạn ngạch nhập khẩu hoặc xuất khẩu vàng. Trong quá khứ, mỗi khi NHNN cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, tỷ giá đều tăng mạnh.
Các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng cũng bị hạn chế với những điều kiện khắt khe khác. Những doanh nghiệp này phải có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, có kinh nghiệm kinh doanh mua bán vàng từ hai năm trở lên, có số thuế nộp từ hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất và phải có mạng lưới, chi nhánh điểm bán hàng tại Việt Nam từ ba tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Quy định khắt khe này sẽ khiến việc phân phối vàng miếng chỉ nằm trong tay một số doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, với hơn 10.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vàng như hiện nay, việc kiểm tra liệu các doanh nghiệp nhỏ có mua bán vàng miếng hay không là một điều rất khó khăn. Trong khi đó, điều kiện có hàm ý ngăn cản này chỉ khiến cho chi phí giao dịch tăng cao. Chi phí này cuối cùng sẽ được tính vào giá vàng bán cho dân, làm giá vàng trong nước cao hơn so với vàng thế giới.
Ngoài việc thực hiện quản lý theo hạn ngạch, NHNN còn tiếp tục hạn chế việc kinh doanh trên vàng tài khoản. Việc cho phép thực hiện hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản phải tuỳ thuộc vào từng thời kỳ do NHNN coi đây là hoạt động phái sinh về vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, gây bất ổn thị trường vàng và ngoại hối. Tuy nhiên, nếu việc này không được thực hiện liên tục, giá vàng trong nước sẽ khó liên thông được với giá vàng thế giới và điều đó sẽ dẫn tới khả năng, giá vàng trong nước và thế giới sẽ tiếp tục có những chênh lệch lớn và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân.
Có thể thấy rằng, việc đưa ra các quy định nhằm quản lý giá vàng trong nước là cần thiết. Tuy nhiên, để cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới thì điểm mấu chốt vẫn là phải tăng cung và tăng số lượng người bán chứ không phải là hạn chế như dự thảo dự định thực hiện. Nhằm tránh việc tăng cung và tăng số lượng người bán vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, theo kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là Ấn Độ, NHNN cần cho phép và tạo điều kiện cho người dân buôn bán các chứng từ đảm bảo bằng vàng. Hay nói cách khác, NHNN cần thiết kế các sản phẩm phái sinh vàng phù hợp với điều kiện của Việt Nam thay vì lẩn tránh hoặc ngăn cản sự phát triển loại hình kinh doanh này.
Nguyên Minh Cường
Sài Gòn Tiếp thị
|