"Chiếm phố Wall": Mầm mống khủng hoảng ở Mỹ
Chưa thể đoán định được những hệ quả xã hội mà phong trào "Chiếm phố Wall" khởi phát và gây tác động, nhưng điều rõ ràng hơn cả chính là nguồn cơn đã sinh ra sự phản kháng ấy: trong bất cứ một thị trường nào chỉ với 1% lũng đoạn nhưng có thể móc được túi của 99% còn lại, lòng căm thù tất yếu phải sinh ra.
Cuộc cách mạng nào?
Vào tháng 12/2010, khi Mohamed Al Bouazzizi, một người bán rau quả dạo ở Tuynidi bị cảnh sát tịch thu chiếc xe đẩy và còn bị tát vào mặt khi đến đồn cảnh sát xin lại phương tiện, châm lửa tự thiêu và sau đó chết tại bệnh viện, hiếm ai có thể ngờ về cái sự việc nhỏ nhoi này lại khơi ngòi cho kịch bản Cách mạng hoa lài lan rộng ở vùng Bắc Phi và khu vực Trung Đông vào đầu năm 2011.
Sự không ngờ xảy đến vào đầu năm thì cũng trở thành bất ngờ vào cuối năm. "Chiếm phố Wall" khởi nguồn từ ngày 17/9/2011 chỉ với vài chục người. Quy mô quá ít ỏi như thế không làm cho bất cứ nhà tư bản nào ở Mỹ lo ngại. Nhưng một tháng trôi qua, quá mau lẹ, hiện tượng đó đã trở thành một phong trào xã hội theo đúng nghĩa, không những không bó gọn ở quy mô nhỏ lẻ mà còn phát triển về số lượng gấp rất nhiều lần trước đó, không chỉ co hẹp ở phạm vi xung quanh tòa nhà giao dịch tài chính lớn nhất thế giới mà còn trải rộng đến 82 quốc gia trên toàn cầu.
Xét về một mặt nào đó, "Chiếm phố Wall" cũng là một cuộc cách mạng, tuy phong trào này không hề mang màu sắc vũ trang. Vậy đó là cuộc cách mạng gì vậy?
Ít ra, cuộc cách mạng trên đã biểu hiện sách lược của nó về tính tư tưởng và nhận thức. Rất đơn giản, "Chúng ta thuộc 99%" - một khẩu hiệu, hoặc cũng có thể gọi là tôn chỉ - của "Chiếm phố Wall", mới nghe có vẻ như thật ngây thơ và chẳng hề có chiều sâu về chính trị cũng như tác động lan tỏa, nhưng trong thực tế đã thỏa mãn được tâm nguyện của đại đa số người Mỹ: không thể hy sinh 99% công dân Mỹ chỉ cho 1% số người giàu có nhưng chiếm đến 40% tài sản.
Nhưng tại sao phong trào này lại nhắm vào đối tượng chính là Phố Wall chứ không phải là một nơi nào khác?
Có thể hiểu một cách giản dị: Phố Wall là trung tâm đầu não của không chỉ các tập đoàn tài chính lớn nhất nước Mỹ, mà còn là huyết mạch lớn nhất trong cơ thể tài chính của thế giới tư bản. Nhưng ngoài việc tồn tại như một thực thể khổng lồ, Phố Wall còn mang tính biểu tượng của sự phân hóa giai cấp, một sự phân hóa công khai và hợp pháp, ngày càng được đào sâu một cách lộ liễu và trắng trợn.
Cuộc khủng hoảng năm 2008, được đánh giá như lần đổ vỡ lớn nhất sau Đại suy thoái 1929-1932 ở nước Mỹ, có lẽ đã nói lên tất cả. Chính giới ngân hàng chứ không phải ai khác, cùng với mối quan hệ chằng chịt với thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán Mỹ, đã đẩy quốc gia này và một phần lớn thế giới vào thảm họa. Công cuộc 10 năm phát triển kinh tế nội địa của tổng thống Bill Clinton đã bị 8 năm cầm quyền theo chủ nghĩa "bảo vệ quyền lợi người Mỹ ngoài biên giới Mỹ" của tổng thống George Bush phá sạch. Hậu quả còn lại đã trút cả lên đầu tổng thống đương nhiệm là Obama.
Sự trớ trêu kinh khủng nhất đối với một tổng thống là phải tiếp quản một mối nguy cơ tiềm tàng đang thành hình thành khối. Obama nằm trong trường hợp đó. Cho đến giờ, vẫn còn không ít người dân Mỹ và thành viên đảng Cộng hòa phản ứng với cách giải quyết "cứu ngân hàng trước hết" của Obama. Nhưng công tâm mà xét, vị tổng thống da đen này có thể làm gì khác nếu không bắt buộc phải chấp nhận phương án cương quyết đổ tiền giải cứu các ngân hàng sắp bị đổ vỡ, mà do đó có thể cầm cự cho cả nền kinh tế Mỹ và duy trì được chính sách an sinh của đất nước này.
Nhưng trong cách nhìn của đại đa số người dân Mỹ, một cuộc khủng hoảng như năm 2008 đã là quá đủ. "Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng", "Phản đối cắt giảm ngân sách"... là những yêu sách mà có thể "Chiếm phố Wall" đang là phong trào đại diện cho tiếng nói của người dân Mỹ. Quả thực, bất chấp rất nhiều cố gắng của tổng thống Obama, Phố Wall vẫn tồn tại từ thời kỳ hậu khủng hoảng vừa qua với một tư thế độc đoán và lũng đoạn - một hình ảnh cao vời vợi trên những cái đầu cứ cúi thấp dần của lớp người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp.
Không thể nhận xét khác hơn về những mầm mống phân hóa xã hội đã tích tụ trong lòng nước Mỹ từ nhiều năm nay, đặc biệt từ thời kỳ 8 năm cầm quyền của Bush con, mà đang bộc phát thành một cơn khủng hoảng nho nhỏ nhưng rất đáng lưu tâm. Rất có thể, đó chính là tiền đề cho một cuộc khủng hoảng xã hội ở nước Mỹ trong những năm tới.
Cho đến lúc này, tính khủng hoảng còn thể hiện ở chỗ những cơ quan mật vụ lớn nhất ở Mỹ như FBI cũng hoàn toàn bị bất ngờ. Chắc chắn đã không có một báo cáo nào của FBI có đủ chiều sâu trong đánh giá và dự báo về tình hình phát triển mạnh mẽ của "Chiếm phố Wall". Điều đó cho thấy cái gì? Nếu ngay cả FBI mà cũng bị bất ngờ bởi một sự kiện chấn động xã hội và mang sắc thái chính trị như vậy, thì cuộc khủng hoảng xã hội cũng có thể xảy ra ngay trong lòng nước Mỹ vào một thời điểm mà hiếm ai dự đoán được.
"Thế hệ mất mát" mới?
Cần nhắc lại, phong trào "Chiếm phố Wall" đang mang dáng dấp của một cuộc cách mạng, nhưng là cuộc cách mạng xuyên quốc gia. Khi mà ở Anh, Đức và cả Nhật, Hàn Quốc, Úc... đều đã tiếp nhận làn sóng biểu tình phản đối dâng cao, khi mà tại Rome của Ý còn xuất hiện một nhóm y phục toàn đen lao vào đập phá và tấn công cảnh sát..., thì có thể hình dung ra mọi việc đang không còn nằm trong tầm kiểm soát bình thường nữa.
Sự thật là nền kinh tế thế giới, tập trung cơ bản tại châu Âu, vẫn còn nguyên mối họa của suy thoái kép, thậm chí là tai họa từ một cuộc khủng hoảng mới. Tâm lý chịu đựng của người dân Mỹ cũng đang tiến đến cái ranh giới của sự bùng nổ. Phong trào "Chiếm phố Wall" là một thứ "điềm" báo trước cho sự bùng nổ ấy. Nếu trong vài năm tới mà kinh tế thế giới không thể sáng sủa hơn, trong khi thế giới tài chính vẫn ăn chơi phè phỡn, thì có thể đoán chắc là "Chiếm phố Wall" sẽ không chỉ là khẩu hiệu.
Trong tương lai gần, với tính chất tự phát và đặc biệt là thiếu những yêu sách có cơ sở, phong trào "Chiếm phố Wall" sẽ chỉ mang tính nhất thời và có thể manh động, chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Với nỗ lực giải quyết vấn đề an sinh xã hội của chính quyền Obama và nỗ lực đánh thuế vào tầng lớp người giàu, tầng lớp trung lưu và thu nhập dưới trung bình ở Mỹ sẽ phần nào được xoa dịu.
Thế nhưng không phải vì thế mà mọi thứ sẽ trở nên lắng đọng. Những kỹ thuật tổ chức của một phong trào dân sự đã hình thành trong "Chiếm phố Wall". Đó là một tờ báo, một phương thức loan tải thông tin qua các phương tiện mạng xã hội thông dụng như Twitter, Facebook.
Sự phản kháng của "Chiếm phố Wall", với đa phần thành viên của nó là lực lượng trẻ, đã khiến người ta liên tưởng lại "Thế hệ mất mát" ở Mỹ vào những năm đầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đó không chỉ là sự mất mát về kinh tế và biểu trưng cho tình trạng phân hóa xã hội sâu sắc, mà còn là hố sâu phân cách giữa hiện tại với tương lai đối với lớp trẻ, một thứ mâu thuẫn mà có thể làm lung lay đáng kể gốc rễ tạo ra xã hội Mỹ.
Thế giới đang chìm ngập trong bầu không khí suy thoái trầm trọng niềm tin và đức tin. Những ngày gần đây, các nhà đầu tư chứng khoán nước ta cũng bàn tán khá rôm rả về hiện tượng "Chiếm phố Wall", có người còn nói vui là biết đâu đấy, phong trào này còn có thể lan tới cả Trung Quốc và... Việt Nam. Nếu thế thì sẽ ra sao nhỉ?
Chưa thể đoán định được những hệ quả xã hội mà một phong trào như thế khởi phát và gây tác động, nhưng điều rõ ràng hơn cả chính là nguồn cơn đã sinh ra sự phản kháng ấy: trong bất cứ một thị trường nào chỉ với 1% lũng đoạn nhưng có thể móc được túi của 99% còn lại, lòng căm thù tất yếu phải sinh ra.
Không phải vô cớ mà Trung Quốc có số tỷ phú đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ), với 7/10 tỷ phú giàu có nhất là những người kinh doanh chứng khoán và bất động sản. Cũng không phải vô cớ mà trong lúc tuyệt đại đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ đến 80% tài sản trong thị trường chứng khoán Việt Nam, thì danh sách những người sở hữu trên 100 triệu USD ở nước ta vẫn cứ dài ra mãi.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|