Thứ Hai, 17/10/2011 06:53

VỤ QUẢNG CÁO “CHÊ” SẢN PHẨM ĐỐI PHƯƠNG

Sao Cục Quản lý cạnh tranh không giải quyết?

Cục Quản lý cạnh tranh viện dẫn quy định về quảng cáo, không vận dụng quy định trong Luật Cạnh tranh.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 16-10 có bài viết “Quảng cáo “chê” sản phẩm đối phương, xử sao?”. Bài báo phản ánh Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương yêu cầu Cục xử lý quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MSF). Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh đã trả lại hồ sơ. Về vụ việc này, ThS Nguyễn Ngọc Sơn nhận định vẫn có biện pháp giải quyết.

Không vi phạm so sánh trực tiếp

Tôi không đồng ý với lập luận trong quảng cáo phải nói rõ ra tên sản phẩm, nói rõ tên đối thủ thì mới là so sánh trực tiếp. Luật không đòi hỏi phải nói rõ như vậy.

Chỉ cần hình ảnh, màu sắc, tiếng nói, chữ viết... trong quảng cáo đủ để người tiếp nhận thông tin xác định được sản phẩm bị so sánh là sản phẩm gì thì quảng cáo đó là quảng cáo so sánh trực tiếp.

Ví dụ, có công ty đã so sánh rằng nệm mút tốt hơn nệm mút xốp và nệm lò xo, tuy không nói nệm của doanh nghiệp nào nhưng đã trực tiếp xác định được sản phẩm nệm mút xốp và nệm lò xo, thế là có so sánh trực tiếp.

Hoặc quảng cáo kiểu “đèn neon sáng hơn đèn tròn”. Tuy không nói đèn tròn nhãn hiệu nào, của ai sản xuất nhưng với người tiêu dùng, khi đi mua đèn, thấy cái đèn nào tròn tròn thì là đèn tròn, do đó mà quảng cáo này đã xác định rõ sản phẩm.

Hoặc trường hợp quảng cáo lấy một sản phẩm nào đó của doanh nghiệp khác để so sánh, có dùng kỹ thuật xóa mờ nhãn hiệu trên bao bì đi, thế nhưng người tiêu dùng nhìn vào kiểu dáng, hình dạng còn lại của sản phẩm trong quảng cáo vẫn xác định được đó là sản phẩm gì thì vẫn xem là so sánh trực tiếp.

Thông tin so sánh có thể đúng hoặc không đúng. Với hành vi quảng cáo so sánh, những thông tin so sánh đúng hoặc không đúng đều là cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng quảng cáo của Masan có thể không vi phạm vào điều cấm quảng cáo so sánh trực tiếp!

Lý do, như đã nói, so sánh trực tiếp thì phải xác định được sản phẩm bị so sánh. Trong quảng cáo của Masan, mì được mang ra so sánh là mì có màu vàng sậm. Tôi đi mua mì, đâu có xé gói mì ra coi màu nó là màu gì! Cho nên hình ảnh mì có màu vàng sậm khó tạo hình ảnh về một nhãn hiệu mì nào đó hay một doanh nghiệp nào đó. Mì có màu vàng sậm không phải là đặc trưng của Acecook, Vifon hay bất cứ doanh nghiệp nào, cũng không đặc trưng cho nhãn hiệu mì nào cả. Do đó, Acecook cần xác định màu của mì có phải là dấu hiệu nhận dạng sản phẩm hay không.

Quảng cáo gây nhầm lẫn: Có thể

Như vậy, quảng cáo của Masan có thể không vi phạm về quảng cáo so sánh trực tiếp nhưng tôi cho rằng mẫu quảng cáo này có thể vi phạm điều cấm quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn.

Khoản 3 Điều 45 của Luật Cạnh tranh quy định cấm đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây: giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công, cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành, các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.

Khoản này không hề nói về sản phẩm nào. Do đó, lý lẽ quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn chỉ áp dụng cho sản phẩm được quảng cáo, không áp dụng cho sản phẩm bị so sánh là không phù hợp. Vì vậy, quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm của doanh nghiệp khác cũng phải bị xử lý.

Tôi biết Cục Quản lý cạnh tranh thường đưa ra cái lý rằng Cục trước đây là Ban soạn thảo cho dự án Luật Cạnh tranh, nên quy định này phải được hiểu như thế này, quy định kia phải được hiểu như thế kia. Nhưng xin thưa, ban soạn thảo không phải là cơ quan giải thích pháp luật! Khi soạn thảo, các anh “định”, các anh “nghĩ” thế nào thì tôi không biết nhưng Quốc hội biểu quyết thông qua, câu chữ nằm trong luật rõ ràng như thế thì phải hiểu theo câu chữ mà luật đã ban hành, chứ không thể hiểu theo ý của ban soạn thảo được nữa.

Do đó, đoạn quảng cáo của Masan có thể khiến người tiêu dùng hiểu rằng các loại mì của doanh nghiệp khác có màu vàng sậm chắc chắn là chứa phẩm màu, phẩm màu độc hại. Các doanh nghiệp mì gói khác chỉ cần chứng minh trong mì của mình không có phẩm màu độc hại là chứng minh được quảng cáo trên của Masan gian dối, gây nhầm lẫn.

Từ chối thụ lý có thể tạo tiền lệ xấu

Điều đáng nói là Cục Quản lý cạnh tranh đã có nhận định có dấu hiệu của hành vi quảng cáo nói xấu, so sánh, thế nhưng lại viện dẫn quy định về quảng cáo chứ không vận dụng quy định về cạnh tranh. Do đó mà đẩy doanh nghiệp sang Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Việc này giống như là “đá banh”!

Trong Luật Cạnh tranh có một số quy định tương tự với quy định trong chuyên ngành về quảng cáo (quảng cáo so sánh, gian dối, gây nhầm lẫn…) hoặc về sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn gây nhầm lẫn) hoặc về thương mại (khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh). Nếu như Cục Quản lý cạnh tranh cứ đẩy cho các luật chuyên ngành xử lý vi phạm thì thôi bỏ luôn chương về cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh đi cho rồi!

Còn nếu đã đưa vào Luật Cạnh tranh thì phải tôn trọng khoản 1 Điều 5 Luật Cạnh tranh. Theo đó, “trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của luật này.

Thà rằng Cục nói đây không phải là quảng cáo so sánh, không có gian dối, không gây nhầm lẫn nên không thụ lý hồ sơ thì còn đỡ, đằng này Cục nhận định là có dấu hiệu của hành vi quảng cáo nói xấu, so sánh nhưng không thụ lý là có vấn đề!

Việc Cục từ chối thụ lý vụ việc trên có thể tạo một tiền lệ rất xấu trong việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vô hiệu hóa Luật Cạnh tranh.

ThS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Quỳnh Như ghi

PHÁP LUẬT TPHCM

Các tin tức khác

>   Sự thật “đại gia Kinh Bắc” ngập trong nợ nần? (16/10/2011)

>   Quảng cáo “chê” sản phẩm đối phương, xử sao? (16/10/2011)

>   Lao động ngành tài chính Việt Nam bỏ việc nhiều nhất (14/10/2011)

>   Mỹ: Thủ phủ bang Pennsylvania tuyên bố vỡ nợ (14/10/2011)

>   “Rúng động nghi án lừa đảo” - Truy tìm Phương “đen” (13/10/2011)

>   Bắt giam nguyên phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè (13/10/2011)

>   Ngày 14-10, Masan giải trình về quảng cáo mì gói (13/10/2011)

>   Nobel Kinh tế 2011 và khủng hoảng nợ công châu Âu (12/10/2011)

>   Biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” lan rộng ra thế giới (11/10/2011)

>   Rò rỉ cấu hình của mẫu smartphone Galaxy S III (11/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật