Nobel Kinh tế 2011 và khủng hoảng nợ công châu Âu
(Vietstock) – Thomas Sargent, đồng nhận giải Nobel Kinh tế năm 2011, nhận định rằng không có vấn đề nào mới trong lý thuyết kinh tế ở cuộc khủng nợ công ở châu Âu và giải pháp chủ yếu chỉ là vấn đề chính trị.
|
Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims được trao giải Nobel Kinh tế năm 2011 cho công trình nghiên cứu độc lập “Mối quan hệ nhân quả trong kinh tế vĩ mô”. |
Nobel Kinh tế cho nghiên cứu quan hệ nhân quả trong kinh tế vĩ mô
Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims được trao giải Nobel Kinh tế năm 2011 cho công trình nghiên cứu độc lập “Mối quan hệ nhân quả trong kinh tế vĩ mô”. Giải thưởng này cũng được trích dẫn vinh danh các kinh nghiệm thực tế của cả hai nhà kinh tế chứ không phải công trình lý thuyết.
Hầu hết các mối quan hệ nhân quả trong thế giới vật lý là rõ ràng như việc đẩy một trái bóng và nó di chuyển.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các chính sách kinh tế như cắt giảm thuế và sức khỏe của nền kinh tế thường là quan hệ hai chiều. Nguyên nhân là do các cá thể, doanh nghiệp và chính phủ đưa ra quyết định dựa vào kỳ vọng cách hành xử của các thành phần còn lại trong tương lai.
Chẳng hạn như việc các doanh nghiệp kỳ vọng vào các chính sách kinh tế mới có thể ảnh hưởng hoạt động đầu tư của họ. Tương tự, khi chính phủ đưa ra các chính sách kinh tế như tăng thuế, họ bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng vào sự phản ứng của thị trường, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Cả hai nhà kinh tế giành giải Nobel năm nay, Sargent và Sims, đều dựa trên ý tưởng kỳ vọng duy lý (rational expectations) để phát triển các phương pháp giúp xác định mối quan hệ nhân quả giữa sự thay đổi chính sách, các sự kiện kinh tế và những đại lượng kinh tế vĩ mô như GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp…
Nghiên cứu của Sargent tập trung vào những thay đổi chính sách mang tính hệ thống; trong khi Sims lại quan tâm đến những cú sốc (những thay đổi tạm thời và không mong đợi) đối với nền kinh tế, như việc giá dầu tăng cao hoặc sụt giảm mạnh chi tiêu của hộ gia đình.
Như vậy, những nghiên cứu của Thomas Sargent và Christopher Sims có thể đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi như “Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát bị tác động như thế nào bởi việc tăng lãi suất hay cắt giảm thuế tạm thời?” hay “Điều gì sẽ xảy ra nếu Ngân hàng Trung ương thay đổi lạm phát mục tiêu dài hạn hoặc Chính phủ điều chỉnh mục tiêu cân bằng ngân sách?”.
Trong một tuyên bố về giải thưởng này, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã phát biểu: “Một trong những nhiệm vụ chính trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô là tìm hiểu tác động của những cú sốc và những thay đổi chính sách mang tính hệ thống lên các biến vĩ mô trong cả ngắn hạn và dài hạn”.
Thomas Sargent và mô hình cơ cấu kinh tế vĩ mô
Thomas Sargent là một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái Cổ điển mới (New Classical Macroeconomics). Trường phái này đã làm thay đổi sâu sắc nền tảng kỹ thuật của kinh tế vĩ mô hiện đại; và Sargent đã tiên phong trong việc ứng dụng những thành tựu mới trong toán học về khái niệm kỳ vọng duy lý (rational expectations).
Trong một loạt các bài báo được viết trong những năm 1970, Sargent cho thấy các mô hình cơ cấu kinh tế vĩ mô (tức dùng toán học để mô tả nền kinh tế) có thể được xây dựng, giải quyết và ước tính. Cách tiếp cận của ông không những đặc biệt hữu ích trong nghiên cứu phân tích chính sách kinh tế, mà còn được sử dụng trong những lĩnh vực khác trong nghiên cứu kinh tế, kinh tế lượng vĩ mô.
Sargent đã chỉ ra các mô hình cơ cấu kinh tế vĩ mô có thể được sử dụng để phân tích những thay đổi lâu dài trong chính sách kinh tế; chẳng hạn như việc nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế vĩ mô khi các hộ gia đình, các công ty điều chỉnh kỳ vọng cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Sargent cho rằng sự thay đổi của các đại lượng vĩ mô phản ánh cách thức các cá nhân trong nền kinh tế từng bước cập nhật kỳ vọng về những điều các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng thay đổi, hơn là việc thay đổi của bản thân các chính sách.
Đối với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, Sargent cho rằng “hoảng loạn và khủng hoảng” là những gì đang xảy ra ở khu vực eurozone; và một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này là do sự kỳ vọng của công chúng vào những gì các chính phủ, các định chế tài chính sẽ thực hiện.
Sargent cũng nhận định rằng không có vấn đề nào mới trong lý thuyết kinh tế ở cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và giải pháp chủ yếu chỉ là vấn đề chính trị.
Christopher Sims và mô hình VAR
Sims là viện sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc qua (từ 1989) và Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội Mỹ (từ 1988).
Trong nghiên cứu “Macroeconomics and Reality” (1980), Sims đã giới thiệu một cách thức mới trong phân tích dữ liệu vĩ mô. Ông cũng đồng ý với Sargent trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ vọng.
Sim đã đề xuất một phương pháp mới trong việc xác định và giải thích những cú sốc kinh tế trong dữ liệu lịch sử và phân tích cách thức những cú sốc này được dẫn truyền đến các biến vĩ mô khác.
Sims đã phát triển một phương pháp dựa trên mô hình vector-autoregression (mô hình VAR) để phân tích cách thức nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi những thay đổi tạm thời trong chính sách kinh tế và các yếu tố khác.
Giống như Sargent, mặc dù không đưa ra một giải pháp rõ ràng nào về lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nhưng Sims cho rằng khu vực eurozone phải tạo ra một liên minh tài khóa (fiscal union) để tránh sự sụp đổ của đồng tiền chung. Ông cũng khẳng định điều này trong một cuộc họp báo ở Đại học Princeton: “Nếu để đồng EUR tồn tại, khu vực eurozone sẽ phải tìm cách để chia sẻ gánh nặng tài khóa”.
Hoàng Vũ
|