Điểm mặt những gia đình giàu nhất châu Á
Sự thịnh vượng ở châu Á đang tạo nên nhiều triệu phú, tỷ phú hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Ngân hàng tư nhân Julius Baer dự báo, tài sản của 3,3 triệu cá nhân giàu có trong khu vực này sẽ tăng gấp 3 lần, lên gần 15,81 nghìn tỷ USD vào năm 2015, hãng tin CNBC cho hay.
Kinh tế tăng trưởng mạnh, cùng với sự bùng nổ của các thị trường chứng khoán, địa ốc đã giúp một số doanh nghiệp lớn nhất châu Á tăng trưởng với nhịp độ chóng mặt. Nhiều đại doanh nghiệp ở khu vực này là những công ty gia đình, với anh em, con cháu nắm giữ các cương vị chủ chốt. Không ít công ty gia đình đã định hình nên sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp ở các nước như ở Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Singapore.
Dưới đây là danh sách 10 gia đình giàu nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo số liệu tính toán của hãng nghiên cứu Wealth-X, công ty chuyên cung cấp thông tin cho các ngân hàng tư nhân và tổ chức tư vấn. Giá trị tài sản của mỗi gia đình được tính toán dựa trên tài sản nằm giữ, lương, cổ tức và mọi tài sản đầu tư khác. Tất cả các gia đình trong danh sách này đều có tối thiểu 2 thành viên đang tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.
10. Nhà Wang (Đài Loan)
Tập đoàn Nhựa Formosa
Giá trị tài sản ước tính: 8,6 tỷ USD
Nhà họ Wang đã sáng lập nên Tập đoàn Nhựa Formosa, một trong những công ty nhựa lớn nhất thế giới. Đây cũng là công ty kinh doanh đa ngành lớn nhất ở vùng lãnh thổ Đài Loan thuộc Trung Quốc. Formosa cũng là một trong những nhà sản xuất sản phẩm hóa dầu hàng đầu ở châu Á, quản lý hơn 100 doanh nghiệp bao trùm nhiều lĩnh vực, từ giáo dục cho tới y tế.
Hai anh em ông Yung-ching (ảnh) và Yung-tsai Wang đã lập nên Formosa vào năm 1958. Từ một xưởng sản xuất nhỏ, hai ông đã đưa Formosa trở thành một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất ở châu Á, với 4 công ty lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm Công ty Hóa dầu Formosa, Công ty Nhựa Formosa, Công ty Nhựa Nan Ya và Công ty Hóa chất và Phíp Formosa. Hai ông đã nghỉ hưu từ năm 2006 và chuyển giao quyền lãnh đạo công ty cho một hội đồng, trong đó có Cher Wang (con gái ông Yung-ching) và Wen Yuang Wang (con trai ông Yung-tsai).
Ông Yung-ching đã qua đời năm 2008, hưởng thọ 91 tuổi. Theo tạp chí Forbes, tài sản của ông vào thời điểm đó ước tính đạt 5,5 tỷ USD. Ông có ba người vợ và 10 đứa con.
Bà Cher Wang, 53 tuổi, con gái của ông Yung-ching, đã cùng tất cả các anh chị em trong gia đình nối tiếp thành công của người cha. Công ty Điện thoại di động thông minh HTC của bà có doanh thu 9,8 tỷ USD trong năm 2010. Cher và chồng bà, ông Wen Chi Chen, đã được Forbes bình chọn là những người giàu nhất ở Đài Loan, với tài sản lên tới 8,8 tỷ USD trong năm 2011.
9. Nhà Ng (Singapore)
Tập đoàn Địa ốc Viễn Đông, Tập đoàn Sino
Giá trị tài sản ước tính: 8,9 tỷ USD
Gia đình họ Ng sở hữu tập đoàn phát triển địa ốc tư nhân lớn nhất Singapore – Tập đoàn Viễn Đông, và Tập đoàn Sino cũng kinh doanh bất động sản nhưng trụ sở đặt tại Hồng Kông. Các công ty này đều nằm trong số những tập đoàn địa ốc lớn nhất châu Á, với doanh thu hàng năm đạt khoảng 4,3 tỷ USD.
Người sáng lập nên các công ty này là ông Ng Teng Fong. Ông này đã qua đời năm 2010 vì xuất huyết não, hưởng thọ 82 tuổi. Ông nổi tiếng với phong cách sống thanh đạm, ở cùng một ngôi nhà trong suốt 30 năm, bất kể tài sản của ông ngày càng nhiều. Sau khi ông qua đời, người con trai cả Robert (ảnh) đã thay ông cai quản Tập đoàn Sino, trong khi người con thứ đứng đầu Tập đoàn Viễn Đông.
Tầm ảnh hưởng của gia đình họ Ng ở Singapore rất lớn, với việc nắm trong tay nhiều công trình địa ốc cực lớn như khách sạn Fulleton cùng hơn 700 bất động sản khác. Gia đình này cũng đang có 5 công ty con được niêm yết trên sàn chứng khoán. Tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Viễn Đông công bố báo cáo cho biết ý định nâng vốn ít nhất 410 triệu USD, bằng việc đưa một số khách sạn và địa ốc cho thuê lên thị trường ủy thác đầu tư bất động sản REIT của Singapore. REIT là thị trường địa ốc lớn thứ ba thế giới, sau Nhật Bản và Australia.
8. Nhà Hartono (Indonesia)
Tập đoàn Djarum
Giá trị tài sản ước tính: 11 tỷ USD
Hartono là gia đình giàu nhất Indonesia, sở hữu một trong những công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới – Tập đoàn Djarum. Tập đoàn này đồng thời sở hữu phần lớn cổ phần của Ngân hàng Central Asia, một trong những nhà băng lớn nhất Indonesia. Hầu hết tài sản của gia đình Hartono là từ ngân hàng này.
Hai anh em Robert Budi Hartono và Michael Bambang Hartono đã thừa kế gia tài từ người cha gốc Hoa, ông Oei Wie Gwan, người sáng lập ra Djarum vào năm 1951. Sau khi người cha qua đời năm 1963, hai anh em nhà Hartono đã thay thế điều hành công ty, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. 10 năm sau đó, họ bắt đầu xuất khẩu thuốc lá.
Các sản phẩm thuốc lá của Djarum hiện chiếm 97% thị trường thuốc lá mùi đinh hương của Mỹ, trước khi chính quyền của Tổng thống Obama cấm bán các loại thuốc lá có hương khác mùi bạc hà, do loại thuốc lá mùi đinh hương bị chỉ trích là đã hấp dẫn thanh thiếu niên.
Con trai Robert Budi Hartono là Armand Wahyudi (ảnh) cũng đã tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, hiện đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ngân hàng Central Asia từ 2009. Do những biến động thị trường gần đây, tài sản của gia đình Hartono cũng vơi bớt một phần. Trong hai tuần (tính tới ngày 5/10), tài sản của họ đã giảm 8% xuống 10,5 tỷ USD.
7. Gia đình Lee Kun Hee (Hàn Quốc)
Tập đoàn Samsung
Giá trị tài sản ước tính: 11,6 tỷ USD
Ông Lee Kun Hee (trong ảnh) là Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung, đơn vị hàng đầu thuộc Tập đoàn Sam Sung – doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc với 70 công ty thành viên. Tâp đoàn này đóng góp gần 1/5 GDP của xứ sở kim chi.
Tập đoàn Samsung do cha của ông Lee Kun Hee sáng lập năm 1938. Kun Hee là con trai thứ ba của người sáng lập. Ông lên nắm giữ cương vị chủ tịch tập đoàn sau khi người cha qua đời vào năm 1987. Công sức của Kun Hee được ghi nhận nhờ tài đưa công ty này trở thành một trong những trụ cột của ngành công nghiệp công nghệ trên toàn cầu.
Hãng Điện tử Samsung hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Apple. Nhiều thành viên của gia đình đã tham gia vào hoạt động kinh doanh của Samsung, như con trai của Lee Kun Hee là Jay Y. Lee, hiện là Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung, con gái Lee Boo Jin, Phó chủ tịch chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp Shilla của tập đoàn
Với tư cách là người đứng đầu tập đoàn, ông Lee Kun Hee cũng đã phải đương đầu với hàng loạt sức ép trong vài năm gần đây. Vị chủ tịch 69 tuổi này đã bị buộc tội trốn thuế và bội tín vào năm 2008, bị phạt tù 3 năm nhưng sau đó được Tổng thống Hàn Quốc ân xá trong năm 2009. Sau hai năm rời khỏi Samsung, năm 2010, ông đã trở lại lãnh đạo tập đoàn này.
6. Nhà Kuok (Malaysia, Singapore)
Tập đoàn Kuok
Giá trị tài sản ước tính: 16,1 tỷ USD
Kuok là gia đình phú hào giàu nhất Đông Nam Á, chủ sở hữu tập đoàn cùng tên. Tập đoàn Kuok là một trong những công ty đa ngành nhất châu Á, trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ nông nghiệp, địa ốc, cho tới dịch vụ tài chính...
Tập đoàn này được thành lập năm 1949 bởi ba anh em nhà Kuok, trong đó người em út là Robert Kuok (ảnh) năm nay đã 88 tuổi. Khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Kuok đã mở rộng thị trường sang Singapore từ năm 1952 và sau đó là Thái Lan, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông và Trung Quốc.
Con trai ông Robert, Khoon Chen, năm nay 57 tuổi, là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kuok và công ty con Kerry. Trong đó, Kerry là công ty phát triển địa ốc lớn nhất ở Hồng Kông. Người con trai thứ, Khoon Ean, 56 tuổi, hiện là Chủ tịch chuỗi khách sạn Shangri-La Asia.
Tuy nhiên, phần lớn nguồn tài sản của gia đình Kuok đến từ Wilmar International, công ty kinh doanh dầu cọ lớn nhất thế giới đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chủ tịch công ty này là Khoon Hong, cháu trai của ông Robert. Trong quý 2/2011, doanh thu của công ty này đã tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,6 tỷ USD.
Hồng Ngọc
TBKTVN
|