Tăng lãi suất tái cấp vốn sẽ gây khó cho DN
Từ ngày 10-10, NHNN sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm lên 15%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14%/năm lên 16%/năm.
Theo NHNN, việc điều chỉnh tăng này nhằm mục đích đẩy mạnh quyết tâm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, biện pháp này sẽ khiến các ngân hàng thương mại muốn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng trung ương sẽ phải chịu chi phí cao hơn. Từ đó ảnh hưởng lớn đến lãi suất cho vay, các DN đã khó nay lại còn khó hơn khi tiếp cận với mức lãi suất cao.
Theo NHNN, mục đích của việc điều chỉnh các mức lãi suất nêu trên chủ yếu để đảm bảo tính hợp lý trong mối quan hệ giữa các mức lãi suất điều hành của NHNN. Vai trò NHNN là người cho vay cuối cùng nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết lãi suất thị trường, kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng hiện nay trong tình cảnh các DN đang gặp nhiều khó khăn về vốn, không tiếp cận được các nguồn vốn hợp lý để sản xuất, kinh doanh. Phương châm của Chính phủ là năm nay phát triển ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; thế nhưng kiềm chế lạm phát không hẳn là tăng lãi suất cho vay tái cấp vốn. “Tôi cho rằng lãi suất cao chỉ đẩy lạm phát cháy thêm thôi. Bởi lãi suất cao sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng lên, đẩy giá bán ra thị trường cao vọt sẽ làm chỉ số lạm phát tăng lên” - ông Thành lý giải.
Còn TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, cho rằng trong lúc này, NHNN đặt vấn đề kiểm soát lạm phát lên hàng đầu. Do vậy, việc siết chặt tiền tệ là điều nên làm. Có nghịch lý là trong mặt bằng lãi suất cần phải thuyên giảm để bổ trợ DN nhưng việc nâng lãi suất tái cấp vốn, nâng cao chi phí vốn sẽ không thuận lợi cho việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, NHNN mở đầu này, thắt đầu kia không phải là điều gì ngạc nhiên.
Trong khi đó, chuyên gia Bùi Kiến Thành lại cho rằng NHNN nên điều tiết làm sao để lãi suất cho vay dưới 10% là phù hợp, bởi hiện nay các DN đang phải tiếp cận mức vốn vay khá cao 17%-19%. Việc kiểm soát tín dụng là nằm trong tay NHNN.
Ông Thành lý giải, ở Mỹ, tín dụng tiêu dùng chiếm 70% tổng số tín dụng trong nền kinh tế, khi nền kinh tế quá nóng thì họ dùng lãi suất cao để kéo cầu xuống, giảm sức nóng của nền kinh tế, giảm tiêu dùng để kéo lạm phát. Thế nhưng nếu áp dụng ở VN thì không hợp lý, phản tác dụng bởi ở VN tín dụng của DN chiếm đến 90%, nếu lãi suất cao sẽ đánh vào chi phí sản xuất của DN và giá bán trên thị trường. “Nếu Chính phủ muốn kiềm chế lạm phát thì không chỉ dùng mỗi biện pháp thắt chặt tiền tệ làm thuốc trị, đừng để lãi suất gánh vác mọi khó khăn của nền kinh tế” - ông Thành nói.
Trà Phương
Pháp luật TPHCM
|