Bán vàng bình ổn: SJC đang “ngồi trên lửa”
Sau một thời gian liên minh 5 NHTM cùng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC (G5+1) bán vàng bình ổn ra thị trường theo chỉ đạo của NHNN, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn có lúc gần 2 triệu đồng/lượng.
Nhiều ý kiến nghi ngờ có hay không việc nhóm G5+1 đang “bắt tay” giữ giá vàng cao để kiếm lợi lớn thay vì bình ổn thị trường? Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN THÀNH LONG, Tổng giám đốc SJC, cho rằng SJC đang có nguy cơ lỗ lớn khi bán vàng bình ổn.
|
SJC chiếm thị phần lớn trên thị trường vàng nước ta. |
- Thưa ông, cơ chế bán vàng bình ổn hàng ngày của SJC hiện nay thực hiện ra sao và vai trò của NHNN như thế nào?
- Thương hiệu SJC chiếm thị phần lớn trên thị trường vàng hiện nay nên nói SJC đưa giá vàng mua bán hàng ngày để 5 NHTM thực hiện theo, rồi quy chụp SJC “độc quyền” quyết định giá theo mục tiêu lợi nhuận của mình là không chính xác.
Hiện nay, NHNN lập ra tổ chuyên trách có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật giá vàng và số lượng vàng bán ra của từng ngân hàng cũng như tại SJC, nên giá mua và bán vàng hàng ngày của SJC hoàn toàn do NHNN chỉ đạo chứ không phải SJC tự quyết.
Nói SJC không đặt vấn đề lợi nhuận cũng không phải, nhưng chủ trương của Thành ủy TPHCM cũng như NHNN yêu cầu bán vàng theo giá bình ổn SJC phải ưu tiên trong giai đoạn này là bình ổn, kéo giá vàng trong nước và thế giới gần nhau hơn.
Nói như vậy để thấy rằng lợi nhuận đâu chưa thấy mà vấn đề chúng tôi lo lắng nhất hiện nay và tương lai là rủi ro từ tỷ giá USD/VNĐ.
- Nhưng khi bán vàng ra thị trường SJC đã được bảo hiểm rủi ro từ việc mua vàng đối ứng từ tài khoản ở nước ngoài?
- Xin nói rõ, định hướng của NHNN là việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là ổn định giá vàng trong nước chứ không phải được mua vàng liền. Đúng là tính trên lý thuyết SJC có lời, nhưng thực tế SJC vẫn chưa đóng trạng thái kinh doanh vàng tài khoản được nên chưa có lời mà còn có nguy cơ lỗ.
Thí dụ, SJC bán vàng trong nước giá 44 triệu đồng/lượng và mua vàng ở nước ngoài giá 43 triệu đồng/lượng, trên lý thuyết SJC lời 1 triệu đồng/lượng, nhưng đó cũng chỉ là ghi nhận ký quỹ chứ chưa đóng tiền mua để có lời. Khi nào SJC đóng quỹ và đưa vàng với giá 43 triệu đồng/lượng về nước mới có lời, nhưng điều đó chưa xảy ra vì đến nay NHNN vẫn chưa có chủ trương cấp quota cho nhập vàng.
Trong khi đó tỷ giá USD mấy ngày gần đây nhảy vọt nên dù SJC có mua giá 43 triệu đồng/lượng quy đổi ra theo giá USD trong nước cũng đã chuyển từ lời sang lỗ.
Nguy cơ thua lỗ từ tỷ giá
- Nhiều ý kiến cho rằng khi bán vàng SJC không chỉ giữ tiền mặt mà lo gom USD, vì vậy SJC hoàn toàn có thể chủ động trước biến động của giá USD?
- Làm gì có chuyện SJC được mua ngoại tệ ngay tức khắc. Một doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ xuất trình được mục đích mua, SJC cũng không loại trừ. SJC chỉ được mua ngoại tệ khi nào NHNN cấp phép cho nhập khẩu vàng.
Nhưng như đã nói cho đến nay do chưa được cấp quota nhập vàng nên chúng tôi chưa được các NHTM bán ngoại tệ. Nếu đến lúc được cấp quota nhập vàng không thể biết tỷ giá biến động lên mức nào nữa. Do vậy hiện nay không chỉ SJC mà nhóm G5 như đang “ngồi trên lửa” khi nguy cơ rủi ro về tỷ giá USD/VNĐ rất lớn.
Các NHTM còn có lợi thế chủ động vì họ được mua ngoại tệ theo quy định trạng thái của NHNN, còn SJC hoàn toàn không có.
- Nhưng SJC hoàn toàn có thể mua vàng trong nước thay vì phải tốn ngoại tệ nhập vàng vật chất?
- SJC có thể giảm lỗ bằng cách khi nào giá vàng thế giới lên cao và giá trong nước thấp hơn, khi đó SJC sẽ mua vàng trong nước để cân đối và khỏi tốn ngoại tệ nhập vàng. Tuy nhiên, điều đó cũng khó xảy ra trong tình hình hiện nay vì sức mua của dân còn rất lớn.
Hiện nay, trung bình SJC bán 10.000 lượng/ngày, trong khi nguồn cung vàng của SJC cũng có hạn. Mặc dù các NHTM có cơ chế sẽ cung ứng vàng cho SJC để bán, nhưng số lượng đó cũng không nhiều nên giá vàng trong nước khó có thể thấp hơn giá thế giới.
Hiện nay nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi rằng tại sao giá vàng thế giới đang có xu hướng đi xuống mà giá vàng trong nước lại cao lên? Tôi xin giải thích: Thứ nhất hiện nay công thức tính giá vàng theo tỷ giá liên ngân hàng chứ không phải tỷ giá niêm yết chính thức.
Trong khi tỷ giá liên ngân hàng gần đây đang tăng cao hơn tỷ giá niêm yết chính thức. Nhiều người cứ quy đổi giá vàng theo tỷ giá chính thức rồi cho rằng giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá thế giới là không đúng.
Thứ hai, giá vàng trong nước bao giờ cũng phản ứng chậm hơn giá vàng thế giới, giá thế giới xuống nhanh trong nước không xuống kịp thì biên độ sẽ kéo dài. Đặc biệt, giá thế giới xuống người dân lại ùn ùn đi mua nên nguồn cung khó đáp ứng nổi.
- Xin cảm ơn ông.
Mai Thảo
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|