Tìm lời giải cho cải tạo đô thị cũ
Việc các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý cũng như nhiều doanh nghiệp dường như đang quá chú trọng đến mở mang khu đô thị mới mà ít quan tâm đến khu đô thị cũ khiến cho nhiều nơi trở nên quá tải, môi trường ô nhiễm, tệ nạn xã hội tăng nhanh….
Đó là những trăn trở của Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm xung quanh vấn đề cải tạo đô thị cũ hiện nay.
Theo ông Liêm dù là cải tạo đô thị hay xây dựng đô thị thì việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy. Không gian công cộng là nơi tạo ra cảm nhận địa điểm đầu tiên của khu đô thị, đây là nối tiếp người với người, không gian giao thông nối địa điểm với địa điểm. Nếu chỉ có không gian giao thông mà không có không gian công cộng thì không ổn.
|
Cải tạo đô thị cũ vấn còn nhiều khó khăn. |
Đô thị ngày nay cạnh tranh rất quyết liệt, vì thế các đô thị phải tự tạo ra thương hiệu để cạnh tranh. Ngày nay người ta không chỉ coi trọng giá trị vật chất mà cũng rất coi trọng giá trị nhân văn, khi cải tạo đô thị đều phải chú ý đến những điều đó.
Tuy nhiên, theo ông Liêm hiện nay người kinh doanh BĐS chỉ chú ý đến lợi nhuận, cho nên thực trạng đô thị hiện nay mới có chuyện “cấy” quá nhiều cao ốc vào trong các khu vực trung tâm khiến cho hạ tầng một số nơi bị quá tải, không gian công cộng bị lấn chiếm, thu hẹp.
Vì thế, để cải tạo được đô thị, ông Liêm cho hay không chỉ riêng ông mà rất nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cải tạo đô thị phải có cách tiếp cận tổng hợp chứ không phải đơn ngành.
Đơn cử như ở Hà Nội, khi mở con đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh chỉ mong để dân đi lại, còn giá cả 2 bên đường như thế nào, hình thành ra sao thì lại không quan tâm. Chính vì chỉ quan tâm đến vấn đề con đường nên công việc được giao cho bên giao thông làm, thành ra họ chỉ để ý đến duy nhất vấn đề làm sao để giải quyết câu chuyện giao thông chứ không quan tâm đến giá cả 2 bên đường...
“Khi cải tạo đô thị cũ người ta khuyên phải hài hoà các lợi ích. Song, hiện nay việc cải tạo đô thị cũ thì lợi ích rơi vào túi nhà kinh doanh BĐS là chính, nhưng đến khi tắc đường diễn ra thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là những người làm đô thị chứ những người kinh doanh BĐS không chịu trách nhiệm”, ông Liêm phân tích.
Theo ông Liêm, cần phải xác định rõ lợi ích của nhà nước, lợi ích của chính quyền đô thị là gì. Tiếp đến là lợi ích của các chủ sở hữu đó chính là người dân và cuối cùng là lợi ích của người kinh doanh BĐS.
Được biết, nhiều giải pháp mang tính đột phá liên quan đến chính sách cải tạo đô thị cũ như áp dụng thí điểm quan hệ đối tác công – tư trong cải tạo đô thị, xây dựng chế độ dự trữ đất, cơ chế tài chính cho cải tạo đô thị... sẽ được công bố tại một hội thảo sắp tới. Hy vọng, những khó khăn trong công tác cải tạo đô thị cũ sẽ tìm được lời giải.
Lê Thảo
Lao động
|