Giá đồng mất ¼ giá trị trong quý 3
Kim loại cơ bản giảm giá thê thảm trong quý 3, bởi triển vọng kinh tế toàn cầu sa sút, trong đó đồng mất ¼ giá trị.
Giá đồng giảm phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, góp phần vào kết cục bi quan của cả quý: giá giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm, do các nhà đầu tư hoang mang lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Kim loại rất nhạy vảm với kinh tế này đã mất giá hơn ¼ trong quý 3, xuống mức thấp nhất 14 tháng là 6.800 USD/tấn vào đầu tuần cuối tháng 9, khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro ngày càng bế tắc, thất nghiệp ở Mỹ vẫn cao và nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại…Tất cả đều cảnh báo triển vọng nhu cầu sẽ sa sút trên toàn cầu. Hồi tháng 2 giá đồng tại LME đã lên tới kỷ lục 10.190 USD/tấn.
Quý 3 đồng cũng giảm giá mạnh nhất kể từ cuối năm 2008. Biên độ dao động giá trong quý 3 cũng rất lớn.
Sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc tháng 9 giảm sút tháng thứ 3 liên tiếp. Sản xuất chế tạo và dịch vụ ở khu vực châu Âu tháng 9 cũng giảm lần đầu tiên trong vòng 2 năm. Số nhà mới xây ở Mỹ tháng 8 giảm 5% xuống mức thấp nhất 3 tháng.
Tính từ đầu năm tới nay, đồng đã mất giá 24%, là mức giảm mạnh thứ 2 chỉ sau năm 2008 (năm 2008 đồng đã mất giá 54%).
Năm 2008 kinh tế sa sút khiến thị trường đồng thế giới từ chỗ thiếu hụt chuyển sang dư thừa.
Hiện dự trữ đồng tại London, New York và Thượng Hải tăng 15% so với đầu năm, lên 650.851 tấn, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể sẽ giảm sút.
Dự trữ hiện cao hơn 50% so với mức trung bình của 5 năm qua, theo thống kê của Bloomberg.
Mặc dù vậy, mức tăng dự trữ năm nay vẫn còn thấp hơn so với +63% năm 2008 và +78% năm 2009.
Nhập khẩu vào Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, tăng 58% kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục 2 năm rưỡi, hồi tháng 5, theo báo cáo của Hải quan nước này.
Trong khi kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại còn 9,3% năm nay so với 10,4% năm ngoái, tỷ lệ đó vẫn cao gấp gần 6 lần so với Mỹ. Trung Quốc chiếm khoảng 38% tổng nhu cầu đồng toàn cầu, còn Mỹ chiếm 8% và Tây Âu chiếm 15%, theo Morgan Stanley.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới xuống 4%, từ mức 4,3% (2011) và 4,5% (2012) dự báo trước đây. Con số này vẫn khả quan hơn nhiều so với mức giảm 5,2% GDP toàn cầu năm 2009 theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.
Sản lượng ở Chile, chiếm khoảng 17% tổng cung đồng tinh luyện toàn cầu, có thể sẽ giảm năm nay do bão tuyết và đình công.
Những yếu tố này cho thấy giá đồng có thể sẽ tăng trở lại. Lĩnh vực xây dựng chiếm 25% nhu cầu đồng, Hiệp hội Phát triển Đồng cho biết. Mặc dù triển vọng tăng trưởng kinh tế sa sút, song thị trường một số hàng hoá vẫn có nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này giá cả sẽ biến động rất mạnh.
Hôm 22/9 Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá sẽ lên mức kỷ lục 11.000 USD/tấn trong 12 tháng tới bởi tăng trưởng ở các thị trường đang nổi “sẽ khiến thị trường trở nên khan hiếm”.
Deutsche Bank hôm 28/9 cho biết nguồn cung có thể thiếu hụt 140.000 tấn so với nhu cầu trong năm nay, và dư thừa khoảng 120.000 tấn vào năm tới. Chỗ đó đủ để sản xuất dây điện, đường ống và các vật liệu khác cho xây dựng 600.000 ngôi nhà ở Mỹ, Hiệp Hội phát triển Đồng cho biết.
Barclays Capital thì dự báo sẽ thiếu hụt 639.000 tấn đồng trong năm nay, thấp hơn mức thiếu 889.000 tấn dự báo hồi tháng 4. Về năm 2012, Barclay dự báo sẽ thiếu hụt 275.000 tấn.
Trên thị trường thiếc, mức chênh lệch giá giao ngay so với giá kỳ hạn gia tăng sau khi các nhà luyện thiếc Indonesia nhất trí cấm xuất khẩu hoàn toàn kể từ 1/10 bởi giá đã giảm mạnh trong tháng 9.
Thời hạn cấm xuất khẩu sẽ tuỳ thuộc vào giá thiếc thế giới.
T.H (Theo Reuters, Bloomberg, Dow Jones)
VINANET
|