Quý 3, doanh nghiệp châu Á phát hành cổ phiếu ít nhất trong 2 năm
(Vietstock) - Số lượng cổ phiếu chào bán tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh xuống mức thấp 2 năm trong quý 3.
Triển vọng ảm đạm chưa có dấu hiệu chấm dứt khi vì nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về thị trường chứng khoán trong bối cảnh nỗi lo về khủng hoảng nợ công Eurozone và sự yếu kém của kinh tế Mỹ vẫn còn kéo dài.
Theo số liệu đến ngày 29/09 của Thomson Reuters, số lượng cổ phiếu phát hành tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) trong quý 3 sụt giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 46.4 tỷ USD. Đây là khối lượng phát hành thấp nhất kể từ mức 44.4 tỷ USD trong quý 2/2009.
9 tháng đầu năm, số lượng cổ phiếu phát hành giảm 17.3% so với cùng kỳ năm ngoái từ 190.15 tỷ USD xuống 157.22 tỷ USD.
Tình trạng này đã khiến chi phí bảo lãnh phát hành suy giảm, qua đó gây sức ép lên các ngân hàng đầu tư. Thời gian qua, các ngân hàng này đã cắt giảm việc làm và chi phí để đương đầu với đà sụt giảm của các thị trường.
Theo số liệu của Thomson Reuters/Freeman Consulting, chi phí giao dịch trên thị trường chứng khoán giảm nhẹ xuống còn 3.87 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay từ mức 3.95 tỷ USD trong cùng kỳ 2010.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại các thị trường lớn như Hồng Kông, Thượng Hải và Singapore; 2 trong số các doanh nghiệp tập trung vào các thị trường nhỏ hơn như Thâm Quyến lại lọt vào top 5 công ty có chi phí giao dịch cao nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.
Những khó khăn tại khu vực tương tự với tình hình khó khăn tại Mỹ và các nước châu Âu. Nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia này đang trì hoãn việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và tạm ngừng theo đuổi các thương vụ cho đến khi thị trường bình ổn.
Các quan chức ngành ngân hàng dự báo thị trường sẽ tiếp tục yếu kém trong các tháng tới và nhà đầu tư sẽ đứng bên ngoài khi thị trường vẫn còn nhiều biến động.
Dù hoạt động phát hành cổ phiếu từ đầu năm đến nay khá ảm đạm nhưng số công ty nộp đơn xin IPO tại Hồng Kông và Singapore lại đạt các mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy thị trường có thể phục hồi mạnh trở lại khi mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lắng dịu.
Phạm Thị Phước (Theo CNBC)
|