Xuất khẩu quặng sắt Ấn Độ sẽ tiếp tục giảm
Nguồn cung quặng sắt Ấn Độ ra thị trường toàn cầu từ Ấn Độ - nước nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 3 thế giới - giảm sút đã khiến giá quặng sắt từ cuối năm 2008 tới nay tăng gấp 3 lần, và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong 5 năm tới khi ngành thép trong nước phát triển khiến tiêu thụ quặng sắt nội địa gia tăng mạnh mẽ, trong khi nhu cầu từ nước tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc không ngừng gia tăng.
Xuất khẩu quặng sắt từ Ấn Độ trong năm kết thúc vào tháng 3 vừa qua đã giảm 17% xuống chỉ 97,6 triệu tấn, chủ yếu do bang sản xuất chính là Karnataka cấm xuất khẩu.
Bang Karnataka chiếm tới ¼ tổng xuất khẩu quặng sắt của Ấn Độ.
Nỗ lực hạn chế bán ra nước ngoài, Ấn Độ đã tăng cước phí vận tải, và tăng gấp 4 lần thuế xuất khẩu quặng sắt tinh chế - loại quặng chiếm tới 55-65% sắt và chiếm khoảng 70% tổng sản lượng 200 triệu tấn mỗi năm của quốc gia này. Kết quả là cước phí vận tải khiến chi phí trung bình của quặng sắt Ấn Độ đội lên 100 USD/tấn, gấp đôi chi phí sản xuất ở Australia và Brazil, và chi phí vận chuyển quặng xuất khẩu đắt gấp 5 lần so với chi phí vận chuyển quặng tiêu thụ nội địa.
Điều này khiến nhà khai thác quặng không còn mặn mà với việc xuất khẩu nữa.
Ấn Độ - nước sản xuất thép lớn thứ 5 thế giới – đặt mục tiêu nâng sản lượng hàng năm lên 120 triệu tấn vào cuối 2012 từ mức gần 67 triệu tấn năm 2010, sau khi các hãng lớn như ArcelorMittal và POSCO mở rộng công suất sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Ấn Độ tài khóa này là 8,2%, sau khi tăng 8,5% trong tài khoá vừa qua. Đó sẽ là cơ sở để sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt tại đây tăng mạnh.
Nhà phân tích Gunmeet Singh của hãng CRU ở Mumbai dự báo với đà tăng trưởng mạnh của lĩnh vực thép Ấn Độ, xuất khẩu quặng sắt sẽ giảm một nửa trong tài khoá kết thúc vào tháng 3/2016 từ mức 97,6 triệu tấn tài khoá vừa qua.
Các lò luyện thép truyền thống của Ấn Độ là lò cao, chỉ có thể sử dụng quặng sắt dạng cục, nhưng các hãng sản xuất thép đang tăng cường đầu tư vào các lò sử dụng quặng sắt thiêu kết và vê viên - những loại quặng hiện chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Singh ước tính công suất sản xuất thép từ quặng vê viên sẽ tăng gấp 3 lên 90 triệu tấn trong vòng 5 năm tới, còn công suất chế biến quặng thiêu kết sẽ tăng 55-60% từ mức 53 triệu tấn hiện nay.
Christopher Ellis, chuyên gia của Metal Bulletin nhận định: “Với các nỗ lực giảm xuất khẩu quặng và hỗ trợ ngành thép trong nước, Ấn Độ sẽ tận dụng lợi thế chi phí nguyên liệu nội giá rẻ”.
Tuy nhiên việc giải phóng mặt bằng vẫn là trở ngại lớn trong quá trình thực hiện các dự án mở rộng công suất sản xuất thép của Ấn Độ. Người dân nước này vẫn biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng nhà máy thép 12 tỷ USD của hãng POSCO - lẽ ra bắt đầu sản xuất trong năm nay. Họ đã gửi đơn lên quốc hội đòi được bồi thường thoả đáng cho việc giải toả đất nông nghiệp của những ngôi làng nghèo để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp.
T.H (Theo Reuters)
Vinanet
|