Thứ Tư, 12/10/2011 09:07

Sử dụng đất tại các KCN: Hoang tàn đất lúa, lãng phí tiền tỉ

Phát triển các KCN là xu hướng không cần phải bàn cãi, tuy nhiên, sự bất cập trong quy hoạch, tùy tiện trong chấp hành pháp luật về đất đai, áp lực phát triển nóng… đã biến hàng nghìn hécta đất nông nghiệp cùng hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho KCN trở nên lãng phí.

Ngân sách nhà nước và “bờ xôi, ruộng mật” mà người dân ngàn đời khai khẩn bỗng chốc bị thu hồi rồi để phơi nắng, phơi sương...

Hàng nghìn hécta đất hai lúa được chuyển thành đất khu công nghiệp (KCN), nhưng tỉ lệ lấp đầy chỉ chiếm 14%. Về Bắc Giang, người ta không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến hàng trăm hécta đất KCN đã được giải phóng mặt bằng để hoang, cỏ mọc um tùm. Người dân mất đất, tỉnh mất tiền hỗ trợ đầu tư giải phóng mặt bằng… thiệt hại kép với bao nỗi xót xa... Trong khi đó, UBND tỉnh vẫn tiếp tục chấp thuận cho đầu tư một số dự án lớn.

Khu công nghiệp công nghệ cao bỏ hoang

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu đất được thu hồi để làm KCN Vân Trung, ông Nguyễn Văn Long, một lão nông không khỏi xót xa: “Cánh đồng này xưa là vựa lúa. Vốn nằm bên sông Cầu lại trải dài theo đường quốc lộ, hệ thống thủy nông thuận lợi nên bao đời nay nó luôn là nơi cho năng suất lúa cao nhất”. Nhưng vựa lúa này giờ chỉ còn trong ký ức. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa... người nông dân như ông Long đã ngậm ngùi nhận đền bù và nhường lại phần ruộng của mình để làm KCN. Tuy nhiên, 4 năm đã trôi qua, hàng trăm hécta đất trên vẫn bị để hoang.

Đứng trên đường quốc lộ 1A nhìn hơn 100ha đã được san lấp chỉ thấy một tấm biển panô to đã rách bươm, dưới là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm. Xa xa là những đống ống và cây cột điện bêtông nằm chỏng chơ phơi nắng, phơi mưa... Toàn bộ khung cảnh của KCN Vân - Trung nơi từng được quảng cáo là đại dự án công nghệ cao... để sản xuất máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, các thiết bị thông tin truyền thông hiện đại... giờ thật ảm đạm, hoang tàn. Theo quảng bá của BQL KCN Bắc Giang thì dự án này có phạm vi chiếm đất lên đến 960ha, trong đó có 433ha dành cho KCN. Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư (Tập đoàn KHKT Hồng Hải, Đài Loan) với diện tích là 230ha; chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng diện tích 145ha. Tuy nhiên từ quý III/2008 đến nay, chủ đầu tư đã tạm ngừng triển khai và diện tích đất để hoang hóa cho đến hôm nay.

Lãng phí kép và những bất ổn về xã hội

Cách KCN Vân Trung chưa đầy 5km là một đại dự án KCN Quang Châu được cho phép đầu tư từ cuối năm 2005. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, KCN này có phạm vi chiếm đất 426ha (chủ yếu là đất nông nghiệp), do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang làm chủ đầu tư. Quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng được đánh giá là thuận lợi, toàn bộ diện tích đất trên đã được UBND tỉnh có quyết định giao cho chủ đầu tư thuê lại để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến cuối năm 2010, chủ đầu tư mới chỉ san lấp mặt bằng được khoảng 92ha và mới chỉ có 5 doanh nghiệp thuê lại đất để sản xuất kinh doanh với diện tích 25,42ha. Đứng bên ngoài hàng rào của KCN, ngay dưới chân của tấm panô được tô vẽ bởi những hình ảnh quá hiện đại và đẹp mắt là một khu bãi mênh mông, cỏ mọc um tùm.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì phần diện tích 375ha đã thu hồi và bồi thường, nhân dân vẫn tiếp tục sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Do chậm triển khai nên đến nay việc san lấp vô cùng khó khăn do nhân dân đòi hỏi bổ sung kinh phí bồi thường theo chính sách mới... gây nên những bức xúc, bất ổn về mặt xã hội. Hiện chưa có báo cáo chính xác về số tiền mà ngân sách tỉnh Bắc Giang bỏ ra để bồi thường, hỗ trợ bồi thường, cũng như đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN... nhưng hàng trăm hécta đất bỏ hoang, người nông dân mất đất canh tác, công nghiệp phát triển không tương xứng đã nói lên lãng phí kép vô cùng lớn.

Trong lúc các dự án, đại dự án KCN trên còn hoang tàn bỏ hoang, thì tỉnh Bắc Giang tiếp tục bổ sung thêm hai KCN khác là KCN Song Khê - Nội Hoàng với phạm vi chiếm đất là 158,7ha do Cty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải và Cty cổ phần công nghiệp tàu thủy Bắc Giang làm chủ đầu tư; dự án KCN Việt - Hàn với phạm vi chiếm đất là 101,53ha do Cty TNHH đất đai Đài Việt làm chủ đầu tư.

Trong đó, nếu KCN Song Khê - Nội Hoàng phần lớn diện tích để hoang thì KCN Việt Hàn từ ngày được thành lập 27.2.2009 đến nay chỉ nằm trên giấy. Theo ông Bùi Văn Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thì mới đây UBND tỉnh đã phải quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của KCN này. Theo các cơ quan chức năng thì tất cả các KCN trên chậm triển khai là do năng lực tài chính, tổ chức thực hiện của chủ đầu tư hạn chế; khả năng thu hút đầu tư không hiệu quả.

Vẫn tiếp tục chấp thuận đầu tư một số dự án lớn

Tỉnh Bắc Giang có 5 KCN với tổng diện tích chiếm đất là 1.209,8ha, trong đó chỉ duy nhất KCN Đình Trám được thành lập đầu tiên từ năm 2003 được đánh giá là có hiệu quả về sử dụng đất với khả năng lấp đầy gần trọn vẹn. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Giang thì ngay cả KCN được đánh giá là khả quan nhất này cũng chưa thể hiện được vai trò đầu tư của nền công nghiệp, khả năng đóng góp cho ngân sách còn hạn chế do các doanh nghiệp thuê hạ tầng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Lý giải về những tồn tại trên, báo cáo giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ rõ: UBND tỉnh không kiểm soát được tiến độ đầu tư hạ tầng, giá cho thuê lại đất có hạ tầng của doanh nghiệp. Hàng trăm hécta đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp bỏ hoang, không triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tỉ lệ lấp đầy các KCN đạt thấp chỉ khoảng 14%, gây lãng phí đất đai.

Cũng theo HĐND tỉnh thì trong khi các KCN chưa lấp đầy, UBND tỉnh lại tiếp tục chấp thuận đầu tư một số dự án lớn, diện tích đất lớn. Việc đồng loạt thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án lớn không căn cứ vào năng lực thực hiện của nhà đầu tư dẫn đến hàng trăm hécta đất KCN bị bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích gây lãng phí lớn. Cũng theo báo cáo này thì hiệu quả thu ngân sách tỉnh từ các doanh nghiệp KCN đạt rất thấp.

Theo các giấy chứng nhận đầu tư đã cấp thì tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hàng nghìn hécta đất nông nghiệp để phát triển các KCN, đầu tư nhiều tỉ đồng từ ngân sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN... nhưng kết quả thu được rất hạn chế: 6 tháng đầu năm 2010 tổng thu nộp ngân sách từ các KCN chỉ đạt 3,5 tỉ đồng. Từ năm 2006 đến hết năm 2010 tổng thu chỉ đạt 15 tỉ đồng. Đó là những kết quả quá thấp so với những gì đã đầu tư, đó là chưa kể đến những tổn thất lãng phí kép từ việc đất bỏ hoang và nền công nghiệp không hình thành.

Duy Thanh

lao động

Các tin tức khác

>   Khối ngoại “ngắm” nhà ở trung bình (12/10/2011)

>   Tìm lời giải cho cải tạo đô thị cũ (11/10/2011)

>   Chỉ được bán theo giá chủ đầu tư công bố (11/10/2011)

>   Sao người bị thu hồi đất cứ khiếu kiện lâu thế? (11/10/2011)

>   Rủi ro hợp đồng góp vốn kinh doanh nhà ở (10/10/2011)

>   Bất động sản Tây Hà Nội tăng giá nhẹ, giao dịch ít (10/10/2011)

>   Thị trường bất động sản: Thời điểm “chọn mặt gửi vàng” (10/10/2011)

>   Thị trường BĐS: Chờ tín hiệu để định hình xu hướng (10/10/2011)

>   Hội môi giới bất động sản VN sẽ thành lập vào tháng 12 (09/10/2011)

>   Vốn ngoại vào bất động sản: Không dễ (09/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật