Thứ Sáu, 28/10/2011 16:46

Nghị định 90: Những điểm mới về phát hành trái phiếu DN từ 01/12/2011

Ngày 14/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về  phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 90). Nghị định 90 có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và điều chỉnh cả đối với hoạt động phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Thông tư số 28/2011/TT-NHNN ngày 01/9/2011 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/12/2011), trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những thay đổi chủ yếu của Nghị định 90 và một số nội dung có liên quan đến hoạt động ngân hàng của Nghị định này.

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh

So với các quy định hiện hành, Nghị định 90 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất, Nghị định 90 đã điều chỉnh cả việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp.

Hiện tại, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường trong nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ, còn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 53/2009/NĐ-CP ngày 4/6/2009 của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát hành trái phiếu trong nước và việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế có một số điểm tương đồng như về chủ thể phát hành, một số điều kiện phát hành, quản lý nhà nước…

Vì vậy, để thống nhất điều chỉnh việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp tại một văn bản, Nghị định 90 được ban hành để thay thế cả Nghị định số 52/2006/NĐ-CP và Nghị định số 53/2009/NĐ-CP hiện hành, điều chỉnh cả việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp.

Thứ hai, Nghị định 90 điều chỉnh cả việc phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng, tuy nhiên ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành ngân hàng.

Nghị định 90 điều chỉnh cả việc phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng có những điểm đặc thù, có tính chất của hoạt động nhận tiền gửi và được điều chỉnh bởi các quy định của Luật các tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Nghị định số 90 có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành ngân hàng đối với việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng, cụ thể:

(i) Việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định 90, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan;

(ii) Trường hợp quy định của pháp luật về ngân hàng khác với quy định tại Nghị định 90, thì tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp, Nghị định 90 đã quy định các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành. Cụ thể:

Một là, đối với việc phát hành trái phiếu để đầu tư cho các chương trình, dự án, doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% trong tổng mức đầu tư của chương trình, dự án (khoản 4 Điều 4). Quy định này nhằm bảo đảm các doanh nghiệp phải có năng lực tài chính, có khả năng trả nợ mới được phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Hai là, đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi và phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề đó. Tuy nhiên, từ thực tế thực hiện Nghị định số 52/2006/NĐ-CP cho thấy đa số các doanh nghiệp không đủ điều kiện để được phát hành trái phiếu vào quý I do chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, mặt khác, để phù hợp với quy định của các Luật liên quan có quy định về thời hạn kiểm toán (Luật Chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng...), Nghị định 90 đã có quy định riêng đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước ngày 01/4 hàng năm chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước. Trường hợp này, doanh nghiệp phải có: (i) báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước năm liền kề với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi; (ii) báo cáo tài chính quý gần nhất với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi được kiểm toán (nếu có); (iii) báo cáo tài chính của năm liền kề với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt.

Ba là, đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, điều kiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được quy định cao hơn để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn nợ nước ngoài của quốc gia và hạn chế việc gây áp lực lên tỷ giá khi doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu (trả nợ). Cụ thể, Nghị định 90 quy định kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 năm liên tiếp liền kề trước năm phát hành của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế phải có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Bốn là, một thay đổi đáng lưu ý so với quy định hiện hành là Nghị định 90 quy định báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp (cả trong trường hợp phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế) phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần (Điều 13 và Điều 23), doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu trong trường hợp báo cáo tài chính được kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán.

Năm là, đối với việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đặc thù như tổ chức tín dụng, Nghị định 90 có quy định bổ sung là phải đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại pháp luật chuyên ngành.

Sáu là, Nghị định số 90 cũng quy định đối với việc phát hành trái phiểu chuyển đổi thì các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất 6 tháng để phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán.

3. Quy định rõ hơn về thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước

Đối với các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp tự quyết định phương án phát hành trái phiếu và tự chịu trách nhiệm về việc phát hành trái phiếu của mình. Đối với các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), để kiểm soát chặt chẽ việc vay nợ thông qua hình thức phát hành trái phiếu, tránh tình trạng vay nợ tràn lan, không hiệu quả, dẫn đến không có khả năng trả nợ, Nghị định 90 đã quy định rõ hơn thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước.

Đối với trường hợp phát hành trái phiếu trong nước, phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước phải được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận trước khi tổ chức phát hành, cụ thể: (i) Đối với doanh nghiệp nhà nước 100% vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thì phương án phát hành trái phiếu phải được Bộ quản lý ngành kinh doanh chính xem xét, chấp thuận; (ii) Đối với doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn Nhà nước do Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và làm chủ sở hữu, thì phương án phát hành trái phiếu phải được Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chấp thuận; (iii) Đối với doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, thì phương án phát hành trái phiếu phải được tổ chức được giao chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét chấp thuận (Điều 15).

Đối với trường hợp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước phải được chủ sở hữu thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Điều đó cho thấy xu hướng quản lý chặt chẽ việc vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (tất cả các trường hợp đều phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận), bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

4. Bổ sung thêm phương thức phát hành trái phiếu

Theo quy định hiện nay (tại Nghị định số 52/2006/NĐ-CP), doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo một trong 3 phương thức: (i) Đấu thầu phát hành, (ii) Bảo lãnh phát hành; và (iii) Đại lý phát hành.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng và thực tế các tổ chức tín dụng cũng là các tổ chức có nghiệp vụ phát hành trái phiếu (có thể tự phát hành trái phiếu mà không cần thông qua đại lý hoặc bảo lãnh phát hành), Nghị định 90 đã bổ sung thêm phương thức phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng. Cụ thể, bên cạnh 3 phương thức là đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành, Nghị định 90 quy định tổ chức tín dụng được phát hành trái phiếu bằng phương thức bán trực tiếp cho các nhà đầu tư (Điều 17).

5. Quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế

Việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là một trong các hình thức vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Do đó, Nghị định 90 quy định đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định 90 còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về vay và trả nợ nước ngoài (Điều 4).

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế phải làm các thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức xác nhận đăng ký trị giá trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế theo hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Điều 25, Điều 35).

Tóm lại, các quy định của Nghị định 90 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, góp phần hỗ trợ việc hình thành và phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu ở Việt Nam, mặt khác cũng tạo cơ sở pháp lý tăng cường quản lý, giám sát đối với việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp để hoạt động này an toàn, hiệu quả hơn./.

Theo Phạm Tiến Sỹ

SBV

Các tin tức khác

>   Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp (28/10/2011)

>   07/11, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu QHB0811078 (27/10/2011)

>   04/11, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu QHD0811067 (27/10/2011)

>   Trúng thầu 1,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (27/10/2011)

>   04/11, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu QHB0811068  (26/10/2011)

>   01/11, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu QH061133 (26/10/2011)

>   31/10, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu QH061134 (26/10/2011)

>   07/11, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu VEC10712  (26/10/2011)

>   27/10, đấu thầu 2,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (24/10/2011)

>   Thông tin sử dụng vốn trái phiếu: Cần chi tiết đến từng dự án (23/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật