Cần đưa trái phiếu Chính phủ vào ngân sách
“Chính phủ phát hành trái phiếu càng nhiều thì doanh nghiệp càng khó về vốn vì các ngân hàng sẽ đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ (TPCP), bởi không “con nợ” nào an toàn bằng nợ Chính phủ”, đại biểu Trần Du Lịch lo lắng tại phiên thảo luận ở tổ chiều 31.10 về TPCP và chương trình mục tiêu quốc gia 2011-2015.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 khoảng 500.000 tỷ đồng là quá lớn, Ủy ban đề nghị giảm xuống còn khoảng 225.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm 45.000 tỷ. Đánh giá hiệu quả của vốn TPCP, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại nếu trái phiếu tăng lên, con số 45.000 tỷ được đáp ứng thì cuộc cạnh tranh trên thị trường vốn giữa doanh nghiệp và Chính phủ sẽ rất căng thẳng và bên thua chắc chắn là doanh nghiệp vì “không con nợ nào an toàn bằng nợ Chính phủ”. Ông dẫn chứng: giữa năm 2010, khi doanh nghiệp đang kêu thiếu vốn thì bộ Tài chính nâng lãi suất TPCP lên 10,5%, lập tức 48.000 tỷ đồng của ngân hàng đổ vào đây, hỏi còn vốn đâu cho doanh nghiệp vay? “Hoặc trái phiếu để xây dựng đường Nguyễn Tất Thành, có đến 90% do các ngân hàng thương mại mua lại. Đó là chưa kể, mua TPCP các ngân hàng thương mại được hưởng tái chiết khấu. Ví dụ năm 2010, họ mua của bộ Tài chính 10,5%, sau đó mang đến ngân hàng nhà nước được chiết khấu 8%, còn lại 2,5% họ hưởng. Nhất là mua TPCP thì không phải nộp thuế thu nhập, vừa nhàn, vừa khỏe, lại an toàn”, ông Lịch nói.
Bí thư thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải cũng dẫn thực tế: Khi Quốc hội cho phát hành trái phiếu địa phương, từ 2003, thành phố cũng phát hành, song đi ra huy động trong dân thì thu khó, lãi cao nên có đến 70-80% thông qua ngân hàng vì lãi suất thấp. Bí thư thành ủy đặt vấn đề: có nên chia TPCP ra làm 3 dạng: một dạng chi cho an sinh xã hội, dạng thứ hai là một đồng vốn của TPCP thì phải huy động 2-3 đồng của xã hội. Ví dụ: xã hội hóa y tế giáo dục: nên chăng nhà nước có khoản tiền đầu tư vào GPMB để có “đất sạch” mà kêu gọi đầu tư thì sẽ huy động vốn xã hội tốt. Dạng thứ 3, theo ông Hải là loại trái phiếu công trình, có khả năng thu hồi vốn đượ;c ví dụ như trong giao thông thì cho thu phí được như cao tốc Sài Gòn – Trung Lương.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ông Lê Văn Tân muốn Chính phủ cần khắc phục tình trạng bố trí vốn TPCP một cách quá dàn trải. “Nếu trung ương yêu cầu các tỉnh phải cắt giảm dự án thì không địa phương nào cắt hết. Mà đã không cắt là sẽ làm theo kiểu rải mành mành, kéo dài cho đến tận năm 2015 thì chúng ta vẫn sẽ là đại công trường”, ông Tân cảnh báo. Theo dại biểu này, trung ương không nên ngồi một chỗ chia tiền đều cho tất cả các dự án mà nên bố trí một số tiền nhất định, phân bổ cho các tỉnh để các tỉnh tự quyết định.
Cụ thể hơn, Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị: cần có tiêu chí sử dụng vốn trái phiếu, rà soát các dự án các công trình sử dụng vốn TPCP và giai đoạn 2012-2014 chỉ phát hành TPCP cho từng công trình cụ thể. Đại biểu Trương Thị Ánh cũng yêu cầu Chính phủ phải có tổng kết đánh giá nguồn sử dụng TPCP thời gian qua. “Địa phương nào, bộ nào, dự án nào làm tốt, trên cơ sở đó tính toán cho các năm tới”, bà Ánh nêu.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) bức xúc: TPCP thực chất là tiền vay. Làm thiếu thì mới đi vay trong dân. "Có cảm giác Chính phủ không đủ ngân sách nên vay để chi song lại để ngoài ngân sách, vì vậy tôi kiến nghị cần đưa TPCP vào ngân sách", ông Trường nói.
Chí Hiếu
sài gòn tiếp thị
|