Thứ Hai, 31/10/2011 14:40

Trung Quốc cứu châu Âu, tưởng dễ mà khó

Nhiều nhà phân tích cho rằng, với dự trữ ngoại hối hàng nghìn tỷ USD như hiện nay, Trung Quốc sẽ cứu châu Âu “dễ như trở bàn tay”. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không hề đơn giản.

Trung Quốc không dễ chìa tay cứu châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Một trong những tâm điểm của kế hoạch giải cứu châu Âu được giới chức khu vực này thông qua tại hội nghị thương đỉnh toàn khối hôm 26/10 vừa qua là mở rộng nguồn vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) để hỗ trợ các nước ngập đầu trong nợ.

Theo đó, quy mô của EFSE sẽ được nâng từ 440 tỷ Euro lên 1.000 tỷ Euro, tức là gấp khoảng 4 lần so với khoản tiền hiện có của quỹ này (290 tỷ Euro, do đã phải chia sớt cho việc cứu trợ Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha).

Để thực hiện, giới chức châu Âu đưa ra hai lựa chọn. Một là thực hiện bằng cách bảo lãnh cho các nhà đầu tư mua trái phiếu nợ các nước Khu vực đồng Euro. Hai là thông qua một quỹ đầu tư đặc biệt với vốn được thu hút từ các nước ngoài khối như Trung Quốc…

Cách thứ hai có lẽ là sự lựa chọn tốt hơn khi mà cuối tuần qua, Giám đốc điều hành EFSF Klaus Regling đã bay tới Bắc Kinh nhằm đàm phán với giới chức Trung Quốc về việc cấp vốn cho EFSF.

Trong cuộc đàm phán này, ông Regling nói châu Âu đang cố gắng đưa ra các cơ chế mới nhằm thu hút đầu tư vào EFSF, trong một nỗ lực nhằm khôi phục niềm tin thị trường vào khu vực Eurozone vốn đang oằn mình trong khó khăn tài chính.

Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới sau các cuộc thương thuyết với người đứng đầu EFSF, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao nêu rõ Bắc Kinh sẽ chờ thêm các chi tiết từ phía Liên minh châu Âu trước khi cam kết đầu tư vào quỹ này.

"Chúng tôi sẽ chờ Liên minh châu Âu đưa các bước kỹ thuật rõ ràng hơn, đồng thời sẽ nghiên cứu nghiêm túc trước khi có thể đưa ra quyết định đầu tư", ông nhấn mạnh.

Châu Âu sợ thất thế

Theo Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nổi tiếng có lập trường dân tộc chủ nghĩa, ít nhất thì Bắc Kinh phải đòi hỏi châu Âu phải có những nhượng bộ, chẳng hạn như mở cửa hơn nữa thị trường châu Âu cho các sản phẩm và đầu tư của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu muốn được Trung Quốc giúp đỡ, thì châu Âu phải chấm dứt việc chỉ trích và đòi Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ. Lâu nay, châu Âu vẫn coi Trung Quốc cố tình hạ thấp giá trị Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Tuy nhiên, phát biểu cuối tuần qua, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker cho biết, việc Trung Quốc đầu tư vào EFSF là điều có ý nghĩa, nhưng không liên quan tới các nhượng bộ chính trị.

Tuyên bố trên đài ARD của Đức, ông Juncker cho rằng, việc Trung Quốc và các nước khác có thể tham gia vào gói giải pháp toàn diện không khiến ông lo ngại, bởi Trung Quốc có khoản tiền dự trữ lớn và Trung Quốc đầu tư vào châu Âu là đúng đắn.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ đổi lại điều gì đó cho Trung Quốc, ông Juncker nói. Hay nói một cách khác, thì sẽ không có bất cứ nhượng bộ chính trị nào được đưa ra làm điều kiện để đổi lấy vốn của Trung Quốc.

Ông Juncker cũng khẳng định, thực tế châu Âu không cần Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng của mình. "Ngay cả khi Trung Quốc và các nhà đầu tư khác không tham gia giải pháp, các quyết định mà chúng tôi đã cung cấp đủ khả năng cho phép chúng ta tự mình vượt qua khủng hoảng nợ."

Trên thực tế, việc kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Quốc đã bị nhiều nhà lãnh đạo chính trị ở châu Âu chỉ trích dữ dội, do quan niệm rằng, điều đó sẽ giảm vị thế của châu Âu trong đàm phán các tranh chấp kinh tế và chính trị với Bắc Kinh.

Bản thân Giám đốc EFSE Regling cũng thừa nhận khó có triển vọng đạt được một thỏa thuận với các quan chức Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Ông cho hay EFSF được phép phát hành trái phiếu bằng bất cứ đồng tiền nào, trong đó có đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Song điều này còn tùy thuộc vào việc Bắc Kinh có muốn hay không.

Regling cho rằng, EFSF có thể đề nghị tung ra đợt trái phiếu đầu tiên chiếm 20% nợ của quỹ này bằng một phương tiện đầu tư mới nhằm thu hút tiền từ những quốc gia mới nổi như Trung Quốc hay Brazil.

Người Trung Quốc phản ứng

Theo hãng tin AFP, những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Weibo và một số tờ báo của Trung Quốc, dư luận nước này đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc Bắc Kinh giúp đỡ châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.

AFP cho biết, với mức dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới lên tới 3.200 tỷ USD, Trung Quốc có vẻ sẵn sàng giải cứu châu Âu.Bản  Nền kinh tế này cũng có lý do hỗ trợ lục địa già, bởi Trung Quốc dựa phần lớn vào việc xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Thế nhưng, thời điểm hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu suy giảm và lạm phát cao do giá nhà lương thực và nhà đất tăng nóng. Do đó, nhiều người dân Trung Quốc lo ngại việc đầu tư vào châu Âu có thể đe dọa tới nền kinh tế nội địa.

Tờ Financial Times cho biết, Trung Quốc có thể đóng góp 70,5 tỷ Euro. Tuy nhiên, việc giải cứu các nước châu Âu phát triển là một việc khó đối với Trung Quốc, khi mà nước này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nội tại.

Trên Weibo, mạng xã hội đang có hàng trăm triệu thành viên, rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ thái độ phản đối việc giúp đỡ châu Âu. Một số phương tiện thông tin đại chúng khác cũng có bài viết phân tích sự thua thiệt từ động thái này.

“Châu Âu giàu có hơn Trung Quốc rất nhiều. Làm sao mà họ có thể thiếu tiền cho được nhỉ? Đây rõ ràng là một trò lừa đảo”, thành viên Song Hongbing trên mạng Weibo bày tỏ.

Theo ông Michael Pettis, giáo sư tài chính trường Đại học Bắc Kinh, phản ứng của dư luận Trung Quốc đã khiến các nhà lãnh đạo ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải lo ngại. Điều này thể hiện ở việc họ đang cân nhắc về quy mô gói giải cứu này.

Vị giáo sư này nhận định, “người dân sẽ nghĩ rằng Trung Quốc giúp một nhóm những người ngoại quốc giàu có thoát ra khỏi khó khăn. Về mặt chính trị, điều này không hề mang lại lợi ích”.

Giới quan sát nhận định, cho dù Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong 3 thập niên qua, nhưng Bắc Kinh vẫn đang phải tập trung sức lực giảm bớt số lượng nguời nghèo khó và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giầu nghèo hiện đang ở mức nguy hiểm.

Kinh nghiệm trong quá khứ đã buộc Trung Quốc phải thận trọng. Trước đây, Trung Quốc đã hùn vốn vào ngân hàng thương mại Mỹ Morgan Stanley và quỹ đầu tư Blackstone. Cả hai cơ sở này đều là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Những người dính líu tới hai thương vụ đầu tư này đã bị chỉ trích nặng nề về quyết định chọn lựa đầu tư. Do vậy, giáo sư Michael Pettis cho rằng, giới chức Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn, để tránh rơi vào một sai lầm tương tự.

Tuy nhiên, theo một kinh tế gia Trung Quốc, trước đây làm việc tại ngân hàng Morgan Stanley, thì trong mọi trường hợp, sự đóng góp của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng mà thôi.

Hồng Ngọc

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Nhật Bản sẽ tiếp tục mua trái phiếu EFSF (31/10/2011)

>   Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 31/10-04/11 (31/10/2011)

>   Nhật Bản can thiệp tiền tệ, đồng JPY lao dốc 4% (31/10/2011)

>   IMF cân nhắc cách giúp đỡ các nước khó khăn hiệu quả hơn (31/10/2011)

>   Đức “bất ngờ” giảm 56 tỉ euro nợ công (31/10/2011)

>   Mỹ-Trung thảo luận về phục hồi tài chính toàn cầu (30/10/2011)

>   Ý chưa trấn an được giới đầu tư (30/10/2011)

>   Kinh tế Thái Lan tê liệt, kinh tế thế giới lao đao (30/10/2011)

>   Trung Quốc muốn thành lập ngân hàng ASEAN (29/10/2011)

>   Kinh tế, tài chính 24h: Kinh tế Nhật và các tín hiệu khích lệ (29/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật