Thứ Tư, 12/10/2011 06:28

Cứu doanh nghiệp nhờ miễn giảm thuế

Chính sách miễn giảm thuế, về lâu dài, sẽ kích thích sản xuất và phát triển, tăng cường nguồn vốn cho DN tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh và giúp bồi dưỡng nguồn thu.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vừa ra khỏi khủng hoảng và suy thoái, các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục đương đầu với khó khăn, chính sách tiền tệ và tài khóa chưa thể nới lỏng thì cần có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư và DN để kích thích sản xuất và phát triển.

Bên cạnh việc cải cách các thủ tục để DN dễ dàng gia nhập thị trường, nới lỏng một số quy định để DN phát triển và mở rộng kinh doanh, một trong những biện pháp quan trọng, trực tiếp và hiệu quả nhất là miễn, giảm, hoãn các khoản thuế phải đóng.

Lộ trình giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2011 đã chậm lại, 6 tháng mới đạt 5,57%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010 và kế hoạch đặt ra; DN phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, chi phí đầu vào cao, lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm. Trong khi phải chống lạm phát, giảm tổng cầu, Chính phủ đã lựa chọn hoãn, miễn, giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc miễn, giảm, hoãn thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có ý nghĩa gián tiếp hỗ trợ nguồn vốn giúp doanh nghiệp giảm bớt phần vốn vay ngân hàng với lãi suất cao.

Từ năm 2009, khi đối mặt với nhiều khó khăn từ khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát trong nước, Việt Nam cũng đã đưa ra môt gói hỗ trợ kinh tế trong đó có việc miễn giảm thuế cho các DN.

Tiếp tục chính sách trên, ngày 12/02/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2010/QĐ-TTg về việc gia hạn nộp thuế TNDN nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010.

Đánh giá về việc miễn giảm thuế trên cho thấy đã có hàng chục ngàn tỷ đồng DN được thụ hưởng do miễn giảm. Hàng ngàn tỷ chậm nộp thuế được DN luân chuyển và sử dụng một cách hiệu quả... Chính sách này, cộng với các biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi suất đã tác động mạnh mẽ đến DN không chỉ về ý nghĩa kinh tế mà có tác động khích lệ tinh thần kinh doanh, tạo niềm tin cho DN.

Đầu tháng 4 năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định 21 cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian một năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lần này, thời gian gia hạn nộp thuế TNDN năm là 1 năm, chứ không phải là 3 tháng như năm 2010 và đối tượng được gia hạn có thu hẹp hơn.

Năm nay, diện được gia hạn nộp thuế bị thu hẹp, ví như doanh nghiệp xếp loại 1 theo quy định của Thông tư liên tịch số 23 (thường là các DNNN), DN nhỏ và vừa có tên trong danh sách hạng đặc biệt, các DN tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con...

Như vây, việc hỗ trợ DN bằng chính sách giãn, giảm thuế là giải pháp toàn diện, nhưng khi thực hiện đã có trọng tâm, tập trung ưu tiên cho những DN khó khăn nhất và cần được tiếp sức sớm nhất.

Ngoài ra, để hỗ trợ DN và khuyến khích đầu tư, Chính phủ có Nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình Quốc hội cho giảm một phần thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa đang thuộc diện được giãn), như DN sử dụng nhiều lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày...

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 349.300 DN, trong đó hơn 95% là các DN nhỏ và vừa. Khối DN này được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế với việc sử dụng 50,13% lao động, nộp ngân sách chiếm 17,64% và đóng góp 40% GDP. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ... Những khó khăn dồn dập ập đến đã tác động tiêu cực đến từng DN (1).

Cũng phải thấy rằng, mới giãn thuế TNDN thì chỉ giải quyết được một phần và tạm thời khó khăn cho DN. Những DN thuộc diện được giãn thì đến năm sau phải nộp dồn khoản thuế TNDN của cả 2 năm sẽ lại càng khó khăn hơn.

Bởi vậy, có ý kiến đề xuất giảm thuế TNDN và giãn hoãn ngay đối với thuế TNCN, xem xét lại mức khởi điểm chịu thuế TNCN trong năm 2011 với hai hình thức: một là, theo tỷ lệ lạm phát, cộng vào và giảm tương ứng; hai là, theo một mức cụ thể như 20%. Giảm thuế trên cơ sở mức lạm phát là hợp lý hơn, căn cứ vào tỷ lệ lạm phát năm 2011 vì nếu đề xuất một mức giảm cố định thì không linh hoạt, phải điều chỉnh nhiều lần. Đề xuất giảm thuế TNDN này áp dụng đối với những DN đang trong diện được giãn. Chính phủ chỉ có thẩm quyền cho giãn thuế TNDN, còn nếu muốn miễn hay giảm thì phải đưa ra Quốc hội quyết định.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ thực hiện giãn, và đề xuất giảm thuế cho DN sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Nhưng về lâu dài, chính sách giảm thuế sẽ kích thích sản xuất và phát triển, tăng cường nguồn vốn cho DN tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh và giúp bồi dưỡng nguồn thu.

Đồng thời, phải lưu ý đến việc đơn giản thủ tục hành chính vì nếu chính sách miễn giảm thuế TNDN đã được ban hành song nếu quy trình, thủ tục nộp, miễn giảm thuế phức tạp sẽ khiến DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, cơ hội được hỗ trợ.

Tôn vinh DN nộp nhiều thuế

Trong bối cảnh Nhà nước phải sử dụng việc miễn giảm thuế TNDN để hỗ trợ DN, nhiều đơn vị vẫn nộp thuế đầy đủ, đúng hạn và nộp thuế nhiều. Sắp tới, Bảng xếp hạng Top 1000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong ba năm liên tục 2008-2010 (V1000) do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo VietNamNet công bố lần thứ hai để ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn nhất trong ba năm liên tiếp cho ngân sách Nhà nước.

Từ phía Nhà nước đã có biện pháp kích thích sản xuất và phát triển bằng công cụ thuế thì từ phía xã hội cũng nên có biện pháp kích thích sản xuất và phát triển một phần bằng cách vinh danh các doanh nghiệp nộp thuế nhiều.

Có ý kiến cho rằng trước đây trong thời chiến những người cầm súng là anh hùng thì thời bình ai tổ chức làm ăn hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách, nộp thuế nhiều là một hành động anh hùng. Dù có nói yêu nước cỡ nào mà không có hành động cụ thể, không đóng góp một đồng cho đất nước cũng chỉ là nói suông. Đừng quên rằng tất cả mọi chi tiêu công cộng, ngân sách Nhà nước đều từ nguồn nộp thuế, trong đó có thuế TNDN mà ra. Muốn đất nước phát triển, hành động thiết thực nhất để đóng góp xây dựng đất nước là nộp thuế như nhiều DN và cá nhân đã thực hiện trong thời gian qua.

________________________

(1) Điều tra của Hiệp hội DNN&V cho thấy, 20% DN đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn, khoảng 60% DN rơi vào tình trạng sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất và chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Hiện nay có đến 96% DN thuộc đối tượng DN nhỏ và vừa. Nếu chính sách giảm thuế sớm đến được với các DN này, chắc chắn sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

TS. Phạm Trí Hùng, VNR Research Division

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Vụ “ém” 1.441 tỷ đồng của doanh nghiệp: Chi cục thuế có “sờ” được tiền? (10/10/2011)

>   Thuế, hải quan và doanh nghiệp: Đối thoại nửa vời (08/10/2011)

>   Lo thu ngân sách... “quá trớn”! (06/10/2011)

>   Bội chi ngân sách chín tháng hơn 40.000 tỉ đồng (06/10/2011)

>   Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN sắp được giảm thuế (05/10/2011)

>   Hàng nghìn tỷ đồng thuế nhập khẩu linh kiện ôtô thoát truy thu (05/10/2011)

>   Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM) có “ém” hơn 1.441 tỉ đồng? (04/10/2011)

>   Áp mức thuế nào cho nhà đầu tư? (02/10/2011)

>   Nóng chuyện thuế đất và chuyển giá (30/09/2011)

>   Tranh cãi giá tính thuế xe Hyundai nhập khẩu (28/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật